Sáng 3.1, giá xăng dầu bật tăng gần 2%, dầu Brent tăng 1,29 USD, tương đương 1,7%, lên 75,93 USD/thùng; trong khi dầu WTI tăng 1,41 USD, tương đương 1,97%, lên 73,13 USD/thùng,
Theo Reuters, thông điệp được phát đi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày đầu năm mới liên quan các chính sách giúp thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2025, đã hỗ trợ giá dầu tăng tốc. Trước đó, các thông tin hoạt động sản xuất của Trung Quốc chững lại thời gian dài khiến giá dầu giảm. Trong tháng cuối cùng của năm 2024, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc (NBS) tiếp tục giảm so với tháng trước, từ 50,3 điểm về 50,1 điểm. Mức này cũng thấp hơn dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters trước đó.
Tuy vậy, tồn kho tăng đang giúp kìm hãm đà tăng giá dầu trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất đã tăng vọt trong tuần trước. Cụ thể, tồn kho xăng tăng từ 7,7 triệu thùng lên 231,4 triệu thùng; sản phẩm chưng cất (bao gồm dầu diesel và dầu sưởi) cũng tăng từ 6,4 triệu thùng lên 122,9 triệu thùng.
Thị trường dầu thế giới đang ngóng báo cáo về chỉ số PMI sản xuất của Mỹ dự kiến được công bố hôm nay (ngày 3.1). Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với diễn biến tiếp theo của giá dầu thô.
Trong khi đó, chiều hôm qua (ngày 2.1), liên Bộ Tài chính – Công thương cho điều chỉnh tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, giá xăng tăng từ 200 – 240 đồng/lít; dầu tăng gần 130 đồng/lít/kg. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.
Sau điều chỉnh, sáng 3.1, giá các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 không quá 20.057 đồng/lít; xăng RON 95-III không quá 20.746 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.755 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.834 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.099 đồng/kg.