Chứng khoán ‘lạnh’, cổ tức có làm ấm lòng nhà đầu tư?

Chứng khoán trầm lắng, cổ tức “kích” cổ phiếu

Hôm qua (23.8), thị trường chứng khoán đóng cửa tăng nhẹ khi VN-Index tăng 0,2% lên 1.285,32 điểm và HNX-Index cộng thêm 0,67%, lên 240,07 điểm. Tuy nhiên số lượng cổ phiếu (CP) giảm giá nhiều hơn và thanh khoản của thị trường cũng ở mức thấp. Trên sàn HOSE, có hơn 16.839 tỉ đồng được giao dịch còn sàn HNX đạt hơn 1.320 tỉ đồng. Nhìn chung, cả VN-Index và vốn hóa sàn HOSE đều đang ở mức ngang bằng cách nay hơn 3 tháng. Riêng giá trị giao dịch liên tục giảm và thậm chí nhiều phiên trong tháng 7, giá trị giao dịch trên sàn HOSE rớt xuống mức dưới 10.000 tỉ đồng – thấp nhất kể từ cuối năm 2023 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân nản lòng.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân không quan tâm đến cổ tức khi mua cổ phiếu

Dù vậy, vẫn có những CP được quan tâm khi có thông tin chia cổ tức cao. Chẳng hạn, Tổng công ty Khí VN (mã chứng khoán GAS), ngày 16.9 tới sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 60%, tương ứng mỗi CP nhận về 6.000 đồng. Với gần 2,3 tỉ CP đang lưu hành, tổng số tiền doanh nghiệp dự tính trích ra là 13.780 tỉ đồng. Đồng thời, cổ đông của GAS đợt này còn nhận được CP do công ty phát hành để tăng vốn theo tỷ lệ 50:1, tương ứng cổ đông cứ sở hữu 50 CP sẽ được nhận thêm 1 CP. Trong vòng 1 tháng qua, giá CP này đã tăng thêm 10%, bất chấp nhiều mã bluechips trên sàn HOSE đi thụt lùi.

Các tổ chức, quỹ đầu tư thông thường để ý nhiều hơn đến thu nhập trên mỗi CP (EPS) thay vì cổ tức được chia bao nhiêu. EPS của công ty nào cao nhưng cổ tức chia thấp thì các quỹ đầu tư, tổ chức vẫn có thể đánh giá cao bởi doanh nghiệp sẽ giữ lại tiền để đầu tư mở rộng và tương lai cũng làm tăng giá trị của công ty. Trong khi đó nếu công ty chia hết lợi nhuận làm ra cho cổ đông thì cho thấy không có kế hoạch sử dụng dòng tiền, không có hướng phát triển công ty thì cũng không hẳn là tốt cho dài hạn.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM

Không chỉ riêng GAS, có nhiều doanh nghiệp cũng chi trả cổ tức theo tỷ lệ cao hơn, lên trên 100% (tương ứng hơn 10.000 đồng/CP). Ví dụ, Công ty CP Dây cáp điện VN (mã chứng khoán CAV) năm vừa qua chia cổ tức với tỷ lệ 100% và tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt này cũng được chi trả vào năm 2022 trước đó. Hiện tại giá CP CAV có mức 69.900 đồng, nếu cổ tức duy trì mức 100% (tương đương 10.000 đồng/CP) thì tỷ lệ cổ tức/thị giá CP tương đương 14,5%, bỏ xa lãi suất tiết kiệm. Hay một doanh nghiệp khác là Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) trong 4 năm liên tục từ 2020 – 2023 duy trì mức chia cổ tức trên 100% và dự báo mức trả cổ tức cao sẽ còn tới tận năm 2025. Tính theo giá hiện tại của CP BMP là 105.200 đồng thì tỷ lệ cổ tức/thị giá CP tương đương 9,5%, cao hơn lãi suất tiết kiệm. Còn Công ty CP Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS) cũng trả cổ tức tiền mặt năm 2023 lên đến tỷ lệ 150%, tương ứng 15.000 đồng/CP. Nhưng so với giá CP đang ở mức 195.500 đồng thì tỷ lệ cổ tức/thị giá CP chỉ đạt khoảng 7,6%…

