Không lo ế hàng
Sau 2 năm lao đao vì dịch Covid-19, năm 2023, gia đình ông Hoàng Văn Chung (trú H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) mới dám tái đàn trở lại với quy mô khoảng 500 con lợn nái và lợn thịt. Tuy nhiên, bão giá ập tới khiến lợn càng nuôi càng lỗ.
Sau năm 2023 gặp khó khăn về giá, năm nay gia đình ông Chung vẫn kiên trì tái đàn. Thay vì tình cảnh rầu rĩ khi chia sẻ lợn “ăn hết sổ đỏ” trong năm 2023, trao đổi với Thanh Niên mới đây, ông Chung hồ hởi thông tin: “Tình hình năm nay tốt hơn năm ngoái, giá cả khởi sắc nên người chăn nuôi có lãi”.
Theo ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT (Sơn La), vừa qua có những thời điểm giá lợn hơi vọt lên 70.000 đồng/kg giúp công ty lãi khoảng 1,8 triệu đồng/con khi xuất bán. Dịp đó, công ty xuất bán được khoảng 1.000 con lợn thịt. Những ngày gần đây, giá lợn hơi hạ về mức 63.000 – 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, các trang trại lợn của doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận 18 – 20%.
Ông Trần Quốc Toản, chủ trang trại nuôi lợn tại xã Dạ Trạch (H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), cho biết gia đình ông nghỉ nuôi lợn năm 2023 do tình hình nhiều khó khăn, giá lợn quá rẻ và mới tái đàn trở lại từ đầu năm nay. Quy mô nuôi khoảng 400 lợn nái, xác định lợn nái đẻ ra lợn con tới đâu là để giống nuôi lợn thịt tới đó.
Dù tới dịp sát tết Nguyên đán mới có lợn thịt xuất bán lứa đầu tiên, song ông Toản tự tin nhẩm tính: “Với chi phí chăn nuôi như hiện nay và điều kiện thuận lợi không bị dịch bệnh, giá trên 50.000 đồng/kg là người chăn nuôi có lãi. Tôi tin rằng giá lợn hơi thời gian tới còn tiếp tục tăng, thậm chí sang tháng sau có thể lên tới khoảng 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tăng chủ yếu do khan hiếm nguồn cung.
Khoảng cuối năm nay trở đi đến năm sau, gia đình tôi sẽ có lợn thịt bán đều do nuôi gối đầu. Lợn chủ yếu được đổ buôn cho các thương lái, bán ở Hà Nội, Hưng Yên và một số tỉnh miền Bắc. Do chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, thịt ngon, thơm nên các thương lái khá ưa thích. Dù giá lợn bán ra cao hơn các hộ chăn nuôi khác, song tôi không lo ế hàng mà chỉ lo không có lợn để bán”, ông Toản nhấn mạnh.
Không nên tái đàn bằng mọi giá
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, khi trao đổi với Thanh Niên phân tích: “Giá thức ăn chăn nuôi năm nay thấp hơn mọi năm nên đầu vào không cao, bởi vậy mức giá từ 50.000 – 55.000 đồng/kg trở lên là người chăn nuôi đã có lãi, tùy loại hình chăn nuôi.
Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi đang nằm trên trục giá có lợi cho người chăn nuôi là 60.000 – 65.000 đồng/kg. Lý do khiến giá lợn năm nay khá tốt chủ yếu bởi sản xuất trong nước dịch bệnh vẫn xảy ra tương đối nhiều, ảnh hưởng tới khả năng khôi phục, tái đàn, từ đó ảnh hưởng tới nguồn cung”.
Về dự báo xu hướng giá lợn hơi thời gian tới, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, khả năng cao giá tiếp tục nằm trong trục 60.000 – 65.000 đồng/kg. Người chăn nuôi có thể yên tâm đầu tư.
“Từ nay đến cuối năm, giá lợn khó đi xuống nhưng ít khả năng giá sẽ bứt phá thêm. Người chăn nuôi nên khôi phục đàn lợn nhưng cũng là khôi phục có kiểm soát, từ từ, tránh kiểu tái đàn ồ ạt. Duy trì kế hoạch tái đàn bình thường, không nên tái đàn bằng mọi giá”, ông Dương nhấn mạnh.
Từ góc độ người chăn nuôi, ông Trần Quốc Toản trăn trở: “Năm nay giá lợn tăng nhưng một số chi phí cũng tăng lên như chi phí vệ sinh, sát trùng… Dịch bệnh vẫn hoành hành, đặc biệt là chưa kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi đang xác định phải sống chung với dịch nên chăn nuôi cũng rủi ro cao, xác định 50 – 50, nay thế này nhưng có thể mai lại thành mất trắng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có thêm biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi trong kiểm soát, xử lý dịch bệnh”.
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng thời gian tới trong chăn nuôi lợn là phải kiểm soát tốt dịch bệnh, điển hình là dịch tả lợn châu Phi, ông Dương còn cho rằng cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là nhập khẩu thịt lợn ở dạng đông lạnh và lợn sống nguyên con. “Kiểm soát dịch bệnh và nhập khẩu nếu làm tốt sẽ giữ được thị trường ổn định, người chăn nuôi có lãi và người tiêu dùng cũng chấp nhận được mức giá”, ông Dương nói.
Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững” do Bộ NN-PTNT tổ chức cách đây vài ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian từ nay tới tết Nguyên đán không còn nhiều. Đây là thời điểm quan trọng để ngành chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng tập trung tháo gỡ những khó khăn, chuẩn bị điều kiện cần thiết đảm bảo đủ nguồn cung an toàn, chất lượng.
Trước mắt, phải đảm bảo cung cấp đủ lượng giống có năng suất, chất lượng cao. Các địa phương, đơn vị cũng phải xây dựng ngay kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu…
Theo Báo cáo thực trạng chăn nuôi lợn và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), những năm gần đây, giá lợn hơi xuất chuồng có biến động mạnh.
Cụ thể, tháng 1.2021, giá lợn hơi tăng cao và đạt đỉnh 80.000 đồng/kg, sau đó giá giảm mạnh còn 42.900 đồng/kg. Đến tháng 11.2021, giá mặt hàng này quay lại đà tăng rồi đạt mức 54.000 – 57.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 6.2022.
Từ tháng 7 – 9.2022, giá lợn xuất chuồng dao động 61.000 – 68.000 đồng/kg, cá biệt có nơi đạt 73.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm dần.
Những tháng đầu năm 2023, giá lợn hơi giảm còn 50.000 – 52.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chạm đáy 49.000 đồng/kg. Mức này khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục và neo ở mức cao. Mãi đến tháng 5.2023, giá trung bình mới đạt 55.300 đồng/kg và tăng lên ngưỡng 59.000 đồng/kg vào tháng 6.2023.
Nửa cuối năm 2023, giá lợn hơi tiếp tục bấp bênh. Mức giá ghi nhận cao nhất là 63.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 6.2023, còn giá thấp nhất là 49.000 đồng/kg vào tháng 12.2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá lợn hơi phục hồi, từ mức 52.500 đồng/kg tăng lên ngưỡng đạt 68.500 đồng/kg. Thậm chí, ở một số địa phương có những ngày giá lợn hơi đạt trên 70.000 đồng/kg.