Theo Financial Times, các văn bản thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho thấy nước này đã bí mật nhập khẩu một số hàng hoá từ Ấn Độ và tìm cách xây dựng cơ sở kinh doanh tại quốc gia Nam Á.
Các tài liệu cho thấy, Bộ Nông nghiệp và Thương mại của Nga đã soạn thảo các kế hoạch bí mật vào tháng 10/2022 để chi khoảng 1 tỷ USD nhằm mua các thiết bị điện tử quan trọng, thông qua các kênh không được chính phủ các nước phương Tây giám sát.
Theo đó, các ngân hàng Nga đã nắm giữ “một lượng dự trữ đáng kể” rupee thông qua việc bán dầu cho Ấn Độ. Kế hoạch nêu chi tiết rằng, việc sử dụng các kho dự trữ này là nhằm mua hàng hoá quan trọng mà các nước “không thân thiện” từng xuất khẩu cho Nga.
Trọng tâm của kế hoạch này là các công nghệ kép, tức là bao gồm cả ứng dụng trong quân sự và dân sự, nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, các tài liệu bị rò rỉ được FT tham khảo cũng cho thấy Nga đã lên kế hoạch đầu tư vào các cơ sở sản xuất và phát triển điện tử Nga – Ấn.
FT cho biết, hiện vẫn chưa rõ các hoạt động bí mật đã được thực hiện đến đâu. Song, dữ liệu chi tiết về dòng chảy thương mại cho thấy mối quan hệ thương mại giữa 2 nước trở nên sâu sắc hơn, nhất là đối với các loại hàng hoá cụ thể kể trên.
Thoả thuận này được đưa ra dù Ấn Độ đang có sự kết nối chặt chẽ hơn với Mỹ. Hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cũng từng cảnh báo rằng rủi ro trừng phạt tăng lên đối với bất kỳ đồng tiền tệ nào được dùng để giao dịch và bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào hợp tác với Nga trong lĩnh vực công nghiệp – quân sự.
Ngoài ra, nhiều tài liệu cho thấy rằng Ấn Độ cũng hỗ trợ Nga trong hoạt động kinh tế sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Nga cung cấp hơn 1 nửa thiết bị quân sự cho Ấn Độ và với mức giá chiết khấu.
Hơn nữa, Ấn Độ cũng là quốc gia mua lượng dầu thô lớn từ Nga trong những năm gần đây, với tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt mức cao kỷ lục là 66 tỷ USD trong năm tài khoá 2023 – 2024. Con số này cao gấp 5 lần so với thời điểm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhờ các hoạt động này, Nga đã sở hữu kho dự trữ rupee.
Nguồn tin thân cận tiết lộ với FT, việc nắm giữ đồng rupee giúp Nga giao dịch vàng và mua hàng hoá trong khi né tránh các lệnh trừng phạt. Điều này cũng giúp Điện Kremlin hưởng lợi từ việc bán dầu thô.
Một quan chức chính phủ trung ương Nga được nhắc đến nhiều trong các tài liệu bị rò rỉ là Alexander Gaponov, phó giám đốc bộ phận điện tử vô tuyến thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại. Lý do ông tham gia là vì Nga phụ thuộc vào các thiết bị điện tử do nước ngoài sản xuất để sử dụng trong tên lửa, máy bay không người lái…
Vào tháng 10/2022, ông Gaponov được cho là đã liên hệ với Liên đoàn Hoạt động Kinh tế đối ngoại và Hợp tác Liên bang Quốc tế trong Công nghiệp – tổ chức tại Moscow, về kế hoạch mua các sản phẩm quan trọng từ Ấn Độ.
Tổ chức này ước tính Nga có thể đã chi tới 100 tỷ rupee (khoảng 1,2 tỷ USD) cho nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm các bộ phận sử dụng trong thiết bị viễn thông, máy chủ và các thiết bị điện tử phức tạp khác mà trước đây thường mua từ các nước phương Tây.
Tài liệu này cho biết, theo kế hoạch, Nga sẽ thanh toán cho 2 loại hàng hoá cụ thể gồm các thiết bị điện tử và máy móc bằng rupee. Các tài liệu khác cho thấy hoạt động thương mại giữa Nga và Ấn Độ đối với 2 danh mục hàng hoá này ghi nhận mức tăng mạnh, trong khi có “khối lượng không đáng kể” vào trước năm 2022.
Một hồ sơ nộp cho hải quan từ Innovio Ventures của Ấn Độ cũng cho thấy, các doanh nghiệp nước này đã cung cấp ít nhất 4,9 triệu USD thiết bị điện tử cho Nga, cùng 600.000 USD hàng hoá được vận chuyển đến Kyrgyzstan, toàn bộ được thanh toán bằng rupee. Các lô hàng chuyển đến Nga được cho là có 568.000 USD thiết bị điện tử được gửi đến Testkomplekt, công ty Nga đang chịu lệnh trừng phạt.
Tham khảo FT