Ngày 14.6, giá xăng dầu tăng nhẹ, giá dầu Brent tăng 15 cent, tương đương 0,2%, lên 82,75 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng 12 cent, tương đương 0,2%, lên 78,62 USD/thùng.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13.6 cho thấy dấu hiệu lạm phát đang giảm ở Mỹ. Điều này có thể gián tiếp bật đèn xanh cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế.
Từ đầu tuần đến nay, giá dầu đã tăng khoảng 4%, phục hồi từ đợt bán tháo vào tuần trước sau dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) rằng nhóm có thể tăng sản lượng để can thiệp thị trường trường, giữ giá dầu. Ngày 13.6, theo Reuters, Tổng thư ký của OPEC+ Hathaim Al Ghais cho biết OPEC đã dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng lên 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045, thậm chí có thể cao hơn. Dự báo khá xa so với thời điểm hiện tại, song thông tin này đã ảnh hưởng đến thị trường ngay sau đó.
Song song đó, dữ liệu tồn kho xăng dầu của Mỹ cũng tăng mạnh, khác dự báo giảm trước đó theo thăm dò của Reuters với các nhà phân tích.
Các dữ liệu trên gây biến động đến giá dầu trong phiên giao dịch hôm nay. Các dự báo nói giá dầu có thể đang vào đà trượt dốc sau tuần lễ tăng.
Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa được điều chỉnh theo hướng tăng nhẹ. Mức tăng đối với xăng dao động từ 170 – 260 đồng/lít; dầu diesel tăng 220 đồng/lít, dầu mazut giảm gần 400 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công thương – Tài chính cũng không thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ngày 14.6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo thông báo của Petrolimex tại thị trường vùng 1 như sau: xăng RON 95-V 22.720 đồng/lít, xăng RON 95-III 22.230 đồng/lít, xăng E5 RON92 21.310 đồng/lít, dầu diesel 19.640 – 20.280 đồng/lít, dầu hỏa 19.850 đồng/lít, dầu mazut (giá bán buôn) 16.880 – 20.180 đồng/kg.