Ngày 13.7, giá xăng dầu giảm nhẹ, giá dầu Brent giảm 37 cent xuống 85,03 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ giảm 41 cent, tương đương 0,5%, xuống 82,21 USD/thùng.
Như vậy, sau 2 phiên tăng, giá dầu quay đầu giảm trở lại. Trong tuần, giá dầu có 3 phiên giảm, 2 phiên tăng, đưa giá cả tuần giảm từ 1 – 2% với 2 loại dầu chuẩn.
Theo Reuters, kết quả một cuộc khảo sát hằng tháng của Đại học Michigan mới đây cho thấy, tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, mặc dù kỳ vọng lạm phát đã được cải thiện cho năm 2025 và những năm sau đó. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 6 tại Mỹ đã tăng 0,2%, cao hơn so với dự kiến, do chi phí dịch vụ tăng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới nhờ số liệu lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt.
Mặc dù nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ có dấu hiệu tăng, song tiêu thụ dầu thô tại thị trường Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – lại yếu đi đã gây sức ép lên giá dầu. Trong tháng 6, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm đến 11%.
Trong nước, ngày 13.7, giá bán lẻ xăng dầu theo công bố của Petrolimex tại thị trường vùng 2 (xa cảng, xa kho, xa nhà máy lọc dầu…) như sau: Xăng RON 95-V 24.290 đồng/lít, xăng RON 95-III 23.750 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.720 đồng/lít, dầu diesel 21.450 đồng/lít, dầu hỏa 21.450 đồng/lít, dầu mazut (bán buôn) 18.130 – 21.180 đồng/kg.
Trong diễn biến khác, Bộ Công thương vừa công bố bản dự thảo lần 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu mới để Bộ Tư pháp thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Nhiều chi tiết mới được bổ sung đưa vào dự thảo nghị định kỳ này. Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối và phân phối tự quyết giá xăng dầu bán ra, có thể tiến đến bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cắt giảm một vài thủ tục hành chính đối với khâu bán lẻ…