Hà Nội tiết kiệm tỷ đồng mỗi năm nhờ rác tái chế

Quận Hoàn Kiếm chiếm gần 90% lượng rác tái chế sau 6 tháng thí điểm phân loại tại nguồn, giúp TP Hà Nội tiết kiệm cả tỷ đồng mỗi năm, theo lãnh đạo Urenco.

Từ tháng 6, năm quận của TP Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm thí điểm phân loại rác từ nguồn. Theo đó, rác được chia làm 4 loại, gồm tái chế/tái sử dụng, cồng kềnh, nguy hại và chất thải còn lại, trước khi được thu gom, xử lý.

Sau nửa năm thí điểm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết họ thu gom được 380 tấn chất thải tái chế, hơn 250 tấn rác cồng kềnh, 200kg pin dùng một lần.

Tại Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, ngày 10/12, ông Đặng Hữu Bình, Phó tổng giám đốc Urenco cho biết quận Hoàn Kiếm có 18 phường thí điểm, chiếm tới 89% lượng rác tái chế của thành phố, tương đương 3 tấn mỗi ngày. Quận Nam Từ Liêm và Hai Bà Trưng lần lượt đạt 4% và 5% rác tái chế thu gom. Hai quận còn lại mỗi nơi gom được 1%.

Với phí vận chuyển 169.000-528.000 đồng mỗi tấn tới nơi xử lý, ông ước tính quận Hoàn Kiếm giúp thành phố tiết kiệm khoảng 2,5 triệu đồng mỗi ngày với lượng rác tái chế thu gom được. “Trừ đi chi phí vận chuyển thu gom 519.000 đồng, chúng tôi tiết kiệm gần 2 triệu đồng mỗi ngày cho ngân sách”, ông Bình nói.

Tương tự, việc xử lý 1,6 tấn chất thải cồng kềnh tại nguồn giúp thành phố tiết kiệm được 1 triệu đồng. Tức là, riêng việc thu gom rác tái chế và cồng kềnh của quận Hoàn Kiếm, một năm có thể tiết kiệm cho thành phố cả tỷ đồng.




Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành các loại để tiện cho thu gom, tái chế. Ảnh: Gia Chính

Lý giải cho kết quả vượt trội của Hoàn Kiếm, Phó tổng giám đốc Urenco cho biết chính quyền quận đã chủ động ban hành kế hoạch phân loại rác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay tuyên truyền và tài trợ đổi quà cho người dân phân loại. Hiện lượng rác tái chế từ Hoàn Kiếm vẫn duy trì xấp xỉ ba tấn một ngày.

Dù vậy, việc phân loại rác tại nguồn còn nhiều thách thức. Theo bà Lê Thị Hồng Nhi – Phó tổng giám đốc Truyền thông & Đối ngoại Unilever Việt Nam, khâu phân loại, thu gom và sau thu gom không đồng bộ. “Thu gom rác hữu cơ ai tiếp nhận? Thu gom giấy, nhôm ai xử lý?”, bà Nhi nêu vấn đề.

Rác tái chế sau thu gom sẽ đi đến các vựa phế liệu, trạm phân loại, qua nhà máy tái chế rồi trở lại vòng đời thành phẩm trong các doanh nghiệp sản xuất.

Chi phí thu gom vận chuyển hay logistics là tốn kém nhất, theo đại diện Urenco. Thực tế, một ôtô 5 tấn của doanh nghiệp chỉ chở được gần một tấn giấy, bởi rác cồng kềnh, dẫn tới khối lượng riêng nhỏ. Urenco đã đầu tư một cơ sở phân loại hơn 2.000 m2 để đóng kiện, sơ chế nhằm nâng cao hiệu suất trong vận chuyển. Doanh nghiệp này đang trình thành phố phê duyệt quy hoạch trạm phân loại tiếp theo tại khu vực quận Cầu Diễn.

Ở phía người dân, đại diện Unilever cho rằng nhiều người chưa thể hy sinh được sự tiện dụng, họ không phân loại rác khi hết quyền lợi. Bên cạnh đó, cũng cần chính sách khuyến khích với doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế, bởi đây là cơ sở tạo đầu ra cho rác tái chế phân loại từ nguồn.

Thủy Trương

.


Nguồn

Next Post

Ba ngân hàng chuẩn bị họp đại hội cổ đông

Tue Dec 10 , 2024
Ảnh minh họa Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam ( VIB – Mã: VIB) vừa thông báo 19/2/2025 là ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của VIB dự kiến được tổ chức vào […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU