Vào tháng 4, Google đã thực hiện một trong những ‘trò tiêu khiển’ yêu thích nhất: cải tổ. Quyết định thay đổi được cho là một trong những sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử 25 năm phát triển, khi giám đốc điều hành Sundar Pichai tuyên bố hợp nhất 2 mảng nền tảng và thiết bị thành siêu nhóm tập trung vào Android, Chrome và tiện ích. Động thái diễn ra sau khoảng thời gian Google đấu tranh với định kiến cho rằng công ty đã tụt hậu về AI vì quá tự mãn. Thậm chí còn có những lời kêu gọi Pichai từ chức.
Đáp lại, Pichai thiết kế lại đội ngũ lãnh đạo, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác nhiều hơn giữa các bộ phận. Ông còn xem xét nội bộ công ty và đề cử một nhóm những nhân viên, lãnh đạo kỳ cựu để điều hành kỷ nguyên tiếp theo của Google. Theo BI, đội ngũ lãnh đạo của Pichai đông hơn nhiều so với các đối thủ của Google.
Vào tháng 4 năm ngoái, Pichai tuyên bố sẽ hợp nhất DeepMind với đơn vị AI nội bộ (Brain) thành một siêu nhóm có tên Google DeepMind. Tiến sĩ Hassabis, hiện đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Kỹ thuật, gọi đơn vị này là “phòng máy của Google trong kỷ nguyên AI”.
Như một phần của quá trình cải tổ, ông Pichai cho biết một số nhóm khác trong nhóm nghiên cứu – bao gồm cả những nhóm xây dựng mô hình học máy – cũng sẽ trở thành một phần của Google DeepMind. Đơn vị của Hassabis tiếp nhận nhóm AI và phụ trách phát triển AI một cách an toàn.
Trong bối cảnh OpenAI tiến nhanh trong quá trình sản xuất nghiên cứu, Google không thể chậm chân. Một nhân viên cho biết họ đang bận đào tạo mô hình kế nhiệm của Gemini và tại hội nghị tuần này, công ty đã tiết lộ vô số sản phẩm mới chạy trên Gemini.
Google đang nghiêm túc hơn với việc phát triển phần cứng bởi muốn nắm bắt cơ hội quan trọng với AI trên Android. Trong một lưu ý gửi nhân viên vào tháng 4, ông Pichai cho biết sự thay đổi này sẽ mang đến cho Google một “cơ hội tuyệt vời để hình dung lại các nền tảng điện toán trong thập kỷ tới”.
Trước đó, Sameer Samat cũng đã được thăng chức lên Chủ tịch Hệ sinh thái Android. Người đàn ông này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tường lửa giữa nhóm Pixel và Android.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính Ruth Porat cũng thông báo cho nhóm nhân viên rằng sẽ có một cuộc cải tổ dẫn đến động thái cắt giảm việc làm. Những thay đổi đang được thực hiện khi công ty sắp xếp lại các ưu tiên xung quanh AI, song không phải là không có hệ luỵ.
Vào năm 2012, Larry Page, khi đó là giám đốc điều hành Google, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá gia đình. Với ông, đối xử tốt với nhân viên đồng nghĩa với việc công ty sẽ nhận lại nhiều sự đền đáp xứng đáng.
Thế nhưng, hơn một thập kỷ sau, nhân viên Google bắt đầu thắc mắc: Văn hoá gia đình đó đi đâu mất rồi? Đó là khi gã khổng lồ công nghệ tuyên bố sa thải khoảng 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động, nhằm cắt giảm chi phí và dịch chuyển sang lĩnh vực mới có độ ưu tiên cao hơn là AI.
“Những đợt sa thải này đã gây ra tình cảnh hỗn loạn. Chúng tôi vừa phải gánh thêm việc, vừa đứng ngồi không yên. Đồng nghiệp chúng tôi thực sự phẫn nộ và thất vọng hơn bao giờ hết”, Stephen McMurtry, kỹ sư phần mềm cao cấp, nói.
Trước đó, Giám đốc điều hành Sundar Pichai cũng cảnh báo nhân viên rằng trong năm 2024, công ty sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự. Các bộ phận từ bán hàng, quảng cáo đến sản phẩm đều bị ảnh hưởng.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư, nhiều giám đốc điều hành của Google còn cam kết xem xét kỹ lưỡng những thứ có thể cắt giảm. Nguồn nhân lực cần phải được giải phóng để nhường chỗ cho những ưu tiên lớn hơn.
Có thể thấy, Google đang cố gắng dập tắt bất kỳ quan điểm cho rằng họ tụt hậu về mặt công nghệ. Sundar Pichai trước đó cũng đã tiết lộ hơn 10 sản phẩm hỗ trợ AI tại I/O – một sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển phần mềm.
Theo WSJ, việc xây dựng công nghệ AI đáng tin cậy đòi hỏi nguồn lực khổng lồ mà chỉ có những tập đoàn công nghệ có quy mô như Microsoft và Google mới đáp ứng được. Tinglong Dai, giáo sư chuyên ngành quản lý hoạt động tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu về tương tác giữa con người và AI, cho biết có 2 lý do cho điều này.
Thứ nhất, cần hàng chục nghìn máy tính trong cơ sở hạ tầng đám mây để huấn luyện và vận hành hệ thống AI. Thứ hai, AI sáng tạo đòi hỏi nguồn nhân lực khổng lồ liên tục thử nghiệm và điều chỉnh mô hình ngôn ngữ, làm sao để chúng không cung cấp những câu trả lời quá vô nghĩa hoặc mang hàm ý xúc phạm.
“Câu hỏi lớn nhất là liệu Google có tiếp tục dẫn đầu mảng tìm kiếm hay không khi biến AI trở thành trọng tâm phát triển mới. Lần đầu tiên sau 15 năm, Google phải đối mặt với một thách thức thực sự. Đây cũng là lần đầu tiên họ chậm một bước so với nhịp phát triển chung của thị trường”, Matt Naeger, Giám đốc chiến lược và tiếp thị tại Merkle, cho biết.
Dẫu vậy, với vị thế hiện tại, khả năng Google bị đánh bại được cho là tương đối nhỏ. Hơn nữa, nếu thành công với chatbot Bard, gã khổng lồ này sẽ càng có thêm nhiều sức mạnh cạnh tranh trong cuộc đua AI.
Theo: BI