Biến lá dâu tây thành phân bón hữu cơ

Biến lá dâu tây thành phân bón hữu cơ là mô hình mà Hội Nông dân TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đang triển khai và nhân rộng tại các vùng chuyên canh dâu tây.

Lá dâu tây được thu gom để ủ thành phân bón hữu cơ

TP.Đà Lạt là vùng canh tác dâu tây nổi tiếng, sản phẩm dâu tây cung cấp cho thị trường cả nước, dâu tây còn là đặc sản được du khách ưa thích mỗi khi đến Đà Lạt. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, để cây dâu tây cho trái, hằng tháng chủ các vườn dâu phải thuê người tỉa lá để dồn sức cho cây ra hoa và trái.

Nhiều năm qua, lá dâu được vứt bỏ một góc trong nhà kính hoặc bên bờ ruộng gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguồn bệnh cây trồng. Do đó, Hội Nông dân TP.Đà Lạt triển khai mô hình ủ lá dây tây với chế phẩm vi sinh và mật rỉ đường để biến thành phân hữu cơ.

Ông Nguyễn Đức Công, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Đà Lạt cho biết, mô hình đầu tiên được triển khai tại khu vực sản xuất dâu tây tập trung ở P.9 (Đà Lạt), với tổng diện tích 3.000 m2. Theo đó, sau khi tỉa lá dâu tây, nông dân gom lại tại 1 địa điểm và được các chuyên gia hướng dẫn ủ thành phân.

Biến lá dâu tây thành phân bón hữu cơ- Ảnh 2.

Thu gom phế phẩm nông nghiệp để ủ thành phân hữu cơ

Lá dâu được xếp thành từng lớp từ 25-30cm, sau đó tưới dung dịch chế phẩm sinh học và mật rỉ đường; tỉ lệ 250g chế phẩm sinh học cùng 0,5 lít rỉ mật và 25 lít nước. Sau khoảng 75 ngày lá dâu tây sẽ hoai mục trở thành phân hữu cơ để sử dụng tại chỗ cho vườn dâu.

Cũng theo ông Công, từ tháng 4 đến tháng 7.2024, Hội Nông dân TP.Đà Lạt đồng thời triển khai mô hình ủ gốc, thân, lá, hoa cúc sau khi thu hoạch thành phân hữu cơ tại P.8 (Đà Lạt). Ước tích, thời vụ khoảng 3 tháng, khối lượng phụ phẩm trên diện tích 2.000 m2 hoa cúc thu gom được khoảng 3m3 phủ bạt, ủ với chế phẩm sinh học và mật rỉ đường, sau 90 ngày ủ thành phân hữu cơ.

Còn tại khu vực An Sơn, P.4, Hội Nông dân TP.Đà Lạt triển khai thu gom phế phẩm các loại rau trên diện tích 3.000 m2 để ủ và xử lý thành phân hữu cơ phục vụ tái sản xuất đạt kết quả cao.

Biến lá dâu tây thành phân bón hữu cơ- Ảnh 3.

Hội Nông dân TP.Đà Lạt triển khai nhiều mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp

Ông Công cho biết thêm, mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp mà Hội Nông dân TP.Đà Lạt đang thực hiện dựa theo tài liệu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai “Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế. Việc thu gom, xử lý rác rau, hoa, dâu tây làm phân bón hữu cơ sinh học đem lại lợi ích kép, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường”, ông Công chia sẻ.

Trong 4 tháng qua, Hội Nông dân TP.Đà Lạt đã hướng dẫn 73 nông hộ thực hiện ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, mỗi nông hộ thu gom phụ phẩm cây trồng trên diện tích từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 để ủ thành phân hữu cơ. Từ nay đến cuối năm 2024, Hội tiếp tục hướng dẫn cho hơn 60 nông hộ được chọn tiếp tục xây dựng mô hình biến phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ.


Nguồn

Next Post

VietABank hợp tác Epay về định danh khách hàng và thu thập sinh trắc học

Wed Jul 24 , 2024
Sự kiện quan trọng này không chỉ đánh dấu bước phát triển đột phá của VietABank trong hành trình số hóa mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược và cam kết của ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng dịch vụ […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU