Cấm xuất cảnh cá nhân nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng?

Vẫn còn cảm tính, chưa rõ theo căn cứ nào

So với đề xuất của Bộ Tài chính đầu tháng 12, mức cá nhân nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lần này đã tăng thêm 40 triệu đồng so với dự thảo hồi đầu tháng; thời gian nợ quá hạn nâng từ 90 ngày lên 120 ngày qua tiếp thu các ý kiến đóng góp. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định đây là mức quy định tương đương với nhiều nước, phù hợp quốc tế và là biện pháp hữu hiệu trong quản lý thuế. 

Cũng theo dự thảo nghị định của Bộ Tài chính, biện pháp cấm xuất cảnh sẽ được áp dụng ngay với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký. Việc này nhằm thu hồi được nợ thuế vào ngân sách. Thông báo tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế gửi đến người nộp thuế bằng phương thức điện tử; nếu không gửi được, sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành thuế. Sau 30 ngày, nếu người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, nhà chức trách sẽ gửi văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện.

Việc đề xuất áp dụng hoãn xuất cảnh với ngưỡng nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng được cho là còn cảm tính

Theo Bộ Tài chính, toàn quốc còn khoảng 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng. Nếu áp dụng quy định này, cơ hội để ngành thuế thu hồi nợ thuế quá hạn từ 81.000 cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế là rất lớn.

Ngành thuế lý lẽ thế, nhưng chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng quy định ngưỡng nợ tiền thuế để buộc tạm hoãn xuất cảnh cá nhân người nộp thuế qua mấy lần sửa đổi vẫn rất nặng cảm tính, chưa rõ theo căn cứ nào nên chưa thuyết phục bởi thiếu yếu tố khoa học, hợp lý và chưa lý giải được tại sao phải là 50 triệu đồng. Ông Thịnh nói thẳng: “Quy định nợ thuế quá hạn 10 triệu hay 50 triệu, hay 100 triệu đồng để buộc cấm xuất cảnh được áp dụng khá cảm tính, không phù hợp khi xét về tính tôn nghiêm, tính khoa học, tính phù hợp của luật pháp”.

Chi tiết hơn, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Luật Thuế là một trong những luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với cá nhân, doanh nghiệp (DN). Nếu đã có kinh doanh, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách nhà nước. Nếu DN nộp thiếu, không chịu đóng thuế… đã là vi phạm pháp luật. Đứng trên góc độ đó thì việc nợ thuế quá hạn bao nhiêu đồng cũng đã vi phạm. Nên việc áp dụng chính sách hoãn xuất cảnh trong thực tế là đánh vào ý thức chấp hành, sự thượng tôn pháp luật của cá nhân, người đại diện đóng thuế cho DN. Với nguyên tắc đó, hoàn toàn không cần có ngưỡng”. 

Từ góc nhìn đó, ông Thịnh lập luận, hiện đặt ra ngưỡng nợ thuế 50 triệu đồng sẽ bị hoãn xuất cảnh. Vậy 2 – 3 năm sau, đồng tiền trượt giá, chính sách thuế thay đổi, hay vì lý do bất khả kháng nào đó, liệu mức nợ thuế này có được áp dụng nữa không, hay lại phải thay đổi? Nếu sẽ thay đổi, vậy đưa vào quy định nghị định hướng dẫn thực hiện luật làm gì? Vì vậy, không cần luật hóa một con số nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh như vậy.

Cũng cho rằng đưa một con số vào quy định pháp luật để áp dụng cho DN còn nặng tính cảm tính, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư – CIEM), cho rằng nghiên cứu về ngưỡng nợ thuế để áp dụng cho việc hoãn xuất cảnh một cá nhân đại diện pháp luật DN là không đầy đủ và khó thuyết phục. Mức 10 triệu đồng theo dự thảo cách đây 3 tuần và nay tăng lên 50 triệu đồng cũng chưa thuyết phục. Luật pháp đưa ra những quy định được làm và không được làm. Cá nhân hay DN vi phạm pháp luật sẽ chịu sự cưỡng chế của luật pháp.

“Thế nên ngay từ đầu, tôi vẫn thấy việc đưa ra một ngưỡng nợ thuế bao nhiêu sẽ bị hoãn xuất cảnh là điều không nên và thực tế không ai làm như vậy cả. Các nước chỉ hạn chế đi lại của những người nợ thuế số tiền lớn và thời gian dài, không đưa ra mức bao nhiêu. Ngành tài chính cũng đưa ra con số 81.000 cá nhân, hộ kinh doanh nợ thuế quá 50 triệu đồng. Nếu đưa quy định để quyết tâm thu được tiền nợ thuế từ 81.000 cá nhân, hộ kinh doanh này thì có phải là việc “đếm cua trong lỗ” không. Cũng cần nhắc lại là con số công dân bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế của DN không thể nào là thành tích của ngành được. Và công tác truy thu nợ tồn đọng thuế không chỉ là trách nhiệm của người dân, hộ kinh doanh…”, TS Nguyễn Minh Thảo nói.

