Sáng 15.2, giá xăng dầu đóng phiên trượt nhẹ, dầu Brent giảm 28 cent, tương đương 0,37%, xuống 74,74 USD/thùng; dầu WTI giảm 55 cent, tương đương 0,77%, xuống 70,74 USD/thùng.
Trong tuần này, giá dầu có các phiên tăng giảm liên tục, tuy nhiên, mức biến động không lớn, nên tính cả tuần, nhìn chung thị trường gần như đi ngang so với tuần trước. Theo đó, giá dầu Brent nhích 0,11% trong khi giá dầu WTI lùi khoảng 0,37%.
Cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột ở Ukraine sau khi Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine bày tỏ mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Mỹ là sự kiện gây chú ý trên thị trường năng lượng toàn cầu. Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình sẽ thúc đẩy nguồn cung năng lượng toàn cầu tăng.
Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tuần này tăng trong khi dầu WTI của Mỹ giảm
Bên cạnh đó, việc Tống thống Mỹ Donald Trump lệnh cho các quan chức thương mại và kinh tế trước ngày 1.4 tới, phải nghiên cứu xong các mức thuế quan đối ứng với các quốc gia “đáp trả” thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ là thông tin đáng chú ý. Các dự báo cho thấy, thị trường vẫn sẽ biến động trong thời gian tới khi các chính sách về thuế quan của Mỹ và các lệnh trừng phạt đã và sẽ đe dọa cuộc chiến thương mại toàn cầu lan rộng. Theo Reuters, Mỹ đã đẩy kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran xuống gần mức 0 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình sau khi áp đặt lại lệnh trừng phạt.
Liên quan đến nhu cầu dầu toàn cầu, các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan cho biết nhu cầu dầu đã tăng vọt lên 103,4 triệu thùng/ngày, tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với năm trước.
Trong nước, ngày 15.2, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường vùng 1 (gần cảng, nhà máy, kho xăng dầu…) theo công bố của Petrolimex như sau: xăng RON 95-V 21.640 đồng/lít, xăng RON 95-III 21.070 đồng/lít, xăng E5 RON92 20.590 đồng/lít, dầu diesel 19.480 đồng/lít, dầu hỏa 19.470 đồng/lít, dầu mazut (giá bán buôn) 17.770 – 20.650 đồng/kg.