Đãi ngộ cho tài xế quá thấp?
Sáng nay 5.9, sau khi thông báo về việc hãng gọi xe công nghệ Gojek rút khỏi thị trường Việt Nam được công bố, nhiều hợp tác xã vận tải đã có thông báo đến các xã viên. “Gojek sẽ chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam kể từ ngày 16.9.2024 sau 6 năm hoạt động. Quý xã viên đã và đang là đối tác tài xế của Gojek – Gocar chú ý nắm bắt thông tin và sắp xếp hướng kinh doanh các app công nghệ khác để không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh”, thông báo viết.
Nếu thị trường tỏ ra khá bất ngờ đối với thông tin Gojek ngừng hoạt động, thì theo một số tài xế, đây là việc có thể tiên đoán trước. Anh Trần Văn Tiến, quê ở Đồng Tháp, từng là đối tác của ứng dụng Gojek ở cấp độ “chiến binh” nhận định: “Tôi khá buồn khi phải chia tay ứng dụng đã gắn bó với mình nhiều năm, nhưng trong giới tài xế, việc quản lý của Gojek bộc lộ nhiều điểm yếu. So sánh với một số ứng dụng khác đưa ra các yêu cầu khắt khe về hành vi, thái độ và đòi hỏi lý lịch tài xế phải “sạch sẽ” thì Gojek lại khá buông lỏng, dẫn đến trường hợp có nhiều tài xế xấu tính, phản ứng không tốt với khách hàng và dần dần mất đi một lượng khách”.
Anh Bùi Hoàng Ân, ngụ tại H.Hóc Môn (TP.HCM), từng là tài xế giao hàng nhiều năm cho Gojek, bộc bạch: “Sau nhiều chính sách đưa ra không hiệu quả, cuối cùng ứng dụng này cũng không thể cạnh tranh ở thị trường Việt Nam. Trước đây các tài xế đã góp ý nhưng người quản lý có vẻ không chịu tiếp thu. Ví dụ như chính sách không tăng giá vào lúc trời mưa, hoặc người có người không khiến cho tài xế thiệt thòi, nhiều người tắt ứng dụng, không hoạt động thì lấy đâu ra tài xế để phục vụ khách? Gojek cạnh tranh bằng giá rẻ nhưng tài xế không được trả công tương xứng thì họ sẽ không hợp tác nữa”.
Nóng: Gojek bất ngờ rút khỏi thị trường Việt Nam
Quá nhiều sự cạnh tranh
Cùng nhận định trên, anh B.H, một tài xế Gojek khác, phân tích: “Gojek phục vụ khách đi xe, khách sử dụng app nhưng quên mất rằng đối tác tài xế cũng cần phải được chăm sóc, cần được thấu hiểu. Các chính sách đãi ngộ, thu nhập của Gojek dành cho tài xế đều thua xa so với các ứng dụng khác, chính vì vậy nhiều người chán nản. Thị trường hiện nay có rất nhiều hãng xe công nghệ, mới nhất là xe máy điện, taxi điện, nên ở chỗ nào chính sách tốt thì tài xế sẽ chạy qua đó, Gojek rút lui cũng là điều có thể dự báo được”.
Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam trong bối cảnh hãng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ lâu năm là Grab và Be. Đặc biệt phải kể đến sự xuất hiện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng trên thị trường gọi xe công nghệ với hãng taxi điện Xanh SM phủ khắp cả nước chỉ sau hơn 1 năm.
Hãng gọi xe đến từ Indonesia trong những năm gần đây đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ. Theo báo cáo “The Connected Consumer quý I/2024” của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, Grab vẫn là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất, nhưng thị phần đã bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hai hãng nội địa là Xanh SM và be, trong khi Gojek bị đẩy xuống vị trí thấp hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 48% người Việt lựa chọn Grab khi sử dụng dịch vụ di chuyển, Xanh SM vươn lên vị trí thứ 2 khi chiếm 32% và Be là 24%, trong khi chỉ có 22% nngười dùng thường xuyên sử dụng Gojek. Cách đây vài năm, Gojek từng chiếm vị trí cao hơn, nhưng đã bị đẩy lùi trong bối cảnh thị trường có thêm sự cạnh tranh.
Khảo sát cho thấy, việc Gojek rút lui không quá ảnh hưởng đến cánh tài xế. Anh Hồ Văn Lang, một cựu tài xế Gojek nói có thể qua ứng dụng giao hàng, hiện cũng đang rất cần người. “Trước đây ít app thì còn lo lắng chứ bây giờ thì nhiều nơi tuyển dụng lắm”, anh Lang tự tin.