Chống đô la hóa cần kiên định giải pháp

Có nên bỏ một trụ cột trong chống đô la hóa?

Trong hơn hai năm qua, tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu, nhất là tại Mỹ đã buộc NHTW Mỹ (Fed) đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ, chủ yếu thông qua công cụ lãi suất với tổng cộng 11 lần tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, qua đó đưa lãi suất lên phạm vi 5,25 – 5,5%, mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ. Từ đó đến nay, dù lạm phát đã giảm tốc mạnh, song Fed vẫn giữ nguyên phạm vi lãi suất này tại tất cả các cuộc họp chính sách từ tháng 9/2023 đến nay. Việc Fed giữ lãi suất cao, chỉ số đồng đô la biến động mạnh (chủ yếu theo xu hướng tăng) cộng hưởng với nhiều yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu trong suốt thời gian vừa qua đã tác động tiêu cực và gây ra những áp lực rất lớn đến các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam, nhất là về mặt tiền tệ, tỷ giá.

Việc duy trì lãi suất USD ở mức 0% thời gian qua đã giúp NHNN mua vào được nhiều USD để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối

 

 Trước các áp lực đó, đã có một số ý kiến đặt ra, như nên chăng điều chỉnh lãi suất đối với tiền gửi bằng USD lên trên 0% vì cho rằng đó có thể là cách giúp thu hẹp với lãi suất giữa VND và USD, giúp huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế… Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi chính sách này (nếu có) sẽ “lợi bất cập hại”, xét cả trong ngắn hạn cũng như trung, dài hạn.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), chống đô la hóa là chủ trương đúng đắn và một thực tế mà tất cả mọi người đều nhận thấy là tình trạng đô la hóa tại Việt Nam đã giảm rõ rệt trong những năm qua. Để giảm mức độ đô la hóa nền kinh tế, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, NHNN đã song song thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, bên cạnh nỗ lực kiểm soát lạm phát ở mức thấp (lạm phát trung bình hàng năm chỉ xoay quanh mức 3 – 4%), nỗ lực giữ ổn định tỷ giá (tốc độ giảm giá trung bình của VND so với USD chỉ ở mức dưới 2%/năm) thì điểm nhấn còn là việc áp dụng lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD. Những chính sách, giải pháp như vậy đã khiến việc nắm giữ USD trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều so với việc nắm giữ VND, và một trong những kết quả mang lại là nhu cầu nắm giữ USD của người dân và doanh nghiệp đã giảm dần, góp phần giúp NHNN mua ngoại tệ và tăng quy mô dự trữ ngoại hối lên mức 100 tỷ USD như hiện nay.

Cùng quan điểm, GS. Trần Thọ Đạt – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, quy định trần lãi suất tiền gửi USD 0%/năm áp dụng từ năm 2015 đến nay là trụ cột chính, chính sách chính để thực hiện chủ trương chống USD hóa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế VND, từ đó hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế đã giảm mạnh, nguồn lực USD trong dân được chuyển thành nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời thị trường ngoại tệ được quản lý hiệu lực và hiệu quả hơn. Cùng với việc thực hiện điều hành theo tỷ giá trung tâm đã cho phép tỷ giá biến động linh hoạt, hấp thụ tốt hơn các cú sốc và phản ánh tốt hơn quan hệ cung – cầu thị trường. Tâm lý kỳ vọng tỷ giá luôn có xu hướng tăng trước đây nay đã giảm bớt, đồng thời việc chuyển dần từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ đã giúp cơ quan điều hành chủ động hơn nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước.

Không để kênh đầu tư đã “nguội” được hâm nóng

Tuy chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ triển khai trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhưng hiện tại nền kinh tế đang tiếp tục đối mặt với áp lực từ triển vọng tăng trưởng khá bất định của kinh tế thế giới, nhiều yếu tố vẫn đang tác động đến thị trường ngoại tệ và tỷ giá, như Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức cao, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng bị thu hẹp, thậm chí có nhiều thời điểm rơi vào trạng thái âm; vẫn tồn tại nhu cầu nắm giữ USD…

Tại cuộc họp với các chuyên gia kinh tế do NHNN tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng USD, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND. Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh (tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng có xu hướng giảm).

GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều thách thức như vậy, nếu có những thay đổi trong chính sách lãi suất USD 0% hay chấp nhận “lùi lại” việc chống USD hóa thì nhiều khả năng sẽ kích hoạt động cơ găm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp, có thể tái khởi động một kênh đầu tư đã “nguội”, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và tác động ngược trở lại đến lãi suất cũng như vị thế VND.

Cùng nhận định này, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, nếu giả định có điều chỉnh nhẹ lãi suất USD thì tác dụng thu hút tiền gửi USD vào hệ thống sẽ không đáng kể. Còn nếu điều chỉnh mạnh lãi suất lên mức đủ để hấp dẫn người dân gửi USD vào hệ thống ngân hàng thì điều này có thể tạo tâm lý muốn mua thêm và nắm giữ USD đầu cơ, gây ra những tác động như khiến tỷ giá tăng mạnh, khả năng điều hành, kiểm soát tỷ giá của NHNN giảm đi… từ đó ảnh hưởng đến điều hành lãi suất và sẽ khiến tình trạng đô la hóa quay trở lại và gia tăng mạnh mẽ.

Đồng quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cũng cho biết, không phải tăng lãi suất USD mới huy động được nguồn lực này trong dân, mà chính việc duy trì lãi suất USD ở mức 0% thời gian qua đã giúp hạn chế đáng kể tâm lý găm giữ ngoại tệ, thậm chí không ít người còn bán USD để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào sản xuất – kinh doanh. “Đó mới chính là giải pháp huy động USD cho nền kinh tế một cách hiệu quả nhất”, vị này nhấn mạnh.

Nói cách khác, câu chuyện chống đô la hóa hơn 10 năm qua là tích cực, nhưng để viết tiếp câu chuyện đó sao cho “có hậu” ở chặng đường 10 năm tới thì đòi hỏi sự kiên trì, kiên định. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, cần xem mục tiêu chống đô la hóa là quá trình lâu dài và kiên định trong chính sách thực hiện. Chia sẻ góc nhìn của mình, GS. Trần Thọ Đạt cho rằng, để chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% tiếp tục là trụ cột chính của chủ trương chống đô la hóa thì cần kiên định trong lộ trình thực hiện, nhất quán coi đây là công cụ hỗ trợ tích cực cho ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cần thực thi tổng thể các chính sách, giải pháp khác để giúp nâng cao vị thế của VND, giảm sự hấp dẫn của việc nắm giữ đồng USD. Phương châm duy trì nắm giữ VND có lợi hơn USD cần được kiên định thực hiện lâu dài, xuyên suốt trong điều hành lãi suất và tỷ giá.

Cùng với đó, cần tiếp tục nhất quán thực hiện chuyển quan hệ huy động-cho vay sang mua-bán ngoại tệ; có các biện pháp cụ thể tăng cường khung pháp lý về quản lý ngoại hối theo hướng hạn chế sử dụng ngoại tệ trong lãnh thổ, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ; kiểm soát chặt chẽ hiện tượng “lách” trần lãi suất tiền gửi USD thông qua tăng cường thanh tra, giám sát, tăng cường kỷ luật thị trường…

Chia sẻ thêm quan điểm của mình, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh rằng, việc huy động nguồn lực tài chính, trong đó có USD, không nên chỉ dựa vào các chính sách, giải pháp của NHNN. Việc cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng cũng chính là các giải pháp căn cơ để người dân đưa vốn vào sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, việc phát triển các thị trường vốn như trái phiếu, cổ phiếu cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm đô la hóa nền kinh tế.

Nguồn

Next Post

PwC bị kiện

Wed Aug 7 , 2024
Tờ Financial Times đưa tin, nhóm Quản tài viên (liquidator), hợp tác xã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn) của China Evergrande đã khởi kiện PwC. Theo đó, phía Evergrande đã cáo buộc công ty kiểm toán Big Four này có hành vi “sơ suất” và […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU