LTS: Kể từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống D. Trump đã liên tục đưa ra một loạt chính sách, trong đó có nhiều quyết sách về thuế quan, đã và đang có tác động lớn đối với kinh tế, thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã công bố báo cáo đánh giá tác động chính sách thuế của Mỹ đối với kinh tế, thương mại toàn cầu; đồng thời đưa ra một số kịch bản và khả năng áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt đối với một số ngành, hàng quan trọng, từ đó đưa ra một số kiến nghị.
Chúng tôi xin đăng tải Báo cáo để quý độc giả tiện theo dõi.
- Cập nhật chính sách thuế mới của Mỹ
Trong cam kết tranh cử, Tổng thống D. Trump đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về: (i) Tạo áp lực đàm phán, áp lực chính trị đối với các đối tác thương mại lớn, buộc họ phải đàm phán thương mại dù đôi khi có thể trả đũa bằng cách áp thuế quan tương tự; đồng thời nhằm giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ đặc biệt quan tâm như vấn đề nhập cư trái phép; buôn lậu chất gây nghiện fentanyl…; (ii) giảm thâm hụt thương mại, bảo vệ các ngành sản xuất chủ lực trong nước trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước có giá thành thấp hơn; (iii) tăng áp lực cạnh tranh về thương mại – công nghệ với Trung Quốc, hạn chế hiện tượng trốn thuế, lách thuế thông qua hình thức đội lốt nhãn mác hàng hóa…v.v.
Để cụ thể hóa cam kết tranh cử nói trên, đầu tháng 2/2025, Tổng thống D. Trump đã liên tục công bố các chính sách thuế quan mới với các đối tác thương mại. Theo đó, ngày 1/2/2025, Mỹ công bố áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mêhicô và Canada từ ngày 4/2/2025 (sau đàm phán, đã tạm hoãn 30 ngày) và thuế tăng thêm 10% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 4/2/2025). Tiếp đến ngày 7/2, Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước nhằm tái định hình quan hệ thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ. Ngày 10/2, Mỹ chính thức công bố áp thuế mức 25% đối với thép và nhôm, áp dụng đối với tất cả các nước (trừ Úc) từ ngày 4/3/2025. Ngày 13/2, Mỹ công bố kế hoạch “Thương mại công bằng và đối ứng” trong quan hệ thương mại (Kế hoạch chi tiết sẽ hoàn tất trước ngày 1/4/2025). Gần đây nhất là ngày 18/2, Tổng thống D. Trump công bố ý định áp thuế với ô tô khoảng 25% (sớm nhất có thể áp dụng vào ngày 2/4/2025) và các loại thuế tương tự với chất bán dẫn và dược phẩm (chưa công bố thời gian cụ thể).
2. Tác động đối với kinh tế thế giới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, các chính sách thuế quan của Mỹ đã chính thức kích hoạt chiến tranh thương mại và khó đoán định, nhưng đã và đang làm gia tăng bất ổn, bất định và tác động tiêu cực đối với địa chính trị, an ninh, kinh tế và thương mại toàn cầu và các nước.
Đối với kinh tế toàn cầu, chính sách thuế quan mới của Mỹ về cơ bản sẽ tác động tiêu cực tới các nước có quan hệ thương mại (nhất là có thặng dư thương mại lớn) với Mỹ, từ đó có thể làm cản trở thương mại toàn cầu, tăng áp lực đối với xuất khẩu. Khi thuế nhập khẩu tăng, giá hàng hóa bán đến người tiêu dùng cuối cùng sẽ tăng lên, từ đó có thể khiến lạm phát ở Mỹ và các nước liên quan tăng trở lại hoặc duy trì ở mức cao, làm chậm tiến trình giảm lãi suất của Fed cũng như nhiều NHTW lớn khác. Hệ quả là, đồng USD tăng giá hoặc neo ở mức cao, tạo áp lực tỷ giá và lãi suất ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, lạm phát cao làm giảm nhu cầu đầu tư – tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế của Mỹ và những quốc gia liên quan, mức độ sụt giảm còn tùy thuộc vào mức thuế quan mà Mỹ áp dụng và phản ứng, biện pháp trả đũa của các đối tác cũng như khả năng điều chỉnh của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước giảm 0,2 – 0,3 điểm % so với mức 2,7% năm 2025 như dự báo của WB (tháng 1/2025); tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm 1-2 điểm % (xuống mức 3%); ngược lại, lạm phát ước tính tăng 0,2 – 0,5 điểm % so với kịch bản thông thường.
