Chưa làm được CCCD gắn chíp, xác thực sinh trắc học ngân hàng như thế nào?

Cụ thể, ông Dương Văn Khánh cho biết đang làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc. Do tính chất công việc nên ông chưa về Việt Nam để làm Căn cước công dân gắn chíp. Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ ngày 1/7/2024 chuyển khoản giao dịch trên hạn mức yêu cần xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Tuy nhiên, ông Khánh không xác thực được vì không có Căn cước công dân. Ông hỏi, những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài như ông cần phải làm như thế nào?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực ngày 1/7/2024, khách hàng cá nhân khi thực hiện chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị trong ngày trên 20 triệu đồng (giao dịch loại C, D) phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng như sau:

– Khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chíp của thẻ Căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp;

– Hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập;

– Hoặc khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra.

Nếu chuyển tiền từ 10 triệu đồng/giao dịch trở xuống hoặc tổng giá trị trong ngày dưới 20 triệu đồng (giao dịch loại A, B), khách hàng chưa cần phải cập nhật xác thực sinh trắc học ngay, việc chuyển tiền vẫn bình thường như lâu nay mà không phải xác thực khuôn mặt.

Ngày 25/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 5262/NHNN-CNTT hướng dẫn một số nội dung triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN.

Theo đó, đối với khách hàng chưa có Căn cước, Căn cước công dân gắn chíp (khách hàng chỉ có Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân không gắn chíp còn thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật), biện pháp xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học của khách hàng đối với giao dịch loại C, D quy định tại Điều 1 Quyết định số 2345/QĐ-NHNN được thực hiện bằng cách khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học về khách hàng đã thu thập và kiểm tra, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bằng phương thức gặp mặt trực tiếp và việc này chỉ thực hiện một lần.

Hiện nay, các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ khách hàng thu thập thông tin sinh trắc học. Do đó, đối với trường hợp của ông Khánh chưa có Căn cước công dân gắn chíp, ông cần liên hệ ngân hàng mở tài khoản thanh toán để được hướng dẫn, thu thập thông tin sinh trắc học theo quy định.


Theo Thanh Anh

Nguồn

Next Post

Cảnh xuống cấp của Nhà máy xi măng Hữu Nghị sau tuyên bố phá sản

Fri Sep 6 , 2024
Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ tập trung tăng tốc triển khai các công trình và dự án, để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án triển khai theo tiến độ, thì vẫn còn không […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU