Nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xem là xuất hiện cùng lúc với thời điểm đạo Phật du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu công nguyên và tính đến nay đã hơn 2000 năm. Từ khi đến Việt Nam, Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, đã hòa quyện và gắn bó, thăng trầm cùng dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc Việt. Việt Nam nằm ở ngã ba giao lưu giữa ba nền văn minh lớn là Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây theo dòng lịch sử. Chính vì chịu ảnh hưởng của các môn phái trong Phật giáo, chịu ảnh hưởng vùng miền, chịu ảnh hưởng bởi sự giao lưu giữa ba nền văn minh lớn kể trên nên kiến trúc chùa Việt Nam theo quá trình phát triển, hình thái kiến trúc có sự chuyển biến theo thời gian và không gian.
Kiến trúc Chùa Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong kiến trúc tôn giáo cũng như kiến trúc truyền thống Việt Nam nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung. Việc nghiên cứu về chuyển biến hình thái kiến trúc chùa Việt Nam giúp làm rõ quá trình phát triển của kiến trúc chùa Việt Nam dưới tác động của lịch sử, văn hóa và giúp cho mọi người hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của kiến trúc chùa Việt Nam, nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát triển loại hình kiến trúc này. Nghiên cứu này có ý nghĩa đối với Phật giáo Việt Nam, kiến trúc Phật giáo Việt Nam và góp phần làm rõ nét bản sắc kiến trúc Việt Nam.
Những thay đổi của lịch sử và kiến trúc chùa
Tóm lược về sự phát triển kiến trúc chùa Việt Nam theo thời gian
Trong giai đoạn đầu tiên trong lịch sử kiến trúc chùa Việt, (từ đầu công Nguyên đến thế kỷ 10), những ngôi chùa đầu tiên xuất hiện dưới dạng am miếu thờ Phật. Về sau, do Phật giáo phát triển, tượng Phật được đưa vào thờ, nên cần không gian lớn hơn, rộng hơn…và ngôi chùa được xây dựng thay cho am miếu đó. Phật giáo dung hợp với tín ngưỡng dân gian và phát triển mạnh trong quần chúng, chùa xuất hiện ở xóm làng. Chùa Dâu là trung tâm Phật giáo sớm nhất Giao châu ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Vào thế kỷ 5-6, trong xã hội Việt, đạo Phật đã phát triển khá mạnh, có nhiều kiến trúc Phật giáo, “…Giao châu có tới 12 ngôi bảo sát”. Kiến trúc chùa giai đoạn này đã xuất hiện và định hình trong kiến trúc điện thờ chính. Điện thờ ở dưới dạng đền núi, hoặc là tháp thờ Phật hoặc là ngôi nhà thờ trong làng xóm. Chùa sử dụng bố cục trung tâm, với trung tâm chính là công trình điện thờ hoặc tháp thờ Phật. Thời gian này, chùa có hai dạng chính: (1) chùa là một kiến trúc điện thờ đơn lẻ và (2) chùa có dạng hình chữ khẩu, ở giữa sân trong là bảo tháp, điện thờ Phật ở phía sau bảo tháp (chùa Dâu) [1].
Thời Lý (1010-1225), đất nước độc lập và thống nhất, những tư tưởng tích cực của đạo Phật như từ bi, vô ngã đã có được một chỗ đứng vững chắc. Thế kỷ 11, Phật giáo trở thành quốc giáo, nhà sư Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông chọn làm quốc sư và đã lập ra thiền phái thứ ba tại Việt Nam. Các chùa tiêu biểu trong giai đoạn này gồm: chùa Diên Hựu, chùa Phật Tích: nay chỉ còn lại một số di vật, đã được xây dựng lại. Kiến trúc chùa trong giai đoạn này đã được hoàn thiện hơn với bố cục cân xứng, hài hòa với môi trường xung quanh, đưa kiến trúc và cảnh quan thành một thể thống nhất. Các công trình kiến trúc thời này đều có hướng quay về hướng Nam, hướng phù hợp với khí hậu bản địa. Các loại chùa thời Lý gồm có: chùa có quy mô lớn kiêm hành cung để vua nghỉ ngơi khi du ngoạn; chùa có quy mô lớn, phát triển theo chiều sâu theo trục thần đạo và nâng cao dần, khu điện thờ nằm trên trục trung tâm; chùa nhỏ nằm trong thôn xóm, chỉ là cái am cho nhà sư tu dưỡng, và sau đó được mở mang trong khuôn khổ nhỏ [2].
Thời Trần (1225-1413), Phật giáo có những trường phái riêng của Việt Nam với những giáo lý thực tế trên nền tảng căn bản của tôn giáo từ bi, bác ái và vị tha. Phật giáo cũng được truyền bá nhưng ảnh hưởng không sâu rộng bằng thời Lý. Ðạo Nho bắt đầu có ưu thế rõ rệt do nhu cầu của việc trị nước của chính quyền, nhưng Phật giáo vẫn lớn mạnh và là chỗ dựa cho cuộc sống tinh thần của quảng đại quần chúng. Nhà Trần trải qua ba cuộc chiến chống Nguyên Mông, tuy đạt được thắng lợi nhưng các công trình văn hóa của nước nhà đã bị tổn hại rất nhiều dưới sự dày xéo của quân giặc. Các chùa tiêu biểu trong giai đoạn này gồm: chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Vĩnh Khánh và tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc). Tháp Phổ Minh là ngôi tháp bằng đá và gạch xây dựng năm 1305. Tháp Bình Sơn là ngôi tháp cổ sử dụng chất liệu đất nung có giá trị rất cao về mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo. Kỹ thuật xây dựng thời Trần phát triển rực rỡ do tiếp thu được tinh hoa của nền nghệ thuật thời Lý và được hun đúc trong quá trình lao động của ông cha. Chất liệu mỹ thuật thời Trần để lại phong phú hơn thời Lý, do đó kỹ thuật cũng có những riêng biệt ở một cấp độ cao hơn thời Lý. Đối với các nhà khung gỗ hiện còn như vì kèo thuần gỗ (gỗ mít, gỗ lim), như thượng điện chùa Thái Lạc, Bối Khê, Dâu đã giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát hơn về kiến trúc khung gỗ sớm nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Kiến trúc chùa dưới thời Trần tiếp tục kế thừa những giá trị kiến trúc dưới thời Lý và tiếp tục hoàn thiện: Về hệ kết cấu khung gỗ trong công trình với các bộ phận chủ yếu là cột cái, cột quân, xà, con chồng và đấu kê được liên kết bằng mộng chốt tháo lắp dễ dàng; kiến trúc bảo tháp không còn chức năng thờ phật nữa mà trở thành kiến trúc mang tính chất kỷ niệm; và hình thức trang trí thì có phần đơn giản, khỏe khoắn hơn [3].
Thời Lê Sơ (1428-1527), hệ tư tưởng thống trị của triều đình là Nho giáo, Phật giáo cùng các tôn giáo khác lâm vào cảnh tưởng chừng như suy tàn. Thời gian này thể loại kiến trúc được xây dựng phổ biến là kiến trúc cung đình, đình làng, còn kiến trúc Phật giáo hầu như không phát triển. Chùa chiền trong thời kỳ không được xây dựng mới nhiều nhưng vẫn được trùng tu tôn tạo [4].
Thời Mạc (1527-1592), Nho giáo không còn giữ vị trí độc tôn nữa, nhà Mạc tuy vẫn lấy hệ tư tưởng Nho giáo làm chính thống nhưng không hạn chế những tư tưởng phi Nho khác. Kiến trúc Phật giáo bắt đầu có những dấu hiệu hồi sinh sau trăm năm bị hạn chế dưới nhà nước Lê Sơ. Các ngôi chùa khởi dựng trong thời kỳ này hầu hết là những ngôi chùa được dựng nên ở các làng xóm nông thôn, ít có công trình lớn do nhà nước đứng ra xây dựng. Kiến trúc chùa thời kỳ này có có một số đặc điểm nổi bật sau: Nguyên tắc xây dựng chùa tháp từ thời Mạc về sau luôn theo quy tắc khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài, tạo ra một không gian tôn giáo thiêng liêng nhưng vào trong khuôn viên chùa, thì các kiến trúc đều được làm theo dạng mở, kiến trúc chuyển tiếp nhau dần dần, ngôi thượng điện có dạng chữ Đinh, chữ Công, phía ngoài chữ Khẩu tạo nên hình chữ Quốc; tháp thời kỳ này thì nhỏ lẻ, chủ yếu là tháp mộ [4].
