Theo đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT xem xét, có ý kiến về phương án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền là 80 m x 15 m và quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô và 2 làn xe hỗn hợp) để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, sớm trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Theo Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt vào năm 2013, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ kết nối Q.7 với Q.2 (nay là TP. Thủ Đức) với quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của đơn vị tư vấn, cầu Thủ Thiêm 4 cần có quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe (4 làn xe ô tô và 2 làn xe hỗn hợp) là phù hợp với dự báo lưu lượng trong tương lai (tới năm 2050), đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 đang hoàn chỉnh và trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đã cập nhật quy mô cầu Thủ Thiêm 4 là 6 làn xe.
Trên cơ sở hiện trạng, định hướng quy hoạch như nêu trên và nhu cầu lưu lượng, cầu Thủ Thiêm 4 được tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,16 km (phần cầu chính khoảng 1.635 m), quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp).
Có 2 phương án tĩnh không thông thuyền, trong đó phương án 1 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn là 80 m x 10 m. Tổng mức đầu tư sơ bộ theo phương án này khoảng 4.365 tỉ đồng.
Phương án 2 có tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn là 80 m x 15 m. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án này khoảng 4.840 tỉ đồng.
Theo UBND TP.HCM, phương án 1 có nhược điểm là tĩnh không thông thuyền cầu thấp (10 m) nên hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông đường thủy, ảnh hưởng tới việc khai thác hiệu quả khu cảng Nhà Rồng, Khánh Hội.
Phương án 2 tuy có tổng mức đầu tư cao hơn phương án 1 khoảng 10% nhưng lại có tĩnh không thông thuyền cầu 15 m, tạo điều kiện thuận lợi các phương tiện giao thông đường thủy hoạt động (có sức chở lớn, chiều cao lớn hơn 10 m), đặc biệt là các tàu nhà hàng chở khách phục vụ du lịch, thưởng ngoạn cảnh sông Sài Gòn.
Theo TP.HCM, hiện nay các phương tiện này đang hoạt động từ cầu Ba Son về phía hạ lưu sông Sài Sòn), khai thác hiệu quả khu cảng Nhà Rồng, Khánh Hội; không gian sông Sài Gòn khu vực có công trình cầu thoáng hơn, phát huy hiệu quả kiến trúc, mỹ quan đô thị.
Do đó, UBND TP.HCM sẽ lựa chọn phương án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền là 80 m x 15 m, kết cấu nhịp cố định – không có giải pháp nâng, mở.
Công trình sẽ tạo thêm một trục giao thông mới theo hướng Bắc – Nam thành phố, kết nối khu vực nam thành phố với khu trung tâm và TP.Thủ Đức ở phía đông. Giảm áp lực giao thông cho các trục đường Nguyễn Tất Thành – cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ…, góp phần giải quyết ùn tắt giao thông khu vực
Cùng với các dự án đầu tư xây dựng nút An Phú, Quốc lộ 50, các dự án khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3, các tuyến đường trên cao, các trục cao tốc hướng tâm, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông thành phố theo qui hoạch, tăng diện tích giao thông, cây xanh, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị và giảm tai nạn giao thông.