Chỉ có NĐT tổ chức quan tâm cổ tức

Mặc dù việc chia cổ tức của nhiều công ty niêm yết cũng có tác động tích cực đến giá CP trong một vài phiên, đặc biệt với những đơn vị có tỷ lệ chia cao. Tuy nhiên, với nhiều NĐT cá nhân thì đây không phải là yếu tố quan trọng để họ quyết định mua và nắm giữ CP. Theo quy định hiện nay, giá CP sẽ bị điều chỉnh tương ứng. Ví dụ CAV đang có giá 69.900 đồng, nếu chia cổ tức tỷ lệ 100% bằng tiền mặt (tương ứng 10.000 đồng/CP) thì trong ngày giao dịch không hưởng quyền, giá CP này sẽ chỉ còn lại 59.900 đồng. Đối với nhiều NĐT, họ có thể chọn mua CP trong ngày giao dịch không hưởng quyền với giá thấp hơn thay vì mua trước đó vì phải chờ một thời gian sau tiền cổ tức mới được doanh nghiệp chi trả. Bởi có nhiều CP dù bị điều chỉnh giá theo quy định nhưng ngay lập tức sẽ tăng trở lại về mức trước khi nhận cổ tức. Khi đó NĐT nắm giữ trước sẽ được lời trọn vẹn số tiền cổ tức.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, cho rằng đa số NĐT cá nhân tại VN không quan tâm đến câu chuyện cổ tức. Các NĐT có tâm lý giao dịch ngắn hạn, không muốn giữ CP lâu dài nên chỉ tập trung vào việc đánh giá xem CP đó có khả năng tăng giá hay không? Mức tăng như thế nào trong vài tuần sau… Điều này dẫn đến tình trạng thậm chí có nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không chia cổ tức nhưng vẫn được nhiều NĐT mua vào giúp giá CP tăng cao. Ngược lại nhiều doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn hằng năm nhưng giá CP hầu như không tăng, hoặc có khi còn sụt giảm. 

Ngược lại, cổ tức là một yếu tố mà các NĐT tổ chức, quỹ đầu tư quan tâm cùng với nhiều thông tin khác để lựa chọn CP mua vào. Do đó, trong báo cáo tài chính năm của các NĐT tổ chức, quỹ đầu tư đều có khoản mục thu nhập tài chính, trong đó bao gồm cổ tức của các khoản đầu tư trong năm. Thế nhưng, việc doanh nghiệp chia cổ tức quá cao cũng không phải là điều được các NĐT tổ chức khuyến khích. Liệu doanh nghiệp có để lại dòng tiền phục vụ cho việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh hay không sẽ là điều quan trọng để NĐT tổ chức đánh giá trong kế hoạch nắm giữ CP dài hạn.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng đồng tình với nhận định nhiều NĐT cá nhân trong nước không quan tâm đến cổ tức của các doanh nghiệp niêm yết. Một phần vì đa số các công ty cũng chia cổ tức ở mức thấp, từ 10 – 20% (tương ứng 1.000 – 2.000 đồng/CP). Riêng đối với những CP có giá cao từ 40.000 – 50.000 đồng trở lên thì mức chia cổ tức này là quá thấp so với số tiền bỏ ra mua CP. Chỉ một vài doanh nghiệp mới có mức “siêu cổ tức” thì thường tập trung vào các nhóm cổ đông lớn hoặc doanh nghiệp nhỏ, cổ đông chủ yếu là người lao động của công ty… Bên cạnh đó, phần lớn do tâm lý NĐT cá nhân vẫn chỉ thích “lướt sóng”, mua bán ngắn hạn để có lãi từ việc chênh lệch giá CP. 

“Bản thân các NĐT lớn, quỹ đầu tư quan tâm đến cổ tức nhiều hơn NĐT cá nhân. Tuy nhiên các tổ chức, quỹ đầu tư thông thường để ý nhiều hơn đến thu nhập trên mỗi CP (EPS) thay vì cổ tức được chia bao nhiêu. EPS của công ty nào cao nhưng cổ tức chia thấp thì các quỹ đầu tư, tổ chức vẫn có thể đánh giá cao bởi doanh nghiệp sẽ giữ lại tiền để đầu tư mở rộng và tương lai cũng làm tăng giá trị của công ty. Trong khi đó nếu công ty chia hết lợi nhuận làm ra cho cổ đông thì cho thấy không có kế hoạch sử dụng dòng tiền, không có hướng phát triển công ty thì cũng không hẳn là tốt cho dài hạn”, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân chia sẻ. 

Chia cổ tức cao hơn giá CP

Đa số các công ty quy mô lớn trong thời gian qua thì tỷ lệ cổ tức chỉ ở mức thấp, phổ biến từ 10 – 30%. Riêng đối với số công ty chia cổ tức tỷ lệ cao, đột biến rơi vào các đơn vị quy mô nhỏ, lượng CP giao dịch không nhiều. Ví dụ, Công ty CP May xuất khẩu Phan Thiết (mã chứng khoán PTG) đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 50%, tương ứng 1 CP sẽ được nhận 5.000 đồng. Đáng chú ý, mức cổ tức mà PTG chi trả cho cổ đông gấp 10 lần giá CP giao dịch trên sàn UPCoM vào thời điểm công ty chia cổ tức (giá 500 đồng/CP). Hay Công ty CP 397 (mã chứng khoán BCB) cũng chia cổ tức năm 2023 bằng tiền theo tỷ lệ 29,19%/CP (1 CP được nhận 2.919 đồng). Mức cổ tức này cao hơn 4 lần so với giá CP đang ở mức 700 đồng…


Nguồn

Next Post

Năm 2024 còn vung tiền vào 10 thứ này thì ‘nghèo mãi hoàn nghèo’

Sat Aug 24 , 2024
Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới. Ông nổi tiếng với sự thông thái và suy luận sắc bén. Vì thế, mỗi lời khuyên của Buffett đều có những giá trị nhất định, đặc biệt là trong việc tránh mắc phải những sai […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU