Số hóa từ sản xuất tới phân phối
Tại Công ty Unilever Việt Nam, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực hàng tiêu dùng đã bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2019.
Theo đó, công ty hiện thực số hóa toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng. Hệ thống kết nối vạn vật (IoT – Internet of Things), trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu ứng dụng giúp kết nối mọi hoạt động trên cùng một nền tảng. Điều này cho phép tăng tốc độ hoạt động trong toàn chuỗi lên 10 lần, xử lý khối lượng lớn dữ liệu và công việc. Các nhà máy của Unilever không dừng ở việc tự động hóa dây chuyền sản xuất mà còn hướng đến mô hình nhà máy thông minh và robot hóa.
Đại diện Unilever Việt Nam cho biết việc nhanh chóng ứng dụng AI, Big Data và IoT vào chuỗi vận hành hệ thống, chuyển đổi công nghệ đã giúp tối ưu hóa các quy trình, tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu suất và giảm phát thải thông qua sử dụng nhiên liệu xanh như biomass, năng lượng mặt trời…, cũng như tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các đối tác trong chuỗi giá trị xây dựng năng lực để thực hiện các hoạt động đưa phát thải carbon về 0.
Ông Phạm Mạnh Trí, Phó chủ tịch phụ trách Chuỗi cung ứng tại Unilever Việt Nam, nhấn mạnh: Không chỉ dừng lại ở cam kết phi phát thải khí nhà kính, Unilever Việt Nam còn hướng đến mục tiêu không phát thải nhựa ra ngoài môi trường thông qua việc thúc đẩy khả năng tái chế của bao bì sản phẩm với 75% trong năm 2023, cắt giảm 87% nhựa nguyên sinh thông qua cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế (PCR), đồng thời thu gom và xử lý nhiều hơn lượng nhựa được sử dụng cho bao bì các sản phẩm bán ra ngoài thị trường.
GS Tùng Bùi, Giám đốc điều hành chương trình MBA của Đại học Hawaii tại Việt Nam (VEMBA)
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và đẩy mạnh hơn nữa hành trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông minh để góp phần vào chương trình giảm phát thải khí nhà kính theo chiến lược quốc gia”, ông Phạm Mạnh Trí cho biết.
Ông Trần Duy Thanh, Giám đốc ngành hàng điều hòa không khí – Tập đoàn Samsung Electronics, khẳng định: Chuyển đổi xanh không phải khái niệm mơ hồ mà là hành động thực tiễn, diễn ra hằng ngày. Từ năm 1992, Samsung đã đưa ra cam kết giảm khí thải. Đến nay, tất cả ngành hàng của Samsung đều có KPI về chiến lược xanh. Chẳng hạn, giai đoạn 2022 – 2030, mảng điện thoại sẽ phải thực hiện giảm khí thải, sử dụng vật liệu bền vững và tăng cường công nghệ. Mảng máy lạnh sẽ giảm khí thải carbon, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tăng cường AI và sử dụng vật liệu bền vững.
Đến nay, Samsung là một trong những doanh nghiệp ứng dụng sâu rộng nhất công nghệ AI, IoT, Big Data trong hầu hết các hoạt động cũng như trong sản phẩm điện máy của mình. Với Samsung, bài học thực tiễn là dùng đổi mới sáng tạo rút ngắn chuyển đổi xanh. Các sản phẩm ra mắt đều áp dụng AI và Smart Think nhằm giảm mức điện tiêu thụ xuống thấp nhất, đóng góp vào các thành tố trong chứng chỉ xanh, chứng chỉ năng lượng…
“Chuyển đổi xanh được nhiều hơn mất”, ông Trần Duy Thanh đúc kết và chia sẻ: Tại Samsung, hành trình xanh hóa giúp đơn vị nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo nên một công ty bền vững. Đó là cái được. Còn “mất” là chi phí chuyển đổi xanh rất tốn kém. Thị trường hiện nay đang cạnh tranh khốc liệt về giá bán. Vì vậy, việc thực hiện chuyển đổi xanh rất khó khăn khi phải dành một khoản ngân sách nhất định.
“Tuy nhiên, để doanh nghiệp “xanh” thật sự thì đừng quá quan trọng doanh thu ngắn hạn, bởi nó là đầu tư cho tương lai dài hạn. Nên có một tầm nhìn xa hơn”, ông Thanh nêu quan điểm.