Đối với kinh tế Mỹ, các biện pháp thuế quan có thể có ba tác động tích cực như: (i) tăng thu ngân sách cho Mỹ, Tổ chức Tax Foundation và Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ – CBO (1/2025) ước tính nếu thuế nhập khẩu áp dụng từ đầu tháng 2 có thể giúp ngân sách của Mỹ tăng 140 tỷ USD năm 2025 và 1.500 tỷ USD cho 10 năm tới, nhưng nguồn thu này khá mong manh vì còn tùy thuộc vào kết quả đàm phán và thực thi cụ thể; (ii) một số doanh nghiệp có thể mở hoặc chuyển nhà máy về Mỹ để tránh thuế, góp phần giảm thâm hụt thương mại (dù kết quả không chắc chắn như thực tế nêu dưới đây); (iii) giúp chính quyền Mỹ có thế để đàm phán, đạt được các mục tiêu khác (về nhập cư, cân banqwgf thương mại…).
Dù vậy, cũng có khá nhiều hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế Mỹ: (i) tác động đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế (có thể làm suy yếu niềm tin của các đối tác quốc tế vào khả năng lãnh đạo của Mỹ trong thương mại toàn cầu, tạo điều kiện cho các cường quốc khác, như Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế); (ii) tác động đến giá hàng tiêu dùng, chi phí sản xuất và có thể khiến lạm phát tăng trở lại, khiến FED thận trọng với giảm lãi suất; dẫn tới tác động tiêu cực đến đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của Mỹ; (iii) Mục tiêu mang lại việc làm và giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ chưa chắc đã đạt được khi dữ liệu trong quá khứ cho thấy điều này (cuối nhiệm kỳ I của TT Trump, tháng 12/2020, thâm hụt thương mại của Mỹ lên 679 tỷ USD, tăng hơn 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ vào tháng 1/2017). Theo đó, WB và các viện nghiên cứu của Mỹ (tháng1-2/2025) dự báo, tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2025 có thể giảm 0,4 điểm % (khi Mỹ đơn phương áp dụng biện pháp thuế quan cao – Kịch bản 1) hoặc giảm 0,9 điểm % (khi các nước đáp trả – Kịch bản 2) so với kịch bản chưa có thuế, xuất khẩu giảm 6-9%, lạm phát tăng 0,7-1,2 điểm % (tùy kịch bản).

Đồng USD tăng giá hoặc neo ở mức cao, tạo áp lực tỷ giá và lãi suất ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đối với một số nền kinh tế – đối tác chính của Mỹ: với Trung Quốc, việc áp thuế thêm 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,3–0,4 điểm % về mức 4,5-4,6% ngay từ năm 2025, trong đó, lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn, ô tô điện,… chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Với Eurozone, tăng trưởng kinh tế khu vực có thể giảm 0,2-0,4 điểm % năm 2025 (có thể giảm sâu xuống mức 1,5 điểm % vào năm 2027-2028) nếu Mỹ tăng thuế suất lên 20% đối với hàng hóa Eurozone và khu vực này có đáp trả (một số ngành chịu thiệt hại lớn nhất là sản xuất máy móc, xe hơi, hóa chất,…) và Đức là nước chịu nhiều thiệt hại nhất (theo ABN – AMRO). Với Mêhicô là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, sẽ chịu tác động lớn nhất từ việc thay đổi chính sách nêu trên, nhất là khi Mỹ dự định rút khỏi Hiệp định thương mại tự do Mỹ – Mêhicô – Canada (USMCA), áp thuế nhập khẩu 25-100%, thậm chí 200% đối với xe hơi nhập khẩu từ Mêhicô; tiếp đến là các nền kinh tế có thặng dư thương mại với Mỹ nhưng ở mức độ khác nhau,…v.v.

Lạm phát của Mêhicô giảm sâu do: (i) giảm nhu cầu xuất khẩu của Mêhicô; (ii) áp lực giá giảm do lượngcung nội địa Mêhicô tăng lên khi XK gặp khó khăn; (iii) Đồng Peso Mêhicô mất giá do xuất khẩu giảm dẫn tới giảmdòng tiền ngoại tệ thu về; (iv) thu nhập và tiêu dùng nội địa giảm do chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu giảm (do xuất khẩusang Mỹ chiếm tỷ trọng gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Mêhicô).
3. Tác động đối với kinh tế Việt Nam
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đang phát triển, phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu, đầu tư, du lịch nước ngoài, nhất là các đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam (như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Vì vậy, chiến tranh thương mại – công nghệ giữa những đối tác này đều có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, có cả cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn.
(i) Đối với xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam: có thể nhận diện 3 cơ hội chính. Một là, khi các đối tác truyền thống của Mỹ gặp khó khăn do bị áp thuế, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Mỹ và các khu vực khác đang có nhu cầu thay thế hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu. Hai là, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro bị áp thuế cao, Việt Nam vẫn được đánh giá là một địa điểm hấp dẫn, có lợi thế (như đã từng xảy ra trong thời gian qua). Ba là, doanh nghiệp Việt có thể chuyển chiến lược từ phụ thuộc vào một vài nguồn cung, thị trường XNK sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường, đối tác, từ đó nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Việt Nam cũng sẽ gặp phải 4 rủi ro, thách thức chính: (i) thương mại toàn cầu (nhất là tại các đối tác chính) tăng chậm lại, khiến mục tiêu xuất khẩu Việt Nam tăng trên 10% năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 trở nên khó khăn hơn; (ii) chi phí logistics (do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng) và chi phí đầu vào tăng (do giá nguyên vật liệu, tỷ giá tăng như nêu trên) khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp XNK giảm; (iii) rủi ro điều tra chống bán phá giá, gian lận thương mại, điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả của các DN nước ngoài liên quan đến chuỗi cung ứng), bảo hộ thương mại…, nhất là từ phía Mỹ sẽ gia tăng (thực tế đã tăng khá nhanh từ năm 2018 đến nay); (iv) khả năng bị áp thuế cao hơn hay bị gán mác là “thao túng tiền tệ” (như đã từng xảy ra năm 2020) cũng có thể xảy ra.

(ii) Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao năm 2025 và giai đoạn 2026-2030: tăng trưởng kinh tế toàn cầu (trong đó có hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng và du lịch toàn cầu) bị chậm lại, khiến mục tiêu tăng trưởng cao (khoảng 8% năm 2025 và khoảng 10% giai đoạn 2026-2030) của Việt Nam trở nên khó khăn hơn nhiều, nếu Việt Nam không chủ động, khôn khéo ứng phó để tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro.
(iii) Đối với thị trường tài chính và thị trường tài sản đầu tư: việc Mỹ áp thuế (và các nước đáp trả) khiến giá cả tăng, lạm phát tăng, lãi suất đồng USD neo cao, khiến đồng USD tăng giá (dù sẽ chậm lại do đã tăng khá nhiều 2 năm qua) làm tăng áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thị trường chứng khoán (TTCK), vàng, ngoại tệ, tiền kỹ thuật số…cũng sẽ biến động nhiều hơn; xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi và rủi ro cao, sẽ tiếp tục diễn ra, khiến mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế cũng sẽ khó khăn hơn…v.v.
(Còn nữa: Các kịch bản về khả năng áp thuế đối với Việt Nam và kiến nghị).