Đua nhau hút vốn, một nhà băng phát hành chứng chỉ tiền gửi mệnh giá 1 triệu đồng, lãi suất tới 7,1%/năm

Theo Sacombank, từ ngày 05/09/2024, nhà băng này sẽ phát hành 5.000 tỷ đồng Chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh với lãi suất hấp dẫn dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức.

Lãi suất năm đầu tiên của Chứng chỉ tiền gửi Sacombank được cố định là 7,1%/năm, các năm sau được điều chỉnh linh hoạt theo lãi suất thị trường. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (tức 84 tháng) và không tự động tái tục. Tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn và tiền lãi được trả theo định kỳ mỗi năm.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của Sacombank cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường ở nhà băng này. Theo biểu lãi suất dành cho khách hàng cá nhân, Sacombank đang niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,7%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi online kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng.

Trước Sacombank, một số nhà băng cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Chẳng hạn, PVCombank phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất tới 8%/năm, mệnh giá chứng chỉ từ 10 triệu đồng. BVBank hồi tháng 5 cũng phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng.

Song song, các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây. Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.

Nhóm phân tích MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.

Theo khảo sát, lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay là 9,5%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng với số tiền gửi rất lớn hàng nghìn tỷ đồng. Đối với các khoản tiền gửi giá trị thấp, lãi suất huy động cao nhất là 6,2%/năm, ngoài ra một số nhà băng áp dụng mức gần 6%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đều là 2 sản phẩm huy động vốn của ngân hàng, tuy nhiên chứng chỉ tiền gửi và gửi tiết kiệm có những điểm khác biệt.

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit – CD) hiểu đơn giản loại giấy tờ có giá do tổ chức tài chính/ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn trong nước. Chứng chỉ này có tính chất khá giống một cuốn sổ tiết kiệm mà bạn gửi vào ngân hàng.

Thông thường, lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Hiện nay, mức lãi suất huy động cao nhất đang được các ngân hàng công bố chỉ khoảng 6,1%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 7,1% của chứng chỉ tiền gửi Sacombank hay 8% của PVcomBank.

Về kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn gửi tiền nhất định và thường có kỳ hạn dài hay trung hạn. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng linh hoạt hơn, có thể ngắn hạn chỉ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng; cho đến thời hạn dài từ 12 tháng, 36 tháng…

Chứng chỉ tiền gửi thường có tính thanh khoản thấp hơn do yêu cầu khoản tiền ban đầu phải được giữ trong tài khoản cho đến khi hết hạn. Khác với tiền gửi ngân hàng có thể dễ dàng rút trước hạn, với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng có thể bị phạt khi rút tiền trước thời hạn hoặc khi không thực hiện đúng cam kết.

Tuy nhiên, một số nhà băng vẫn sẽ cung cấp chứng chỉ tiền gửi cho phép được thanh toán một phần hoặc toàn bộ số dư trước hạn theo yêu cầu của khách hàng. Hoặc khi có nhu cầu tiền mặt, khách hàng cũng có thể chuyển nhượng, cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn.

Nguồn

Next Post

PNJ nối dài chuỗi giải thưởng Marketing Events Awards 3 năm liên tiếp

Thu Sep 5 , 2024
Best Retail Marketing là một trong những hạng mục danh giá và có mức độ canh tranh cao của giải thưởng Marketing Events Awards. Ban giám khảo cho biết điểm chung của các doanh nghiệp được vinh danh là triển khai các chiến dịch tiếp thị sáng tạo, độc đáo […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU