Từ đầu tuần đến nay, hợp đồng tương lai dầu thô tăng khoảng 10%. Diễn biến này đã khiến nhiều nhà quan sát thị trường ngạc nhiên vì mức tăng dường như yếu hơn so với những gì mà thị trường này đang đối mặt.
Các nhà phân tích năng lượng đã đặt câu hỏi rằng liệu các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ có đang đánh giá thấp xung đột đang lan rộng ở Trung Đông hay không, đặc biệt là khi hậu quả của nó có thể gây gián đoạn dòng chảy dầu từ khi vực xuất khẩu chính là Iran, một yếu tố quan trọng trên thị trường. Ước tính 4% nguồn toàn cầu có thể gặp rủi ro nếu Israel nhắm đến các cơ sở dầu mỏ của Iran.
Goldman Sachs cho biết, sản lượng dầu của Iran nếu giảm liên tục có thể khiến giá dầu tăng 20 USD/thùng. Ngân hàng SEB của Thuỵ Điển cảnh báo, giá dầu thô tương lai có thể tăng vọt lên hơn 200 USD/thùng trong kịch bản cực kỳ bi quan.
Đối với một số nhà phân tích, lý do giá dầu thô vẫn chưa tăng quá mạnh là do các giao dịch bán khống trên thị trường dầu mỏ.
Jeff Currie, giám đốc chiến lược của mảng năng lượng tại Carlyle, cho biết: “Thị trường dầu mỏ đang ghi nhận những vị thế bán khống lớn, ngay cả trên thị trường cổ phiếu cũng vậy. Các nhà đầu tư đang lo ngại về tình trạng dư cung dầu vào năm tới.”
Curie nói thêm rằng, tình hình thực tế lại hoàn toàn khác. Ông chỉ ra, lượng hàng tồn kho thấp, nhu cầu chỉ ở mức trung bình, các gói kích thích của Trung Quốc đang được công bố và OPEC sẽ cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất năng lượng có thể bị phá huỷ do xung đột ở Trung Đông do đó triển vọng ngắn hạn là giá dầu có thể tăng. Tuy nhiên, điều gây áp lực là lo ngại về tình trạng dư cung dầu lớn. Và thị trường đang ở trạng thái “backwardation”, tức là khi giá hợp đồng tương lai xa thấp hơn giá hợp đồng tương lai gần.
Amrita Sen, nhà sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects, đồng tình với quan điểm của Currie. Ông cho biết thị trường dầu mỏ đang chức kiến mức bán khống kỷ lục.
Sen giải thích, nhiều trader dầu mỏ dường như sử dụng vị thế giá xuống vì cho rằng đợt kích thích kinh tế của Trung Quốc khó có thể hồi phục tâm lý ở nước này. Hơn nữa, các chuyên gia thị trường cũng dự đoán OPEC và các đồng minh sẽ tăng sản lượng dầu vào cuối năm nay.
Biến động mạnh nhất của thị trường dầu trong tuần qua diễn ra vào hôm 3/10, tăng hơn 5%. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra bình luận về việc Israel có thể trả đũa Iran sau cuộc tấn công hồi đầu tuần.
Theo Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi gới dầu mỏ PVM, thị trường đang tập trung vào chi phí phần bù rủi ro (risk premium) do lo ngại về các vấn đề địa chính trị.
Ông nói rằng, đây là lý do tại sao giá dầu không tăng mạnh, cổ phiếu giảm và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, những lo ngại này sẽ giảm bớt trong những ngày tới, trừ khi nguồn cung từ dầu từ khu vực hoặc lưu lượng qua Eo biển Hormuz bị ảnh hưởng nhiều.
Tham khảo CNBC