Mua lô đất nền diện tích hơn 80m2 tại quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), dù rao bán nhiều lần anh M vẫn chưa bán được. Nhà đầu tư này cho biết, có 2 lần khách vào cọc nhưng sau đó vì lý do cá nhân họ không tiếp tục mua, anh đều trả lại cọc. Đến nay, lô đất vẫn gửi môi giới rao bán. “Có lúc tôi cũng nản lắm. Vì lô đất bán ra bằng với giá mua vào năm 2021, lỗ các chi phí như môi giới, lãi ngân hàng… nhưng vẫn khó bán”, an M cho hay.
Theo nhà đầu tư này, đây là tài sản thứ 2 trong hành trình đầu tư của anh. Lô đất được mua vào giữa năm 2021, đến cuối năm 2021 giá tăng thêm 200 triệu đồng nhưng anh không bán mà kì vọng giá còn tăng mạnh. Thế nhưng, đến giữa năm 2022, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng cũng là lúc nền đất của anh giảm giá. Đến giữa năm 2023, anh M rao bán lô đất để thu dòng tiền giải quyết công việc nhưng không ai hỏi. Mới đây, lô đất bán hụt hai lần và hiện tại vẫn chưa thể bán ra.
Theo anh M, tính ra thời gian anh “ôm” lô đất là 4 năm, không những “lỗ” các chi phí mà việc bán ra cũng không dễ dàng, mặc dù mức giá anh đưa ra khá hợp lý với bối cảnh thị trường hiện nay. Điều này cho thấy, việc nhà đầu tư ôm bất động sản và kì vọng mức độ tăng giá như giai đoạn trước rất khó.
Ghi nhận cho thấy, khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm đất nền thời điểm trước và hiện vẫn khó thanh khoản. Một số nhà đầu tư chỉ bán được khi chấp nhận giảm giá đất xuống “sâu” từ 20-30% so với giá thị trường đầu năm 2022. Điều này là “bất đắc dĩ” với họ. Trường hợp người bán giảm giá sâu thường vay ngân hàng và chi phí lãi vay gần như “ăn mòn” vào lợi nhuận suốt nhiều năm ôm đất.
Có thể thấy, không ít nhà đầu tư ở trạng thái “gồng” nhiều năm để chờ tài sản hồi phục giá. Đến nay, nhiều người gần như không thể chờ thêm và tìm cách bán ra. Đó là lý do các nhà đầu tư sẵn dòng tài chính vẫn đi săn được “hàng ngộp” giá tốt ở giai đoạn này, mặc dù số lượng đã giảm so với đầu năm 2023.
Tình trạng nhà đầu tư ôm đất nền nhiều năm nhưng chưa thể bán ra thực tế không hiếm xuất hiện tại thị trường phía Nam. Có người thậm chí chỉ xác định đầu tư 2 năm rồi bán hưởng chênh song đến khi rao bán thì bất thành. Việc khó thanh khoản có nhiều lý do, phần lớn từ bối cảnh thị trường chung còn chưa phục hồi. Nhà đầu tư chưa sẵn sàng vào thị trường khiến hoạt động mua bán chung cầm chừng. Trong khi đó, với người mua ở thực số lượng tìm mua đất không nhiều trong bối cảnh mặt bằng giá đã ở mức khá cao.
Cùng với đó, nguồn hàng rao bán ra thị trường nhiều cũng khiến sự cạnh tranh về giá tăng lên. Bên mua chỉ thực sự xuống tiền với các sản phẩm giá tốt hẳn so với thị trường. Đó là lý do nhiều nền đất thổ cư được rao bán bằng giá mua vào thời điểm 2021 vẫn khó bán.
Theo các môi giới, hiện mức giá đất nền đã tăng dần so với cùng kì năm ngoái nhưng chưa hồi phục về mức của năm 2021. Vì thế, các lô đất rao bán ngang giá thời điểm 2021 vẫn khó thanh khoản. Những nhà đầu tư cần tiền gấp thì phải chấp nhận bán giá thấp hơn để ra hàng. Còn nhà đầu tư nào có thể “gồng” tiếp được thì chờ đợi sự thay đổi về mặt bằng giá trong giai đoạn 2025-2026, khi hoạt động mua bán của thị trường thực sự trở lại.