Thế kỷ 17 – 18 nội chiến liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Hệ tư tưởng Nho giáo bị lung lay, kỉ cương xã hội lỏng lẻo. Giới cầm quyền và nhân dân đau khổ đều tìm chỗ dựa tinh thần ở Phật giáo. Cuối thế kỷ 18 tuy tình hình xã hội tiếp tục bất ổn, nhưng sau sự thắng thế của phong trào nông dân Tây Sơn, triều đại Tây Sơn được thành lập, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển, không bị cản trở. Sự dung hòa sâu hơn giữa Phật giáo và Nho giáo đã khích lệ dân chúng tham gia dựng lại chùa, đặc biệt là hai ngôi chùa Kim Liên, tức Đại Bi tự (Hà Nội), và chùa Tây Phương, tức Sùng Phúc tự (Hà Nội). Trong khi đó, ở đàng Trong, các ngôi chùa ở thời kỳ này có thể kể đến như chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế), chùa Báo Quốc (Thừa Thiên Huế), chùa Tam Thai (Đà Nẵng), chùa Thập Tháp A Di Đà (Bình Định). Đặc điểm nổi bật của kiến trúc chùa giai đoạn này là sự dung hòa giữa hai hệ tư tưởng Nho giáo và Phật giáo; hình thành thành phong cách kiến trúc chùa Huế lan tỏa ra các vùng Thuận Hóa – Quảng Nam, hệ thống tượng thờ được hoàn thiện. Chùa Tây Phương được xem là có hệ thống tượng Phật giáo bằng gỗ đầy đủ và đẹp nhất trong các chùa Việt Nam [5].
Sang thế kỷ 19, sau khi thống nhất được Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhà Nguyễn có lúc hạn chế Phật giáo nhưng có lúc lại ủng hộ, vì thế chùa, tháp vẫn được xây dựng, nhiều nhất là tại kinh đô Huế và các tỉnh phía Nam. Trước sự thâm nhập ngày càng lan rộng của các trào lưu văn hóa phương Tây, trong đó có đạo Thiên Chúa, Phật giáo phải canh tân để tồn tại. Những thập niên giữa thế kỷ 20, nhiều biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sự tiếp nhận nhanh chóng những quan điểm kiến trúc – kĩ thuật xây dựng hiện đại phương Tây đã tác động trực tiếp đến chùa, thúc đẩy sự phát triển của kiến trúc chùa Việt Nam. Đặc điểm kiến trúc chùa thời gian này có những điểm nổi bật sau: Kiến trúc chùa lầu, chùa phố với phong cách kiến trúc hiện đại xuất hiện nhằm thích ứng với môi trường đô thị công nghiệp phát triển [5]. Các công trình tiêu biểu trong thời gian này là chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang, 1849), chùa Giác Viên (Hồ Chí Minh, 1850) chùa Vĩnh Nghiêm (Hồ Chí Minh, 1964).
Mối liên hệ giữa Kiến trúc chùa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam
Phật giáo nhập vào Việt Nam vào những năm đầu công nguyên. Đến thời nhà Đinh – Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến cuối thế kỷ 18, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của phong trào chấn hưng Phật giáo của các nước, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu. Lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn: (1) từ đầu Công Nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ thứ 10) là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp; (2) đến thời nhà Đinh – Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần (thế kỷ 10 đến thế kỷ 15), Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống; (3) từ đời nhà Lê Sơ ( thế kỷ 15) đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái; (4) từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn chấn hưng [6], nhưng vẫn chưa phải là quốc giáo ở Việt Nam.
