Giá cà phê robusta trên sàn London đóng cửa vào tối qua với kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 139 USD xuống mức 3.541 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 9 giảm đến 147 USD xuống 3.470 USD/tấn và tháng 11 cũng giảm 151 USD xuống 3.385 USD/tấn.
Sau khi tăng nhẹ 13 USD vào đầu tuần, giá cà phê đã giảm liên tiếp 4 phiên sau đó với những mức giảm kỷ lục, đưa tổng mức giảm cả tuần lên tới con số chưa từng thấy: 623 USD/tấn. Điều này cũng khiến cho giá cà phê rớt sâu so với mốc 4.000 USD/tấn và chuỗi tuần tăng giá liên tiếp bị đứt mạch khi dừng lại ở con số 9.
Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn tháng 7 giảm 121 USD xuống còn 4.429 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 9 giảm 117,7 USD còn 4.392 USD/tấn và tháng 12 giảm 108,9 USD/tấn, xuống 4.371 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tại Brazil, kỳ hạn tháng 7 tiếp tục giảm thêm 156,2 USD/tấn xuống còn 5.514 USD/tấn.
Sáng hôm qua, giá cà phê Tây nguyên giảm hơn 5.000 đồng/kg. Xu hướng giảm giá liên tục được cập nhật khiến tổng mức giảm trong cả ngày lên đến khoảng 10.000 đồng/kg. Đến sáng nay, giá cà phê giảm thêm 3.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Đắk Nông và Đắk Lắk đạt 119.000 đồng/kg, Gia Lai 117.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 117.000 đồng/kg.
Nhiều người trong ngành cà phê cảm thấy bất ngờ với sự đảo chiều chóng vánh của thị trường thế giới và gọi đây là “tuần lễ tệ hại”. Chia sẻ với Thanh Niên, một số doanh nghiệp cho biết: Hiện nay, sản lượng cà phê của Việt Nam không còn nhiều, nên tác động chung là không quá lớn. Sản lượng cà phê của Brazil dự báo cũng thấp và xu hướng niên vụ tới ở Việt Nam vẫn thiếu hụt. Chỉ cần các doanh nghiệp Việt Nam không vội vàng bán tháo thì giá sẽ không giảm thêm và có thể phục hồi trở lại trong thời gian tới. Vì thế, cần phải giữ giá cho năm nay và cả niên vụ sau, tránh để giá giảm sâu hơn.