Gắn chuyển đổi xanh với chuyển đổi số
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường), đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp gắn quá trình chuyển đổi xanh với chuyển đổi số.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong việc đo lường lượng phát thải khí nhà kính do thiếu công nghệ và kiến thức chuyên môn. Việc thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về phát thải tốn kém cả về thời gian và chi phí. Sự phức tạp của các quy định quốc tế và trong nước khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc tuân thủ đầy đủ và chính xác.
Vì vậy, giải pháp tối ưu là các doanh nghiệp cần phải sử dụng bộ công cụ tích hợp theo dõi và quản lý tác động môi trường: sử dụng phần mềm để theo dõi, quản lý và báo cáo các tác động môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu thập và phân tích dữ liệu, sử dụng công nghệ IoT và AI để thu thập và phân tích dữ liệu về chất lượng không khí, nước, và đất; dự báo và quản lý rủi ro, sử dụng các mô hình dự báo để quản lý các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên nhiên cực đoan; sử dụng các công cụ phần mềm để đo lường và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính một cách chính xác và minh bạch.
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số, AI và IoT nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, gia tăng năng suất làm việc và bảo vệ môi trường. Đơn cử, các cảm biến và hệ thống giám sát đang được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp tại Mỹ, giúp thu thập dữ liệu về độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, lượng nước và các chỉ số khác của đất đai và môi trường nuôi trồng. Dữ liệu này được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra dự đoán và quản lý tốt hơn việc chăm sóc cây trồng và gia súc, từ đó tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu lãng phí tài nguyên.
Tại Việt Nam, không ít địa phương cũng đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất một số lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Những ứng dụng thông minh này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Nổi bật nhất là ở Công ty sữa Vinamilk, doanh nghiệp này đã ứng dụng IoT vào việc giám sát chăn nuôi, từ chế độ ăn đến mọi khâu chăm sóc đều được theo dõi cẩn thận theo chuẩn nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, khối lượng sữa thu được lên tới 23 lít/con/ngày.
Cụ thể, tại siêu nhà máy sữa của Vinamilk ở Bình Dương, dựa trên công nghệ tự động hóa và điều khiển tích hợp trong hệ thống máy tính trung tâm, các robot tự hành (LGV) điều khiển toàn bộ quá trình từ nguyên liệu dùng để bao gói tới thành phẩm, giúp kiểm soát tối ưu về chất lượng và đảm bảo hiệu quả về chi phí. Hơn nữa, các robot LGV vận hành tự động sẽ chuyển pallet thành phẩm đến khu vực kho thông minh, vận chuyển các cuộn bao bì và vật liệu bao gói đến các máy một cách tự động và tự sạc pin mà không cần sự can thiệp của con người.
Mỗi khâu trong quá trình sản xuất được giám sát, mọi thông số đều được theo dõi, bảo đảm khả năng truy xuất tức thì đối với bất kỳ sản phẩm nào. Với công suất 800 triệu lít sữa/năm, cơ sở sản xuất này còn được biết đến với tên gọi siêu nhà máy ở. Theo thống kê năm 2023, “siêu nhà máy” Bình Dương ghi nhận mức tiêu thụ năng lượng 2.891 tấn dầu tương đương, đồng thời là minh chứng cho nỗ lực giảm phát thải của Vinamilk dựa trên ứng dụng robot.
Cũng vì thế, doanh nghiệp này đã mạnh dạn đặt mục tiêu giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027, 55% khí nhà kính vào năm 2035 và trung hòa carbon vào năm 2050.
Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt vẫn ngại chuyển đổi?
Ông Trần Phúc Hồng, Phó chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO), thừa nhận trong khi việc áp dụng AI đang là xu hướng của các doanh nghiệp trên toàn thế giới để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đột phá, tăng năng suất, hiệu quả làm việc, đặc biệt là giảm phát thải và giảm chi phí… thì hiện nay tại Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp muốn triển khai AI, thực hiện chuyển đổi số nhưng đa phần chưa biết bắt đầu từ đâu.
Cùng nhận định trên, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Trung tâm AI của Tập đoàn công nghệ TMA, cho biết: Khảo sát tại Việt Nam cho thấy phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chưa sẵn sàng hoặc còn lúng túng khi ứng dụng AI. Những khó khăn mà các doanh nghiệp này gặp phải đến từ các yếu tố như nguồn vốn, nguồn nhân lực…
“Cứ nhắc đến AI là nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến chi phí cao. Nếu đầu tư, họ lo ngại hiệu quả mang lại không cao và đòi hỏi công cụ này phải đáp ứng nhu cầu khá lớn của doanh nghiệp, trong khi AI cũng cần phải mất thời gian đào tạo để hiểu dữ liệu của doanh nghiệp”, ông Phạm Tuấn Anh nhận định.
