Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn số 1940 gửi Thủ tướng Chính phủ; Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc gia hạn việc khai thác các mỏ đất đắp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là đối tượng được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 60/NQCP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu để khai thác cung cấp cho dự án.
Tại các Nghị quyết này, Chính phủ đã cho phép nhà thầu được khai thác cho đến khi “đủ khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án.
Triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện cấp phép khai thác 06 mỏ đất cho các nhà thầu thi công với thời hạn khai thác đến ngày 10/12/2022 theo tiến độ ban đầu của các hợp đồng xây lắp đã ký.
Cụ thể, mỏ Bình An được cấp cho Gói thầu XL02; Hòn Lúp (cho Gói thầu XL03); mỏ Sông Khiêng, mỏ đất thôn Phú Thái xã Hàm Trí, mỏ đất Lâm Giang xã Hàm Trí, mỏ thôn 2 xã Hàm Cần (cho Gói thầu XL04).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, do các nguyên nhân khách quan như dịch bệnh Covid năm 2021, điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu đến ngày 30/4/2023 và cần phải gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất.
Do các nhà thầu thi công không phải là đơn vị chuyên nghiệp thực hiện công tác khai thác khoáng sản, chưa am hiểu chi tiết về trình tự thủ tục gia hạn và chưa lường trước các yếu tố khách quan, bất thường về thời tiết nên hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép nộp chậm hơn so với thời gian quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ (nhà thầu thầu phải nộp đủ hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ khi Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực ít nhất là 45 ngày), dẫn đến UBND tỉnh Bình Thuận chưa thực hiện gia hạn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đất đắp còn lại của dự án khoảng 920.000 m3, do chưa được gia hạn nên từ ngày 10/12/2022 đến nay (khoảng 80 ngày) các nhà thầu không có vật liệu đất để thi công, máy móc, thiết bị, nhận lực đã huy động phải chờ đợi, gây lãng phí.
Với khối lượng còn lại, nếu từ đầu tháng 3/2023 có đất đắp và nhà thầu triển khai thi công 3 ca 4 kíp thì dự án mới có thể hoàn thành vào ngày 30/4/2023, trong khi thủ tục gia hạn mỏ mất thời gian ít nhất khoảng gần 1 tháng. Để tránh lãng phí, thiệt hại cho nhà thầu, đồng thời có vật liệu đất để thi công hoàn thành các gói thầu trước ngày 30/4/2023, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023 một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn.
Theo đó, cho phép UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện thủ tục gia hạn 6 Giấy phép khai thác mỏ đất đắp được áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 60/NQCP để phục vụ thi công cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết cho đến khi hoàn thành Dự án mà không xét thời điểm nộp hồ sơ xin gia hạn.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà thầu trong thời gian thực hiện các thủ tục gia hạn được phép khai thác các mỏ đất để phục vụ thi công Dự án.
Đồng thời giao UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực khẩn trương thực hiện việc gia hạn Giấy phép khai thác các mỏ đất đắp; giao chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo việc khai thác các mỏ đất chỉ để cung cấp, phục vụ thi công cho Dự án, đồng thời làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về thời gian gia hạn để đảm bảo không gián đoạn việc khai thác vật liệu đất đắp trong quá trình thi công các gói thầu.