Nợ xấu tăng và những vướng mắc trong xử lý nợ
Thông tin tới báo chí dịp đầu năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú thừa nhận: Nợ xấu có xu hướng tăng, nhiều khoản vay đến hạn trả nợ nhưng doanh nghiệp chưa trả được do gặp khó khăn. Việc kéo dài chính sách giãn, hoãn nợ từ những năm trước gây thêm hệ luỵ nợ xấu. Đây là một vấn đề đáng quan tâm của ngành ngân hàng.
Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến cuối năm 2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023, chiếm 94,8% tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Đáng lưu ý, một số ngân hàng vừa được chuyển giao bắt buộc và trong diện kiểm soát đặc biệt có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%.
Báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2024 của 29 ngân hàng cũng cho thấy rủi ro nợ xấu tiềm ẩn ở nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô vốn vừa và nhỏ tiếp tục gia tăng, trong khi bộ đệm dự phòng tại các ngân hàng này còn mỏng. Không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ, tại các ngân hàng lớn, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh.
Thống kê từ Wichart cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng đạt hơn 131.000 tỷ đồng, tăng hơn 39.500 tỷ so với năm 2023, tương đương mức tăng 43%. Ngoài ra, tỷ trọng của nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0,91% năm 2023 lên 1,11% năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng, nợ xấu tăng là do thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn về thanh khoản. Một số doanh nghiệp chưa kịp phục hồi, trong khi hết thời hạn cơ cấu nợ nên buộc phải chuyển sang nợ xấu. Bên cạnh đó, áp lực thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn lớn cũng khiến nợ xấu tăng.
Không chỉ đối mặt với nợ xấu gia tăng, các ngân hàng còn gặp khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu. Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – chia sẻ: Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) hết hiệu lực khiến việc thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp vướng mắc, gần 200.000 tỷ tài sản tồn đọng, thậm chí con số thực tế còn lớn hơn. Giải pháp đòi nợ lớn nhất hiện nay là kiện ra tòa nhưng trên thực tế, các tòa tiếp nhận chưa đến 30% hồ sơ vì quá tải.
TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) – cũng chỉ ra khó khăn trong vấn đề xử lý nợ xấu như: TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ, nhiều trường hợp đưa ra tòa án đến cấp phúc thẩm mà vẫn không đạt hiệu quả, dẫn đến việc xử lý ngày càng phức tạp, không triệt để… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Gỡ vướng pháp lý, cơ cấu lại Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương…
Để tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất luật hóa Nghị quyết 42; đồng thời, rà soát, sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo vệ quyền chủ nợ.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong Kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết 42.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cũng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện. Bởi theo ông Vỹ, khi Nghị quyết 42 không được luật hóa, việc xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc, gây rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng – cho rằng: Để ngăn chặn tình trạng nợ xấu gia tăng, các ngân hàng phải xem lại quy trình tín dụng, việc xét hồ sơ tín dụng mới phải chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng nên tìm phương pháp để cho vay tín chấp thay vì thế chấp. Theo ông Hiếu, kinh nghiệm tại Mỹ cho thấy, cho vay tín chấp an toàn hơn thế chấp vì các công ty có thể vay tín chấp là những doanh nghiệp hoạt động rất ổn định, báo cáo tài chính tốt. Ngân hàng dựa vào báo cáo tài chính để cho vay thay vì đòi hỏi tài sản thế chấp. Doanh nghiệp phải đảm bảo các chỉ tiêu về thanh khoản, đòn bẩy tài chính, lợi nhuận, dòng tiền rất tốt thì mới có thể vay tín chấp được. “Chúng ta phải tính đến một nền kinh tế mà các ngân hàng cho vay tín chấp nhiều hơn dưới điều kiện các khách hàng vay có khả năng tín chấp” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Trước đây, với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, NHNN cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ. Việc này khiến tính minh bạch của sổ sách bị ảnh hưởng, làm lệch lạc bức tranh về chất lượng tài sản của các ngân hàng, dẫn đến hạn chế trong việc trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Thành ra tôi cho rằng, NHNN có thể tiếp tục gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, nghĩa là một phần Thông tư số 02/2023/TT-NHNN có thể tiếp tục được gia hạn, thế nhưng, NHNN phải cho phép các ngân hàng chuyển nhóm nợ bình thường để bảng cân đối tài sản của các ngân hàng trở nên minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dùng Quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh, giúp các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng là một cơ chế hữu hiệu. Tuy nhiên, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ và NHNN nên xem xét lại Quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương hiện nay bởi đó là quỹ có vốn điều lệ rất nhỏ và hoạt động của các quỹ này cũng nảy sinh nhiều tiêu cực, chẳng hạn như các Quỹ tín dụng địa phương bảo lãnh cho người nhà vay, khi đến hạn thì người vay “bùng nợ” để quỹ tín dụng đó phải bồi thường cho ngân hàng, làm thiệt hại cả quỹ.
“Do đó, chúng ta cần phải có biện pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Đã đến lúc, phải tái cơ cấu Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương để có một quỹ bảo lãnh tín dụng lớn là Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Đó là biện pháp để có thể hạn chế nợ xấu cũng như giải quyết được vấn đề vốn cho các doanh nghiệp” – TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị./.