Ngày 28.8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết: Đội QLTT số 8 vừa tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại kho hàng trên đường Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM. Qua kiểm tra, QLTT phát hiện gần 4.600 kg vải Canvas có giá niêm yết 12.000 đồng/kg nhưng không hóa đơn chứng từ, không ghi nhãn hàng hóa, không có tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa, trên sản phẩm có niêm yết giá, chưa qua sử dụng với tổng giá trị gần 55 triệu đồng.
Qua xác minh, toàn bộ hàng hóa là vải canvas nêu trên được chủ kinh doanh thu gom, mua trôi nổi trên thị trường trong nước, từ nhiều nguồn khác nhau về để kinh doanh nên không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Hành vi vi phạm hành chính đã được Cục QLTT TP.HCM ban hành quyết định xử phạt theo quy định.
Theo lãnh đạo Cục QLTT, hàng hóa không có hóa đơn xuất xứ thường được bán với giá rẻ hơn do không phải chịu thuế và các chi phí hợp pháp khác, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Việc không nộp thuế từ hoạt động buôn bán này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, làm giảm nguồn lực dành cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trước đó, Đội QLTT số 14 cũng đã theo dõi, thu thập thông tin trên môi trường mạng, phát hiện tài khoản Facebook cá nhân mang tên “Vape Tân Phú” có hơn 1.700 người theo dõi đang kinh doanh sản phẩm hàng hóa máy hút tinh dầu (máy thuốc lá điện tử) và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử. Truy tìm trên Google Map, 2 tổ công tác đã phát hiện và kiểm tra 2 hộ kinh doanh thuốc lá điện tử trên mạng xã hội tại P.Tân Sơn Nhì và P.Tân Quý, Q.Tân Phú (TP.HCM). Đội QLTT đã tạm giữ gần 200 đơn vị sản phẩm các loại là máy hút tinh dầu và tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để xuất trình chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu chứng minh chất lượng hàng hóa, trị giá gần 30 triệu đồng.
Lực lượng QLTT nhận định, việc mua bán, trao đổi, giới thiệu sản phẩm về thuốc lá điện tử thường diễn ra chủ yếu trên các mạng xã hội, các ứng dụng internet và một số trang thương mại điện tử nên việc phát hiện vi phạm có nhiều khó khăn, mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… là những loại thuốc lá mới chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nhất là trẻ em, tạo sự quan ngại về một thế hệ tương lai với các gánh nặng về bệnh tật cũng như tệ nạn xã hội. Do đó, QLTT sẽ tiếp tục theo dõi địa bàn trên môi trường mạng để tăng cường kiểm tra mặt hàng này.