Nhận định về đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, Bonnie Chan – CEO của Sở Giao dịch Hồng Kông (HKEX), cho biết để được sử dụng rộng rãi hơn trên thị trường toàn cầu, đồng tiền tệ này cần nhiều “ứng dụng” hơn thông qua các hình thức phát hành như cổ phiếu và trái phiếu.
Từ lâu, Bắc Kinh đã thể hiện tham vọng thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên toàn cầu – nơi đồng USD vẫn đang giữ vị thế thống trị. Hiện tại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga cũng đang tạo thêm nhiều áp lực, khiến một số quốc gia tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho đồng bạc xanh.
Phát biểu tại cuộc họp “Summer Davos” thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chan lưu ý rằng các nước sử dụng một đồng tiền tệ để giao dịch hay quan trọng hơn là phương tiện tích trữ tài sản.
Bà nói: “Chúng ta sẽ không đơn giản chỉ nắm giữ đồng NDT và gửi vào tài khoản ngân hàng. Chúng ta cần có cổ phiếu hoặc trái phiếu định danh bằng đồng tiền tệ này.”
Bà phát biểu: “Để các nhà đầu tư trên thế giới thực sự giao dịch các ứng dụng của đồng NDT và dự trữ tài sản bằng đồng NDT, việc phát hành các sản phẩm tài chính bằng đồng NDT là điều cần thiết.”
Năm ngoái, HKEX đã áp dụng chương trình “Dual counter”, cho phép nhà đầu tư giao dịch chứng khoán ở Hồng Kông đồng thời bằng đồng HKD hoặc NDT.
Trong một bước đi quan trọng nhằm hướng đến việc quốc tế hoá hoá đồng NDT, năm 2015, IMF thông báo họ sẽ bổ sung NDT vào rổ tiền tệ dự trữ vào năm sau đó.
Ngoài ra, theo hệ thống SWIFT, đồng NDT là đồng tiền tệ được giao dịch nhiều thứ 4 trong hoạt động thanh toán toàn cầu, tính theo giá trị trong tháng 5, chiếm gần 4,5% trong các giao dịch này. Đồng USD chiếm 48%.
Trong lĩnh vực tài chính thương mại, đồng NDT đứng thứ 3 với tỷ trọng khoảng 5,1% trong tháng 5. Đồng euro có tỷ trọng cao hơn một chút ở mức 5,6%, trong khi đồng USD vẫn chiếm ưu thế với 85%.
Fred Hu, nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Primavera Capital, cho biết quá trình quốc tế hoá đồng NDT có thể sẽ kéo dài hơn nhiều người dự đoán.
Dù Trung Quốc là quốc gia có hoạt động giao dịch thương mại nhiều nhất và sở hữu các trung tâm tài chính lớn, “nhưng vẫn không có quy mô như Mỹ”, theo Hu. Ông cũng chỉ ra, ngoài việc tài khoản vốn không được công khai, nhà đầu tư cũng không thể chuyển đổi hoàn toàn đồng NDT. Do đó, quá trình quốc tế hoá của đồng tiền này cũng đang bị cản trở.
Việc phát triển thêm các sản phẩm đầu tư định danh bằng đồng NDT cũng đòi hỏi sự phát triển hoàn thiện của lĩnh vực tài chính trong nước. Một phần trong đó bao gồm các nhà đầu tư hiểu biết hơn.
Chan cho biết, hầu như trong các cuộc thảo luận, các nhà lãnh đạo nước này chỉ đề cập đến hoạt động “đầu tư một cách kiên nhẫn”. Cụm từ này đã xuất hiện trong các văn bản nhằm khuyến nhà đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã tìm cách khai thác thị trường tài chính Mỹ vì mức độ uy tín và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, những động thái giám sát ngày càng nghiêm ngặt từ phía Bắc Kinh và Washington đã khiến các hoạt động niêm yết bị chậm lại trong 3 năm qua.
Jonathan Krane, nhà sáng lập và CEO của KraneShares, nhận định: “Tôi nghĩ IPO là hoạt động cần thiết để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường. Tại Mỹ, chúng ta đã chứng kiến toàn bộ sự đổi mới này, AI và các công ty trong lĩnh vực này đã niêm yết và họ làm rất tốt. Còn ở Trung Quốc, sự đổi mới cùng những câu chuyện tương tự, ngành tương tự cũng nên được ‘kể’ qua thị trường IPO.”
Tuần trước, giới chức Trung Quốc đã công bố một nỗ lực mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện IPO, đặc biệt là ở Hồng Kông.
Chan chỉ ra, trong năm nay, HKEX đã nhận được 73 đơn đăng ký niêm yết mới, tăng 50% so với nửa cuối năm ngoái, và có tổng cộng khoảng 110 đợt IPO đang được chuẩn bị.
Tham khảo CNBC