Dựa vào các dấu mốc lịch sử, quá trình phát triển kiến trúc chùa Việt Nam theo thời gian mà tác giả đã tổng hợp ở trên, tham khảo sự phân chia của các giai đoạn phát triển của kiến trúc chùa Việt Nam trong các tài liệu khoa học [5], tác giả đề xuất lịch sử kiến trúc chùa Việt Nam trải qua ba giai đoạn: (1) từ đầu Công Nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc (thế kỷ thứ 10) là giai đoạn Kiến trúc chùa Việt xuất hiện và định hình; (2) từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19: kiến trúc chùa Việt phát triển và hoàn thiện. Trong giai đoạn này, kiến trúc chùa Việt được chia làm 2 giai đoạn nhỏ gồm: kiến trúc chùa Việt phát triển mạnh dòng chính thống (thế kỷ 10 đến thế kỷ 15); kiến trúc chùa Việt phát triển dòng kiến trúc dân gian và chính thống (thế kỷ 15 đến thế kỷ 19); (3) kiến trúc chùa Việt giao lưu văn hóa, kỹ thuật, trào lưu kiến trúc phương Tây (thế kỷ thứ 19 đến thế kỷ 20) (xem Hình 1).
Qua biểu đồ có thể thấy, quá trình phát triển của kiến trúc chùa Việt Nam có liên quan chặt chẽ với quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong xã hội. Riêng giai đoạn từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19, mặc dù Phật giáo ở trong thời kỳ suy thoái nhưng kiến trúc chùa Việt vẫn có sự phát triển nhất định, có thể lý giải rõ hơn như sau. Dưới đời nhà Lê Sơ (thế kỷ 15) thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái, kiến trúc chùa Việt bị chựng lại nhưng đến thời kỳ nhà Mạc (thế kỷ 16) thì được hệ tư tưởng Nho giáo vẫn chính thống nhưng Phật giáo không còn bị hạn chế như dưới thời Lê Sơ, kiến trúc chùa Việt lại được trùng tu, xây dựng, phát triển trong dân gian. Thế kỷ 18, chúa Nguyễn cho xây dựng nhiều ngôi chùa, hình thành nên phong cách kiến trúc chùa Huế. Đến thế kỷ 19, sau khi thống nhất được Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhà Nguyễn có lúc hạn chế Phật giáo nhưng có lúc lại ủng hộ, vì thế chùa, tháp vẫn được xây dựng, nhiều nhất là tại kinh đô Huế và các tỉnh phía Nam [7].
Chuyển biến hình thái kiến trúc chùa Việt
Theo thời gian
Sự chuyển biến hình thái kiến trúc chùa theo thời gian dễ dàng nhận thấy trong bố cục tổng thể chùa, trong hình thức mặt bằng chính điện, trong trang trí, trong vật liệu, kỹ thuật xây dựng và phong cách kiến trúc chùa.
Về bố cục tổng thể, trong giai đoạn từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10, kiến trúc chùa xuất hiện và định hình, chùa sử dụng bố cục trung tâm, trung tâm chính là công trình điện thờ hoặc tháp thờ Phật. Từ thời Lý (1010-1225) trở về sau, kiến trúc chùa hoàn thiện hơn, nhiều thành phần mới trong chùa xuất hiện, bố cục đối xứng qua trục dài xuất hiện và phổ biến, công trình điện thờ vẫn nằm trên trục chính.
Hình thức mặt bằng chính điện cũng có sự chuyển biến theo thời gian. Ban đầu, công trình điện thờ là một công trình đơn lẻ, mặt bằng dạng hình chữ nhật, một gian hai chái. Sau này, theo sự phát triển của Phật giáo nên có bước phát triển mới, bằng cách tăng thêm dãy nhà tiền đường, thiêu hương phía trước điện thờ Phật, mặt bằng chuyển biến thành hình chữ Đinh, chữ Công. Sau đó phát triển lên thành các dạng bố cục phong phú như: dạng chữ Khẩu, nội Công ngoại Quốc, hay nội Đinh ngoại Quốc.
