Sáng 23.1, giá xăng dầu giảm nhẹ, dầu Brent giảm 29 cent, tương đương 0,4%, xuống 79 USD/thùng; dầu WTI giảm 39 cent, tương đương 0,5%, xuống 75,44 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu Brent đã giảm ngày thứ 5 liên tiếp và dầu WTI của Mỹ giảm ngày thứ 4 liên tiếp. Đến nay, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều duy trì mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9.1.
Nhiều phân tích chỉ ra rằng, các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Trump vẫn chưa rõ ràng, chẳng hạn các mức thuế quan có thể áp dụng đối với Canada và Mexico – vấn đề gây bất ổn nhất cho các nhà giao dịch – khiến thị trường chưa có biến động mạnh như lo ngại trước đó.
Đến nay, Mỹ vẫn đang thảo luận về việc áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 1.2, cùng ngày ông Donald Trump nói rằng Mexico và Canada có thể phải đối mặt với mức thuế khoảng 25%.
Theo các nhà phân tích trên Reuters, thị trường dầu đang dần chuyển sự chú ý khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sang chính sách thương mại tiềm năng của Tổng thống Donald Trump.
Liên quan đến nguồn cung, chính quyền Mỹ có thể sẽ ngừng mua dầu từ Venezuela – thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Trong khi đó, theo số liệu mới nhất từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nước này đã nhập khẩu khoảng 200.000 thùng dầu/ngày từ Venezuela trong 10 tháng đầu năm 2024, tăng so với mức trung bình 100.000 thùng/ngày trong năm 2023.
Trong nước, mặc dù giá dầu thế giới tuần trước tăng nhẹ, song sau lễ tuyên thệ của Tổng thống Trunmp, dầu có 3 phiên giảm giá liên tiếp, dự báo, giá xăng dầu tại kỳ điều hành chiều nay (ngày 23.1) có thể thay đổi so với các dự báo trước. Theo đó, giá xăng quay đầu giảm nhẹ, mức giảm dưới 200 đồng/lít, chấm dứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp; giá dầu được dự báo sẽ duy trì đà tăng, mức tăng cao nhất khoảng 700 đồng/lít/kg. Dự báo này chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Như vậy, nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có kỳ giảm giá nhẹ trước thềm năm mới Xuân Ất Tỵ.