Ngày 6.7, giá xăng dầu lùi nhẹ, giá dầu thô Brent giảm 89 cent, tương đương 1,02%, xuống 86,54 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 72 cent, tương đương 0,9%, xuống 83,16 USD/thùng.
Tuy vậy, tính hết tuần, giá dầu Brent tăng nhẹ khoảng 0,4%; trong khi giá dầu WTI tăng mạnh hơn, mức tăng tuần khoảng 2,1%.
Theo Reuters, thông tin rò rỉ từ cuộc họp với các nhà hòa giải trung gian về một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza có thể đạt được đã kìm hãm đà tăng của giá dầu, bất chấp nhu cầu tăng vào mùa lái xe mùa hè và ảnh hưởng từ cơn bão ở vịnh Mexico. Dự kiến, cuộc đàm phán sẽ tiếp tục được thực hiện trong tuần tới, song thông tin này khiến đà tăng giá dầu chững lại. Trong thực tế, xung đột ở Trung Đông khiến phí bảo hiểm của các thùng dầu đi qua khu vực này tăng, gây sức ép lên giá dầu.
Tại Mỹ, ngoài nhu cầu tăng do vào mùa lái xe, dữ liệu việc làm tăng đều đặn đã đẩy giá dầu WTI tuần này tăng cao hơn mức tăng giá dầu Brent tuần cầu.
Trong khi đó, triển vọng nhu cầu dầu tại thị trường Trung Quốc được đánh giá không mấy sáng sủa. Các nhà máy lọc dầu tại thị trường này đã hoạt động bình thường trở lại sau thời gian bảo dưỡng, song theo Bloomberg, khả năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm 1,1 triệu thùng/ngày trong tháng 7 so với tháng 6 và giảm 800.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu thô toàn cầu đã tăng hơn 12% trong năm nay khi Tổ chức các nước xuất khẩ dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường.
Trong nước, ngày 6.7, giá xăng dầu bán lẻ theo công bố của Petrolimex tại thị trường vùng 2 (xa cảng, xa kho, xa nhà máy lọc dầu…) như sau: xăng RON 95-V 24.430 đồng/lít, xăng RON 95-III 24.020 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.900 đồng/lít, dầu diesel 21.590 – 22.080 đồng/lít, dầu hỏa 21.630 đồng/lít, dầu mazut (giá bán buôn) 17.880 – 21.160 đồng/kg.