Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương, EVN tính nhu cầu sử dụng, an toàn hệ thống để làm căn cứ nới “room” quy hoạch điện mặt trời mái nhà tự dùng.
Nội dung được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu tại cuộc họp về dự thảo Nghị định khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, ngày 13/8.
Theo dự thảo mới nhất của Bộ Công Thương, tổ chức, cá nhân lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối với hệ thống điện quốc gia sẽ không bị giới hạn công suất. Các dự án này cũng được miễn giấy phép hoạt động điện lực. Tương tự, hệ thống dưới 1 MW nối lưới được miễn giấy phép, nhưng chỉ được phát triển tối đa tổng công suất 2.600 MW tại Quy hoạch điện VIII.
Tại cuộc họp, một số ý kiến đề nghị xem lại quy định tổng công suất nối lưới không vượt quá quy hoạch. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, nhưng năng lực hệ thống thực tế có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. Mức này gấp gần 3 lần so với giới hạn phát triển 2.600 MW cho cả nước.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu quan điểm chính sách cần hiệu quả và phù hợp tổng thể quy hoạch. Với các khu vực như miền Bắc, có nhiều dư địa phát triển, ông Hà nói cần có chính sách khuyến khích đầu tư. Theo đó, ông giao Bộ Công Thương, EVN tính toán nhu cầu phụ tải, khả năng bảo đảm an toàn hệ thống, lưới truyền tải tại địa phương, vùng miền khi huy động điện mặt trời mái nhà tự dùng nối lưới.
“Đây là căn cứ để trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện và mở “room” cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc”, ông Hà nói.
Tới cuối 2022, công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Đến hết tháng 7/2023, còn khoảng 1.000 hệ thống điện này, công suất 400 MW nối lưới. Số này vẫn đang vướng, chờ bổ sung quy hoạch vì thiếu cơ chế thực hiện.
Cũng theo dự thảo Nghị định, các dự án chuyển tiếp (nối lưới hoặc không) sau ngày 31/12/2020, nhà đầu tư phải gửi thông tin đến cơ quan quản lý để ghi nhận về quy mô, địa điểm. Trường hợp đăng ký bổ sung phát điện dư lên lưới, họ phải thực hiện theo quy định chung.
Về phương án mua bán điện dư, Bộ Công Thương đề xuất hộ gia đình có thể bán 20% công suất lắp đặt tại miền Bắc, 10% ở các khu vực còn lại. Giá mua của EVN sẽ thấp hơn hoặc bằng giá điện thị trường bình quân của năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận. Năm ngoái, giá điện trên thị trường bình quân là 1.091,9 đồng một kWh.
Ông Đỗ Văn Năm, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tính toán, với quy định này sau khoảng 5-6 năm hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư. Như vậy, thời gian hoàn vốn bằng một nửa so với thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay (12-15 năm).
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương “chốt” tỷ lệ bán điện dư của nguồn điện này là 20% công suất lắp đặt. Mức này tăng gấp đôi so với đề xuất trước đó của Bộ này.
Ông lưu ý, cơ quan quản lý phải có giải pháp quản lý kỹ thuật để kiểm soát công suất nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhất là những dự án đấu nối lưới trung áp (cấp điện áp từ 15 kV). Do đó, dự thảo Nghị định cần bổ sung quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm, thu thập dữ liệu từ xa; giám sát, điều khiển tại chỗ của các công trình điện mặt trời mái nhà.
Trường hợp công suất lắp đặt dưới 100 kW, dự án phải kết nối với hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa của cơ quan điện lực. Dự án kết nối với cấp điều độ phân phối nếu công suất trên 100 kW.
Cùng với đó, UBND cấp tỉnh đưa ra quy trình rút gọn để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Các thủ tục đăng ký, đầu tư, nghiệm thu được rút gọn, đơn giản. Cụ thể, hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ chỉ cần cung cấp bản vẽ thiết kế lắp đặt, bản sao giấy phép xây dựng công trình. Với các đối tượng còn lại (nhà xưởng, khu công nghiệp, công sở…), ngoài các giấy tờ trên, nhà đầu tư cần nộp thêm kết quả nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, công trình xây dựng.
Phương Dung