Thay vì phải liên hệ nhiều đầu mối cung ứng để đặt dịch vụ logistics, thị trường xuất hiện các giải pháp ‘tất cả trong một’ để doanh nghiệp chọn.
Hoạt động như nhà cung cấp 4PL (Fourth-Party Logistics) kỹ thuật số, tức có khả năng quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng, Vela được phát triển từ 2022 và chào sân đầu tháng này. Họ chủ yếu nhắm đến khách hàng vừa và nhỏ (SME).
Trung tuần tháng 8, nền tảng bán sỉ của Alibaba cũng tung ra dịch vụ logistics trực tuyến toàn diện cho nhà bán hàng Việt Nam. Doanh nghiệp có thể thao tác mọi thứ online với giải pháp này, từ đặt hàng, xem chi phí đến theo dõi tiến độ.
Theo báo cáo Nâng cao Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam 2023″ của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện có hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, khối nội chiếm 89%. Nhưng nhóm này đa phần quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên chỉ chiếm 30% thị phần, chủ yếu là vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, thủ tục hải quan, giám định hàng hóa. Họ hoạt động đơn lẻ, phục vụ phân khúc nhất định mà ít kết nối.
Hiện trạng này khiến cung – cầu hạn chế, thiếu liên kết. Thị trường còn ít các dịch vụ trọn gói, tức quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần.
Bà Vianne Wang, Giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu nền tảng bán sỉ Alibaba, chỉ ra các SME cần các giải pháp logistics toàn diện online để tăng cạnh tranh, đảm bảo giao hàng đúng hẹn và phản ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường.
Việc xuất hiện của các nền tảng dịch vụ logistics “tất cả trong một”, theo ông Bryan Tuyền, Giám đốc điều hành Vela, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận hành, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng này đã thu hút hơn 100 đối tác tham gia, với nhiều thế mạnh từ thủ tục hải quan, kho vận đến vận tải nội địa, tạo thành nền tảng tất cả trong một (one-stop logistics platform).
Ngoài ra, xu hướng này cũng giúp các nhà sản xuất, xuất khẩu dễ dàng chuyển đổi số trong vận hành chuỗi cung ứng. Ví dụ, nền tảng bán sỉ Alibaba nói họ dùng AI hỗ trợ các giao dịch và vận chuyển thông minh, thông qua tự động đề xuất các tuyến vận chuyển tối ưu. Dù vậy, các nền tảng dịch vụ logistics trực tuyến toàn diện sẽ phải vượt qua được rào cản niềm tin, chứng minh khả năng bảo mật cho các đối tác tham gia lẫn khách hàng.
Dỹ Tùng