Phân tích về những mối lo lắng của doanh nghiệp Việt trong triển khai ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất và giảm phát thải, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn an ninh mạng Athena, chia sẻ: Chi phí đầu tư lớn là vấn đề dễ thấy của mỗi hệ thống AI, IoT, khiến các doanh nghiệp rụt rè khi áp dụng IoT vào quá trình sản xuất và quản lý. Các thiết bị IoT thường phải tích hợp cảm biến, vi xử lý, kết nối mạng ổn định và tốc độ cao. Phần mềm và ứng dụng IoT phải được phát triển và tùy chỉnh cho mỗi dự án cụ thể… Tất cả đã tạo nên một khoản chi phí đầu tư lớn. Không chỉ triển khai trong một quốc gia hay một khu vực mà IoT hoạt động trên toàn cầu. Công nghệ IoT là một lĩnh vực đa dạng, với nhiều phần mềm, phần cứng và giao thức khác nhau nhưng phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung để đảm bảo tính tương thích, bảo mật và khả năng hoạt động trơn tru của các thiết bị và ứng dụng hệ thống IoT. Đây chính là khó khăn chung của các nhà phát triển IoT trên toàn thế giới.
Ngoài ra, tại Việt Nam các cơ sở hạ tầng phát triển chung của hệ thống IoT vẫn chưa phù hợp. Điều này khiến khả năng truyền dữ liệu bị trễ, không cung cấp kịp thời. Hệ thống IoT sẽ được kết nối rất nhiều các thiết bị khác nhau tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn. Chính điều này đã tạo nên lỗ hổng bảo mật, nhiều trường hợp tin tặc tấn công và lấy đi dữ liệu hoặc kiểm soát toàn bộ dữ liệu. Vì vậy, doanh nghiệp cũng cần tốn thêm nhiều chi phí để bảo mật IoT, phòng tránh những gây hại ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
GS Tùng Bùi, Giám đốc điều hành chương trình MBA của Đại học Hawaii tại Việt Nam (VEMBA), nhìn nhận: “Cơ hội lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên này là tìm được một mô hình AI phù hợp, áp dụng vào hệ thống của mình để tăng giá trị cạnh tranh, giảm chi phí vận hành. Những chuyển dịch về chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội mới. Trong kỷ nguyên AI, cạnh tranh xoay quanh việc tạo ra trí tuệ tốt nhất. Đây cũng là một cuộc chạy đua với thời gian, vì các doanh nghiệp không kịp áp dụng công nghệ mới sẽ có nguy cơ tụt hậu. Việt Nam, với niềm đam mê mạnh mẽ về công nghệ, dường như đã sẵn sàng chấp nhận AI”.
GS Tùng Bùi nhấn mạnh: “Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu có thể là một thách thức. Nhưng các dự án IoT thường có tiềm năng tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa hoạt động sau này. Chẳng hạn, IoT giúp tăng năng suất, giảm thất thoát năng lượng, cải thiện quản lý chuỗi cung ứng”.
Nông nghiệp không nằm ngoài xu hướng
Cùng với xu hướng xanh, nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ứng dụng AI trong nông nghiệp hỗ trợ các quy trình sản xuất tự động hóa và tối ưu hóa, giúp nông dân tăng cường năng suất và giảm chi phí sản xuất. AI giúp nông dân dự đoán và phòng tránh các rủi ro từ khí hậu đến dịch bệnh, đồng nghĩa với việc giảm thiểu thuốc phân bón và thuốc trừ sâu, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Một nền nông nghiệp thịnh vượng, hiện đại và bền vững là ước mơ lớn của thế giới và Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Trà My (Đồng sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN)
Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, yêu cầu phải tuân thủ các quy định về phát triển bền vững và phát triển bao trùm. Nghị định thư Kyoto yêu cầu các nước phải giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Hiệp định Paris yêu cầu cam kết giảm phát thải khí nhà kính để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C và nỗ lực giữ dưới 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, Quyết định 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ việc kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính trước ngày 31.3.2025 nhằm tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và giảm phát thải.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường)