Thị trường bất động sản đi qua với nhiều cung bậc cảm xúc, đối nghịch với những cơn sốt đất nền, đất dự án từ 2020 đến giữa năm 2022, đến nay thị trường bất động sản đang “ngủ đông” dài hơi.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2022, các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế
Năm 2022 trên cả nước có 252 dự án với 65.909 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm gần 50.000 căn hộ và bằng khoảng 58% so với năm 2021.
Còn thống kê cho thấy, riêng tại Hà Nội và TP.HCM có khoảng hơn 700 dự án bất động sản “treo” chờ thủ tục pháp lý và hàng trăm dự án chưa hoàn thành vì thiếu vốn.
Trên khắp mọi miền đất nước, từ nhà đất thổ cư đến đất nền dự án, nhà liền kề, biệt thự đều giảm giá. Thậm chí ở một số dự án chủ đầu tư còn có nhiều chính sách chiết khấu nhằm thu hút người mua, tuy nhiên thanh khoản vẫn “mất hút”.
Theo khảo sát của MarketTimes, đất nền ngoại ô và tỉnh ven đô thị lớn có nơi giảm từ 20-30% so với thời điểm sốt. Đơn cử như đất khu vực Quốc Oai, Sơn Tây khi sốt đất giá 30-35 triệu đồng/m2, đến nay giảm còn 20-25 triệu đồng/m2.
Đất nền Bắc Ninh giảm nhẹ do nhu cầu về nhà ở của người lao động tại tỉnh công nghiệp này vẫn cao, nên giá đất hồi còn sốt từ 35-40 triệu đồng/m2, nay giảm còn 33-37 triệu đồng/m2.
Giảm nhiều nhất phải kể đến đất tỉnh Bắc Giang, do giá được môi giới đẩy quá cao, nay thanh khoản kém, có những dự án người trúng đấu giá chấp nhận bỏ cọc để không phải “nuôi” mảnh đất đó, vì nếu tiếp tục “ôm” vào sẽ lỗ và không biết đến khi nào có thể thoát được hàng.
Ở thời điểm hiện tại nhiều dự án bất động sản chưa được phê duyệt nên chủ đầu không thể ra hàng được, có những dự án đã được phê duyệt nhưng vẫn trong tình trạng “đóng băng”. Bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục cắt lỗ, khiến thị trường càng thêm trầm lắng.
Để tăng thanh khoản cho các dự án xây dựng dở dang, một số chủ đầu tư đã tăng chiết khấu và có chính sách ưu đãi cho các cư dân đã nhận nhà nhằm tiếp tục thu hút khách hàng đến mua nhà, đầu tư.
Đơn cử như chủ đầu tư Vinhomes đưa ra chương trình hỗ trợ 20 triệu đồng/tháng/hộ trong thời gian nhất định cho 500 khách hàng đầu tiên tại Ocean Park 2 đã hoàn thiện shophouse, nhà liền kề, biệt thự, với điều kiện chủ nhà phải sử dụng thật hoặc có khách hàng thuê.
Một chủ đầu tư có dự án ở Tây Nam Linh Đàm đã giảm giá tới 38% cho khách hàng thanh toán hết 95% ngay khi ký xong hợp đồng.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi này, một số nhà đầu tư thứ cấp cũng đã cắt lỗ sản phẩm của mình tại các đại dự án ở Hưng Yên. Chị Thu Nga (Nam Từ Liêm) cho biết, một số bạn bè chị đã cắt lỗ shophouse, nhà liền kề nhưng hiện tại vẫn chưa có khách hỏi. Theo chị Thu Nga, đến thời điểm này có sẵn tiền mặt thì có thể “ôm” các sản phẩm nhà đầu tư cắt lỗ.
“Bạn tôi có căn shophouse khi mua vào 6 tỷ đồng/căn, nay cắt lỗ còn 4,8 tỷ đồng/căn. Tôi đang tính có lẽ bán bớt căn chung cư ở quận Nam Từ Liêm đang được giá để mua bất động sản cắt lỗ”, chị Nga chia sẻ.
Anh Nguyễn Anh Đức, Công ty bất động sản ABLand cho hay, từ nay tới thời điểm cuối năm 2023 thị trường có thể phải chứng kiến nhà đầu tư thứ cấp cấp cắt lỗ giảm giá bất động sản, vì nhiều khách hàng dùng đòn bẩy tài chính đầu tư từ hồi giá đất còn đang sốt nóng, nhưng nay thị trường hạ nhiệt họ vẫn không thoát được hàng, trong khi đó lãi suất hàng tháng vẫn đều đặn phải trả ngân hàng.
Nhận định về cơ hội đầu tư, một số chuyên gia bất động sản nhận định, lãi suất hiện nay đang trên đà giảm, nhưng thanh khoản thị trường đang rất kém, nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục phải cắt lỗ để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, đây sẽ là cơ hội cho ai nắm giữ tiền mặt mua các sản phẩm cắt lỗ để chờ thời cơ khi thị trường “tan băng”.