Trang trí trong chùa thời Lý Trần gồm những đề tài đề cao Phật giáo hoặc thống nhất và mang ý nghĩa cụ thể nào đó. Thời Lê Sơ chủ đề trang trí chủ yếu tập trung vào các linh vật. Sang thời Mạc, bên cạnh các đề tài truyền thống có xuất hiện những mảng chạm mang những nét phản ánh đời thường và tính dân dã mạnh dần [8].
Từ đầu công nguyên đến hết thế kỷ 18, vật liệu xây dựng chủ yếu vẫn là gỗ, gạch, đất nung và đá trong xây dựng chùa và tháp. Các công trình thường sử dụng vật liệu gỗ cho hệ thống kết cấu, gạch để xây tường, đá nguyên khối sử dụng trong nền, bậc cấp, chân cột, mái lợp ngói mũi hài hoặc ngói âm dương. Hệ kết cấu gỗ cột – xà – kẻ hoàn thiện theo thời gian làm cho công trình có dáng dấp bề thế nhưng thanh thoát hơn. Năm 1872, công ty kết cấu thép Eiffel et Cie của Gustave Eiffel (kỹ sư kết cấu người Pháp đã thiết kế tháp Eiffel) đã có chi nhánh ở Nam Kỳ (Việt Nam) nên từ năm đó trở đi thép đã xuất hiện trong những công trình cầu đường và dân dụng [9]. Những thập niên giữa thế kỷ 20, nhiều biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, sự tiếp nhận nhanh chóng những quan điểm kiến trúc – kĩ thuật xây dựng hiện đại phương Tây đã tác động trực tiếp đến chùa, thúc đẩy sự xuất hiện kiến trúc chùa lầu, chùa phố với hệ kết cấu bê khung tông cốt thép chịu lực cùng với phong cách kiến trúc hiện đại xuất hiện dung hòa với phong cách kiến trúc truyền thống đã làm cho hình thái kiến trúc chùa thích ứng hơn với môi trường đô thị của thời đại.
Theo không gian từ miền Bắc vào miền Nam
Bố cục tổng thể kiến trúc chùa Việt Nam
Thủa ban đầu, Phật giáo được truyền vào nước ta (từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 4), nơi thờ Phật giáo chỉ là những am miếu thờ nhỏ. Về sau, do Phật giáo phát triển, tượng thờ cũng nhiều hơn, chùa được xây dựng thay cho những am miếu thờ nhỏ này, trở thành một quần thể kiến trúc gồm nhiều công trình, có bố cục tổng thể cân xứng hài hòa.
Các công trình thành phần cơ bản của chùa gồm có: cổng tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện, nhà hậu đường, hành lang, tháp (gồm có bảo tháp và mộ tháp), và gác chuông. Trong một số chùa còn có cả hành cung, là công trình kiến trúc được xây dựng với chức năng chủ yếu là để dự phòng, chuẩn bị, dùng làm nơi dừng chân nghỉ ngơi của vua khi tuần du ra khỏi kinh thành hoặc đi kinh lý, thị sát ở địa phương. Trong tổng thể chùa thì chính điện là nơi thờ Phật, chính là công trình quan trọng nhất của của chùa, còn bảo tháp mang tính chất nhấn mạnh bố cục tổng thể chùa theo phương đứng, ban đầu là nơi thờ Phật, về sau từ thời nhà Trần trở đi thì mang tính chất kỷ niệm là chủ yếu.
Chùa là một quần thể kiến trúc gồm nhiều công trình, có bố cục tổng thể cân xứng hài hòa, ban đầu có bố cục kiểu trung tâm lấy bảo tháp thờ Phật hoặc điện thờ chính làm trung tâm, sau đó xuất hiện kiểu bố cục đối xứng qua một trục chính chạy dài, phát triển theo chiều sâu hoặc có bố cục tự do khi bị ảnh hưởng bởi địa hình hoặc thế đất, chẳng hạn như chùa xây trên núi hoặc chùa trong đô thị. Các chùa bố cục theo kiểu hướng tâm thì thường có quy mô vừa và nhỏ như chùa Dâu (Bắc Ninh) trong khoảng thế kỷ thứ 5-6 lấy tháp Hòa Phong làm trung tâm (hình 2, chùa Dâu) [1], còn những ngôi chùa có bố cục cân xứng qua trục chính thường có quy mô vừa và lớn với nhiều công trình như chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên Huế)… Nguyên tắc bố cục chung là cân bằng, quy củ hoặc tự do một cách có hệ thống để tạo được sự trang nghiêm cho công trình.
Mặt đứng:
- Phần nền: Nền nhà tường được tôn cao, 3 – 9 bậc, xây gạch hoặc đá.
- Phần thân: Ở miền Bắc, chính điện thường có 5 – 7 – 9 gian, có hàng hiên phía trước hoặc hàng hiên bao quanh nhà. Ở miền Trung và miền Nam, thân nhà thịnh hành kiểu ba gian hai chái hoặc năm gian hai chái, tường gạch bao chung quanh và hàng hiên ở phía trước. Chái nhà xây gạch kết hợp với cửa sổ hoa gió. Tường nhà phía trước thường làm bằng gỗ, kết hợp với cửa gỗ bức bàn.
- Mái nhà: Mái nhà thường có từ 1 đến 2 tầng. Cấu trúc mái của tòa chính điện thịnh hành 2 kiểu mái là mái khu đĩ và mái tường hồi bít đốc với bờ nóc thẳng, dốc mái thẳng. Miền Bắc, các góc chân mái được tạo hình cong vút lên như đầu đao, mũi thuyền kết hợp với chi tiết trang trí. Ở miền Trung, các góc chân mái được tạo hình thẳng kết hợp với chi tiết trang trí đơn giản. Càng vào Nam, mái biến thể thành dạng mái kiểu bánh ít, với bờ nóc ngắn, khu đĩ bị tiêu biến đi, trang trí ở góc mái hết sức đơn giản là kết quả của việc mở rộng lòng nhà, tạo thành mặt bằng nhà gần vuông (Bảng 1, phần mặt đứng và mặt cắt).
Mặt cắt (tòa chính điện):
- Tòa chính điện mang giá trị truyền thống của kiến trúc cổ Việt Nam, với tổ hợp mặt đứng ngôi thượng điện phân rõ 3 phần, gồm nền, thân và mái nhà, trong đó phần mái nhà thường chiếm tới 2/3 chiều cao mặt đứng công trình. Cấu trúc mái của tòa chính điện thịnh hành 2 kiểu mái là mái khu đĩ, mái tường hồi bít đốc, bờ nóc thẳng, dốc mái thẳng, mái nhà thường có từ 1 đến 2 tầng. Kết cấu tòa chính điện là hệ kết cấu khung gỗ: cột – xà – kẻ, với những đặc điểm nổi bật khác với kiến trúc cổ của Trung Quốc hay các nước Đông Nam Á đó là ở dốc mái thẳng, dùng kẻ đỡ mái hiên, và cột mập to, phình ở phần giữa thân dưới.
- Chùa miền Bắc và miền Trung thường được đầu tư phát triển dài hạn, đầu tiên là 1 khung nhà, sau đó là mở rộng ra thành 2 và 3 khung nhà, từ đó sinh ra kiểu kết cấu kết hợp từ 2-3 khung nhà độc đáo. Chùa miền Nam sử dụng một khung nhà nhưng quy mô lớn hơn rất nhiều, phục vụ nhiều hoạt động khác ngoài thờ tự. (Bảng 1, phần mặt cắt).
Trang trí:
- Trong chùa các bộ phận cấu tạo bằng gỗ của công trình như cột, xà, kẻ đều được chạm khắc tinh vi. Các đề tài trang trí thường quen thuộc, gần gũi như tứ linh, tứ quý, chữ, hình kỷ hà cùng với các phù điêu và tượng tròn. Màu sắc trang trí thường gặp trong chùa thường là màu nâu, vàng và đỏ.
- Càng vào Nam, hình thức kiến trúc và trang trí trong kiến trúc chùa có phần đơn giản hơn, chi tiết trang trí giảm dần về số lượng và bớt đi sự cầu kì. (Bảng 1, phần hệ mái).
Bảng 1: Chuyển biến hình thái kiến trúc chính điện chùa Việt Nam theo không gian từ Bắc xuống Nam qua các công trình tiêu biểu. (Nguồn: Tác giả)
Kết luận
Quá trình chuyển biến hình thái kiến trúc chùa Việt vẫn luôn diễn ra, từng bước hoàn thiện và phát triển để thích ứng với nhu cầu của mỗi thời kỳ, theo dòng chảy lịch sử và văn hóa của dân tộc. Sau quá trình chuyển biến dài hai thiên niên kỷ, kiến trúc chùa Việt đã đa dạng, phong phú, phức tạp và bền vững hơn. Từ bố cục trung tâm sang đối xứng trục hay kiểu bố cục tự do gắn với cảnh quan; chùa hình chữ nhật đơn giản phát triển lên thành các dạng bố cục phong phú: dạng chữ chữ Nhị, chữ Tam…; từ tổ hợp mặt đứng chính điện một mái đơn thành mái chồng diêm và sự thay đổi các hình ảnh trang trí ở đỉnh mái và đầu đao; từ ít chức năng đến nhiều chức năng hơn; từ ít đối tượng thờ đến đa dạng đối tượng thờ; kết cấu khung gỗ cải tiến thêm và sự xuất hiện kết cấu bê tông cốt thép. Tất cả những thay đổi này thể hiện khả năng thích ứng của kiến trúc chùa Việt Nam trước những biến đổi của thiên nhiên, hoàn cảnh, lịch sử và sự giao lưu văn hóa với các nền văn minh nhưng vẫn giữ gìn những bản sắc truyền thống vốn có.
Trong hai thiên niên kỷ qua, kiến trúc chùa Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng của kiến trúc truyền thống Việt Nam nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, với bố cục tổng thể cân xứng hài hòa, hệ kết cấu vững chắc, hình thái kiến trúc đa dạng, phong phú có sự chuyển biến theo vùng miền, dòng chảy lịch sử, văn hóa dân tộc nước ta và văn minh nhân loại.
ThS. KTS. Phan Ánh Nguyên
Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)
Ghi chú:
Bài báo này được tài trợ bởi Trường Đại học Bách khoa
– Đại học Đà Nẵng với đề tài có mã số: T2022-02-15
Tài liệu tham khảo
[1] T. L. Biền, “Chùa Việt, Hà Nội” – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1996.
[2] T. L. Chi, “Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ (phần 1),” Tập san Pháp Luân, no. 10, 2005.
[3] T. L. Chi, “Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ (phần 2),” Tập san Pháp Luân, no. 12, 2005.
[4] T. L. Chi, “Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ (phần 3),” Tập san Pháp luân, no. 15, 2005.
[5] N. T. N – “Lan, Nhận dạng sự tiến hóa của kiến trúc chùa Việt trong tiến trình lịch sử, Hồ Chí Minh”: Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, 2011.
[6] N. Lang, “Việt Nam Phật giáo Sử Luận (tập 3) – “Nhà xuất bản Văn học , 1979.
[7] H. X. Liêm, Những ngôi chùa Huế, Huế: NXB Thuận Hóa, 2000.
[8] T. L. Chi, “Kiến trúc Phật giáo qua các thời kỳ (phần 4),” Tập san Pháp Luân, no. 16, 2005.
[9] L. Weill, “Travaux publics et colonisation : l’entreprise Eiffel et la mise en valeur de l’Indochine (1889-1965),” Histoire, économie & société , no. 2, 1995.