Chênh lệch giá vàng làm gia tăng tình trạng buôn lậu, trốn thuế
Giai đoạn những tháng cuối năm 2023, chênh lệch giá vàng miếng SJC với thế giới duy trì ở mức cao từ 13 – 15 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm đẩy lên gần 20 triệu đồng/lượng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, làm chảy máu ngoại tệ và góp phần gây áp lực lên tỷ giá. Một số vụ khởi tố hình sự gần đây cho thấy hoạt động này gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế.
Mới đây, Viện KSND tối cao hoàn tất cáo trạng, đề nghị TAND TP.HCM xét xử 24 bị can trong vụ án buôn lậu hơn 6.000 kg vàng thỏi xảy ra tại TP.HCM, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận.
Theo đó, từ đầu năm 2022, bị can Nguyễn Thị Minh Phụng (kinh doanh vàng tự do, thu đổi ngoại tệ ở TP.HCM) và bị can Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ cửa hàng vàng Kim Oanh Hằng ở Tây Ninh) móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (cư dân biên giới sinh sống tại khu vực cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về VN qua cửa khẩu Chàng Riệc, sau đó bán lại cho khách hàng trong nước.
Tổng cộng 2 đường dây buôn lậu này đã “tuồn” vào VN hơn 6.000 kg vàng thỏi, trị giá trên 8.400 tỉ đồng. Hay trước đó, trong năm 2021 – 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cũng liên tục khởi tố nhiều vụ mua bán vàng nhập lậu số lượng lớn từ Campuchia về VN, trong đó có vụ án Mười Tường buôn lậu 51 kg vàng 4 số 9.
Tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới để thu lợi, ảnh hưởng lớn đến tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Giải pháp lâu dài cho thị trường vàng
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ở các nước, tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2% là đã xuất hiện hiện tượng buôn lậu vàng Các doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu, không có cơ sở để xác minh nguồn gốc vàng nguyên liệu thu mua, do đó doanh nghiệp có tâm lý lo ngại rủi ro về mặt pháp lý khi mua nguyên liệu trên thị trường.
Các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước như đã thực hiện triển khai bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC, đẩy mạnh triển khai việc bán vàng online qua các ngân hàng nhằm tăng nguồn cung, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vàng, đến nay, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng trên dưới 4 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là mức chênh tương đối phù hợp trong khi giá vàng quốc tế cũng đang có nhiều biến động trong thời gian gần đây. Như vậy, mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới của NHNN theo chỉ đạo của Chính phủ bước đầu đã thực hiện được góp phần hạn chế tình trang buôn lậu vàng.
Tuy nhiên về lâu dài để đảm bảo duy trì được mức chênh lệch giá vàng hợp lý với thị trường quốc tế, hạn chế chảy máu ngoại tệ cũng như để thị trường vàng hoạt động ổn định, vẫn cần những giải pháp tổng thể.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đưa quan điểm về việc cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, ông phân tích: Thị trường có 2 vấn đề được nhắc tới là vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá trong nước với quốc tế. Hiện nay, tình trạng vàng hóa không còn nữa vì đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay trong các ngân hàng. Vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao.
“Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới nếu không còn cao, không đáng kể thì làm sao có buôn lậu. Hay nói cách khác khi cho phép các DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng thì mức chênh lệch trong nước với thế giới sẽ giảm mạnh so với hiện nay và ngăn chặn ngay tình trạng buôn lậu”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
TS.Nguyễn Đức Độ cho rằng: Vàng là một kênh đầu tư truyền thống của người dân bên cạnh các kênh truyền thống khác như bất động sản, gửi tiết kiệm…. Bởi vậy, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu…, bênh cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.