Cổ phiếu họ Masan tiếp tục sắc xanh trong phiên mở cửa sáng 11/4 nhờ hiệu ứng tích cực từ chính sách tạm hoãn áp thuế từ Mỹ, kỳ vọng vào tiêu dùng nội địa.
Ngày 10/4, VN-Index đóng cửa tại 1.168 điểm, tăng 74 điểm. Ngay từ đầu phiên, VN-Index đã vọt tăng mạnh với sắc xanh trải dài trên diện rộng, sau thông tin Mỹ hoãn áp thuế. Theo các chuyên gia, chỉ số vẫn trong giai đoạn biến động mạnh với vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.200-1.230 và hỗ trợ gần nhất tại 1.130-1.150.
Đà phục hồi tiếp tục nối dài sang ngày 11/4. 5 phút đầu giao dịch, VN-Index tăng ngay hơn 65 điểm lên sát 1.234 điểm rồi về sát mốc 1.182 điểm lúc 9h45. Thị trường tiếp tục ghi nhận hàng chục mã tím trần. Đến 10h45, nhờ sắc xanh lan rộng, nhất là nhóm cổ phiếu trụ, VN-Index lên sát 1.201 điểm, cách tham chiếu hơn 32 điểm.
Hưởng ứng đà bật tăng, trong nhóm tiêu dùng, Masan (MSN) mở cửa với sắc xanh, quanh mức 54.500 đồng. Các cổ phiếu khác cùng họ như MML, MSR, cũng có mức tăng ổn định. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/4, sau thông tin tích cực từ thị trường, MSN bật tăng trần gần 7% lên 53.800 đồng, MCH và MHT hồi phục mạnh.
Bên trong một cửa hàng WinCommerce. Ảnh: Masan
Diễn biến này phù hợp với một số nhận định từ trước đó, trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư được xoa dịu nhờ chính sách tạm hoãn áp thuế từ Mỹ. Ngày 2/4, Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng lên đến 46% với hàng hóa từ Việt Nam. Thông tin này lập tức tạo hiệu ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán trong nước, đặc biệt với nhóm cổ phiếu có liên quan đến hoạt động xuất khẩu. VN-Index ghi nhận chuỗi 4 phiên giảm mạnh liên tiếp, mất gần 224 điểm, tương đương 17%, rơi về mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023.
Một số chuyên gia đánh giá, đà phục hồi được thúc đẩy bởi ba yếu tố: tín hiệu tích cực từ thị trường quốc tế, chính sách trong nước và nội lực doanh nghiệp. Lấy ví dụ tại Masan, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT khẳng định tỷ trọng xuất khẩu của tập đoàn sang Mỹ không đáng kể. Thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 1% vào doanh thu của Masan Consumer (MCH). Các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials hiện được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan đã công bố.
Thêm nữa, giá các mặt hàng thiết yếu tại WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với tất cả kênh khác trên thị trường. Việt Nam đã đề nghị mức thuế 0% đối với Mỹ. Nếu thành công, điều này sẽ giảm chi phí nguyên vật liệu cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt, cũng như hạ phí sản xuất của doanh nghiệp.
Về mảng bán lẻ, giá cả hàng hóa tại hệ thống WinCommerce vẫn duy trì sức cạnh tranh so với các kênh khác. Việt Nam cũng đã đề xuất áp mức thuế 0% cho hàng hóa Mỹ, góp phần giảm chi phí đầu vào cho ngành thực phẩm tiện lợi và thịt, hỗ trợ biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo ông Quang, Masan là tập đoàn tiêu dùng – bán lẻ tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa. Mô hình cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho hàng triệu gia đình Việt giúp Masan ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng thuế quan. Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó với mọi biến động, trong đó nhấn mạnh chiến lược giá linh hoạt và cấu trúc danh mục phù hợp để giữ ổn định tâm lý tiêu dùng.

Người dùng mua sắm tại cửa hàng WinCommerce. Ảnh: Masan
Theo báo cáo VCBS, doanh thu quý I/2025 của Masan đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tương đương tăng 87% năm ngoái. Đơn vị này dự báo, Masan Consumer có cơ hội mở rộng doanh thu nhờ tập trung vào dòng thực phẩm tiện lợi cao cấp, có giá bán cao hơn 0,5-1,5 lần và biên lợi nhuận gộp tăng 10-15% so với sản phẩm phổ thông. VCBS cũng nhận định kế hoạch niêm yết MCH trên HOSE trong năm 2025 có thể giúp gia tăng giá trị tập đoàn, đồng thời tạo dòng tiền để MSN giảm nợ và đầu tư cho các lĩnh vực cốt lõi. WinCommerce (WCM) ước đạt lãi ròng khoảng 400 tỷ đồng, với kế hoạch mở thêm 400-700 cửa hàng trong năm nay. Mảng thịt và vật liệu (MML, MHT) cũng được dự báo hưởng lợi từ đà tăng giá thịt heo, đồng và vonfram.
Từ góc độ ngành, tiêu dùng nội địa đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, trong đó tiêu dùng là một trong những trụ cột chính. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh đà phục hồi rõ nét của sức cầu nội địa.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp ngành tiêu dùng – bán lẻ được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tích cực. Theo đánh giá của Chứng khoán KB, hệ sinh thái đa ngành của Masan – từ thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh đến bán lẻ hiện đại, giúp tập đoàn duy trì tăng trưởng ổn định và gia tăng thị phần trong giai đoạn chi tiêu nội địa đang dần khởi sắc.
Hoàng Đan