Doanh nghiệp trở lại đường đua
Một tháng trở lại đây, không khí nhộn nhịp đã xuất hiện trở lại trên thị trường bất động sản phía Nam. Sau thời gian điều chỉnh chiến lược, tái cơ cấu sản phẩm, thăm dò nhu cầu khách hàng, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tự tin công bố các chương trình bán hàng với nhiều kỳ vọng.
Chẳng hạn, tại Tp.HCM phải kể đến một số dự án mới đang rục rịch ra thị trường như dự án Elysian (Tp.Thủ Đức) của Gamuda Land với 1.400 căn hộ; dự án 8X An Sương của Hưng Thịnh với 800 căn hộ. Phú Long cũng khởi động giai đoạn 2 dự án căn hộ Essensia Sky nằm trong khu đô thị Dragon City 65ha.
Hay, mới đây, Nam Long Group khai trương nhà mẫu dự án Park Village nằm trong khu đô thị Waterpoint quy mô 355ha. Lượng khách tìm hiểu dự án khá tốt. Doanh nghiệp này cũng đồng thời ra thị trường các sản phẩm căn hộ đáp ứng nhu cầu ở thực tại khu đô thị Mizuki Park (Bình Chánh) và Akari City (Q.Bình Tân). Đây cũng là định hướng phát triển lâu dài của đơn vị này.
Tại Bình Dương, thị trường ghi nhận sự trở lại đường đua của các doanh nghiệp như Phú Đông Group, Bcons, Kim Oanh, Becamex, Vsip…Trong đó, Phú Đông rục rịch dự án Phú Đông SkyOne với mức giá từ 1.5 tỉ đồng/căn; Vsip kí hợp tác phát triển khu công nghiệp với 9 tỉnh thành Việt Nam…; hệ thống 5F giới thiệu khu compound 5F Apollo tại Bến Cát, Bình Dương…
Tại Đồng Nai, Thang Long Real Group cũng chuẩn bị giới thiệu giai đoạn 2 căn hộ Fiato City thuộc KĐT Thăng Long Home – Hiệp Phước ra thị trường…Đây là dòng sản phẩm căn hộ hiếm hoi xuất hiện tại khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Có thể thấy điểm chung trên thị trường bất động sản đầu năm 2023 là các doanh nghiệp đã có động thái mạnh dạn dù thị trường chưa hồi phục. Riêng các doanh nghiệp có sẵn quỹ đất lớn vẫn âm thầm đưa các giai đoạn tiếp theo ra thị trường và ghi nhận có giao dịch ngay trong bối cảnh khó khăn. Động thái từ thăm dò thị trường đến lúc “xuống tiền” của người mua cũng đã ghi nhận rõ nét hơn ở giai đoạn này.
Dòng tiền đang tích cực trở lại thị trường?
Chu kỳ 10 năm khủng hoảng và phục hồi của thị trường bất động sản tiếp tục được nhắc đến khi thị trường có những phản hồi với sự hỗ trợ về chính sách lẫn dòng tiền.
Thời gian gần đây, lãi suất, tín dụng và chính sách điều hành đang có những chuyển động tích cực được xem là ba chỉ dấu cơ bản để nhận biết về khả năng đảo chiều của thị trường bất động sản.
Hiện nay, Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh lãi suất, thị trường bất động sản được dự báo sẽ cân bằng và xuất hiện tín hiệu đảo chiều vào quý đầu năm 2024. Tuy nhiên, cần một độ trễ nhất định về thời gian để đánh giá tác động của chính sách.
Riêng về chính sách với thị trường bất động sản, các tháng đầu năm 2023, thị trường đã đón nhận những thông tin tích cực như việc ban hành hai Nghị định 65 và 08 quy định về chào bán, giao dịch và gia hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tiếp đó là Nghị định 33 về tái diễn nợ gốc, lãi vay và cơ cấu lại nhóm nợ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng có quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án và doanh nghiệp bất động sản.
Tại Nghị quyết 33 mới đây, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro của các loại hình bất động sản để có được mức lãi suất cho vay phù hợp với thị trường, tránh việc kiểm soát dòng vốn quá mức. Ngoài ra, nghị quyết nêu rõ mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh việc xử lý, tháo gỡ về pháp lý liên quan đến các dự án bất động sản để hỗ trợ và tạo ra nguồn cung trên thị trường. Nếu các thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ dự án được được thông qua, sẽ cải thiện nguồn cung trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua.
Hiện nay Luật Đất đai cũng đang lấy ý kiến sửa đổi. Dự kiến từ quý 3/2024, nhiều bộ luật mới được bổ sung, các khó khăn có nhiều hy vọng được tháo gỡ dứt điểm, từ đó sẽ dần xuất hiện các hiệu ứng tích cực lên thị trường bất động sản.
Cùng với đó, lần đầu tiên trong hai năm qua, Ngân hàng nhà nước quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành.
So với đầu năm, lãi suất cho vay hiện đã giảm 1-2%, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tác động của việc giảm lãi suất sẽ phân hóa giữa các chủ đầu tư, dự án khác nhau, giá trị bất động sản khác nhau.
Việc lãi suất giảm sẽ khiến áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư giảm bớt. Từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản. Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới, thúc đẩy nguồn cung mới cho thị trường. Tiếp đó, nhu cầu mua bất động sản của khách hàng khởi sắc hơn. Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua bất động sản. Khi lãi suất vay vốn giảm, sẽ thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản của khách hàng.
Như vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, kỳ vọng tình trạng trên sẽ được cải thiện với tâm lý trên thị trường bất động sản sẽ tích cực hơn.
Không chỉ tín dụng, dòng tiền từ kênh trái phiếu cũng bắt đầu trở lại với bất động sản sau một thời gian đứng yên. Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu vào thị trường cũng phần nào được khôi phục.