Ngày 29-9, giá vàng miếng SJC tiếp tục được Công ty vàng SJC niêm yết mua vào ở mức 81,5 triệu đồng/lượng, bán ra tại mức 83,5 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất của giá vàng miếng SJC trong gần 4 tháng qua.
Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại tiếp tục giữ mức 82,5 triệu đồng/lượng mua vào và 83,4 triệu đồng/lượng bán ra, cao nhất trong lịch sử loại vàng này.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng tuần qua tạm chốt ở vùng đỉnh lịch sử 2.659 USD/ounce, tăng tới khoảng 30% kể từ đầu năm.
Cả giới đầu tư trong và ngoài nước đều đang đổ xô vào vàng vì kỳ vọng giá kim loại quý này sẽ còn tiếp tục tăng. Ngay cả người dân bắt đầu quay lại với kênh giữ tiền này sau vài tháng “bỏ quên”. Tuy vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia vàng Trần Duy Phương lại có những nhận định khá bất ngờ về kênh đầu tư được xem là “đầy hấp dẫn” này.
*Phóng viên: Nhiều người rất bất ngờ khi thấy giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn về sát giá với nhau, thậm chí giá vàng nhẫn mua vào còn vượt vàng miếng, vì sao?
+Chuyên gia vàng Trần Duy Phương: Biến động của gái vàng nhẫn lâu nay thường phụ thuộc vào vào giá vàng thế giới. Còn giá vàng miếng SJC hiện được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát về giá, cũng như ấn định về giá hằng ngày. Giá vàng miếng SJC lên 83,5 triệu đồng/lượng nhưng không dễ mua, phải đăng ký qua ngân hàng thương mại và công ty SJC; vàng nhẫn cũng khan hiếm.
Trong tuần, một số thời điểm giá vàng nhẫn trên thị trường tự do lên tới 84 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC cũng được đẩy lên tới 84,5 triệu đồng/lượng…
Giá vàng nhẫn tăng cao do giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh và sự khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu, nên các doanh nghiệp không đủ hàng hóa để cung ứng ra thị trường. Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp lớn mà cả tiệm vàng nhỏ cũng rất khó mua. Điều này càng đẩy giá vàng nhẫn lên cao.
* Vậy diễn biến tăng sốc của giá vàng trong nước và thế giới những ngày qua ông có bất ngờ, yếu tố nào đang tác động chính đà tăng nóng này?
+ Giá vàng thế giới tăng thật sự tôi không bất ngờ, vì từ đầu năm tôi đã dự đoán giá vàng thế giới lên tới 2.600 USD/ounce.
Giá vàng tăng do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã, đang và chuẩn bị cắt giảm lãi suất, từ đó tác động mạnh vào giá vàng và chu kỳ tăng giá này có thể còn kéo dài tới giữa năm 2025. Trong quá khứ, vàng luôn tăng khi các nước cắt giảm lãi suất. Nguyên nhân tiếp theo là tình hình căng thẳng địa chính trị trên thế giới làm cho vàng trở thành một kênh phòng thủ hiệu quả của các nhà đầu tư lớn.
* Ông nhận định giá vàng còn tăng tiếp, vậy nhà đầu tư và người có tiền nhàn rỗi có nên mua vàng để cất giữ vào thời điểm này?
+ Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 30% đối với giá vàng thế giới, có thể là gần đạt đỉnh và sẽ có một đợt điều chỉnh giảm trước khi tăng tiếp.
Mỗi đợt điều chỉnh khoảng 100-150 USD/ounce, sau đó có thể đi ngang một thời gian rồi mới tiếp tục đi lên. Trong quá khứ, giá vàng từng lập đỉnh 2.200 USD/ounce rồi đột ngột rơi tự do xuống 2.100 USD/ounce trước khi tăng tiếp…
Do đó, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng giá vàng sẽ tăng thẳng đứng và quan trọng mức tăng năm 2025 sẽ rất khó đạt 30% như năm nay. Trung bình mỗi năm, mức tăng trung bình của giá vàng chỉ khoảng 5-10%.
Do vậy, việc đầu tư vàng hiện nay cần xem xét kỹ, vì rủi ro đang cao. Với thị trường vàng trong nước bức tranh cũng tương tự. Khi giá vàng thế giới điều chỉnh, giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 4-5 triệu đồng nên áp lực giảm theo khi vàng thế giới lao dốc là hợp lý. Chưa kể, giá vàng nhẫn tăng nóng khi nhà đầu tư sốt ruột muốn mua vào chờ giá tăng tiếp, vô hình chung tạo giá ảo và rủi ro.
Theo tôi, người dân không nên mua vàng nếu không thật sự cần thiết. Những người nào đã mua vàng trước đây mà đã có lời cũng nên cân nhắc bán khi đã đạt lợi nhuận mong muốn. Mua vàng trong nước lúc này rất dễ “đu đỉnh” nếu giá thế giới đảo chiều lao dốc trong ngắn hạn. Còn nếu bán chốt lời xong mà giá vẫn tăng tiếp cũng không tiếc vì lợi nhuận vàng nhẫn từ đầu năm tới nay 25-30% là mức hấp dẫn.
* Nếu mua vàng trong danh mục đầu tư, nên duy trì tỉ trọng đầu tư ở mức bao nhiêu?
+ Việc đầu tư hay tích trữ vàng của người dân Việt Nam rất là phổ biến, vì mua vàng không đòi hỏi chuyên môn phân tích nào cả. Theo tôi quan sát, người mua vàng họ thường dành khoảng 30% vốn đầu tư cho kênh. Đây cũng là mức hợp lý vì không nên “bỏ hết trứng vào cùng một giỏ” mà nên đa dạng các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, chứng khoán hay tự kinh doanh…
Nếu vàng đang tăng nóng như hiện nay mà dồn hết vốn, hoặc chỉ 50% vốn đầu tư cũng quá rủi ro, vì vàng không phải lúc nào cũng theo xu hướng mong muốn.