Căn cứ theo loại hình DN, thu nhập bình quân…

Từ góc nhìn đó, TS Nguyễn Minh Thảo gợi ý, ngành thuế, cụ thể là Bộ Tài chính nên xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để có thể áp dụng, chế tài đối với các trường hợp chây ì, nợ thuế số tiền lớn, kéo dài và thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm và nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước. Trong đó, bộ tiêu chí phải thể hiện rõ nợ bao nhiêu lần, đánh giá được mức độ chây ì của cá nhân, hộ gia đình. Các biện pháp được áp dụng trước khi truy thu thuế như thế nào, phản hồi từ phía DN ra sao…

“Ngoài ra, nếu vẫn muốn áp một ngưỡng nợ bao nhiêu sẽ tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan quản lý cần có hệ thống tính toán khoa học, phù hợp cho mỗi nhóm DN, hộ kinh doanh, nhóm ngành hàng sản xuất kinh doanh… Cho đến bây giờ, cơ quan soạn dự thảo nghị định vẫn chưa có đánh giá khả thi, mới chỉ theo góp ý của truyền thông và các ý kiến chuyên gia. Góp ý là một việc, cơ quan soạn thảo phải đánh giá khoa học các góp ý đó để đưa vào luật, chứ không phải góp ý đưa ra là cần có ngưỡng nợ bao nhiêu lại áp ngưỡng. Nay các ý kiến bảo ngưỡng 10 triệu đồng thấp quá, lại nâng lên… Luật pháp dựa trên các đánh giá, phân tích, dữ liệu… một cách khoa học chứ không thể đi theo dư luận được”, TS Nguyễn Minh Thảo nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu vẫn muốn áp dụng ngưỡng nợ thuế bao nhiêu để tạm hoãn xuất cảnh, có thể dựa trên thu nhập bình quân của cá nhân, hộ gia đình đó. Chẳng hạn, nợ thuế quá hạn với mức nợ bằng 1 hay 2 năm thu nhập của cá nhân người nộp thuế đó, sau khi ngành thuế đã áp dụng nghiêm túc các biện pháp truy thu không thành công, DN và cá nhân đại diện có dấu hiệu chây ì, coi thường pháp luật, cơ quan thuế có thể gửi thông báo hạn chế đi lại của cá nhân. “Con số đưa ra để ban hành lệnh tạm hoãn xuất cảnh một cá nhân cần cẩn trọng, phải được căn cứ trên các yếu tố khoa học. Như vậy, tính theo mức thu nhập bình quân thì mỗi người sẽ có mức thu nhập khác nhau. Làm luật nên dựa trên cơ sở khoa học, không nên cảm tính để tùy tiện áp dụng, khó cho việc thực thi”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh. 

Bộ Tài chính đưa ra mức nợ thuế cho mọi cá nhân, hộ kinh doanh bằng hình thức “cào bằng” là không phù hợp. Cơ quan thuế cũng còn nhiều biện pháp khác để thu thuế như phong tỏa tài khoản của người dân, hộ kinh doanh, DN… Vì thế, tạm hoãn xuất cảnh chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng, chỉ nên áp dụng với các cá nhân và người đại diện DN khi họ có ý định xuất cảnh ra nước ngoài và định cư nhằm trốn tránh vĩnh viễn. Không nên áp dụng mức nợ thuế nhỏ như đề xuất của Bộ Tài chính, nhất là khi VN có gần 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ và hơn 90% là DN nhỏ và vừa; mà có thể áp dụng nhiều mức khác nhau với nhiều loại hình DN khác nhau, như thế sẽ thuyết phục hơn.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật S&B Law


Nguồn

Next Post

Một quy định trở thành ‘bức tường vô hình’, tự đẩy quốc gia từng đông dân nhất vào vòng xoáy ‘thiếu thốn’ bất tận, kéo tụt đà tăng trưởng thần tốc

Thu Dec 26 , 2024
Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm cách để cải thiện tỷ lệ sinh, Bắc Kinh cho rằng có một nhóm người dân luôn muốn có nhiều con, đó là các cặp vợ chồng sống ở nông thôn. Tuy nhiên, họ đã sai. Nghiên cứu cho thấy, những người […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU