Sáng 6.12, giá xăng dầu giữ đà giảm, giá dầu Brent giảm 22 cent, tương đương 0,3%, xuống 72,09 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI giảm 24 cent, tương đương 0,35%, xuống 68,3 USD/thùng.
Theo Reuters, OPEC+ đã lên kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ cắt giảm sản lượng từ tháng 10 năm nay nhưng do nhu cầu toàn cầu chậm, sản lượng bên ngoài nhóm tăng cao nên nhóm đã phải hoãn kế hoạch nhiều lần.
Tại cuộc họp ngày 5.12, OPEC+ cho biết sẽ dỡ bỏ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 4.2025 bằng mức tăng hằng tháng 138.000 thùng/ngày, kéo dài trong suốt 18 tháng cho đến tháng 9.2026.
Các phân tích cho rằng, OPEC+ thực tế đã bàn về việc tăng sản lượng từ tháng 6, nhưng đến nay vẫn tiếp tục trì hoãn. “Điều này có nghĩa là giá dầu sẽ không có khả năng tăng mạnh trong vài năm tới”, một chuyên gia phân tích thị trường nói trên Reuters.
Hiện OPEC+ (kể cả Nga) cung ứng khoảng một nửa sản lượng dầu trên thế giới. Mặc dù cố gắng duy trì biện pháp cắt giảm sản lượng, song giá dầu Brent chuẩn toàn cầu trong năm nay chỉ dao động trong khoảng 70 – 80 USD/thùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết triển vọng nguồn cung dồi dào cho năm 2025 sẽ hỗ trợ giá từ quyết định của OPEC+.
Trong nước, chiều hôm qua (ngày 5.12), liên Bộ Tài chính – Công thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá dầu diesel được điều chỉnh giảm nhiều nhất lên sát mức 400 đồng/lít; dầu hỏa giảm 325 đồng/lít; xăng RON 95-III giảm 294 đồng/lít. Trái lại, giá xăng E5 RON92 tăng nhẹ 24 đồng/lít và giá dầu mazut không đổi.
Sau điều chỉnh, ngày 6.12, giá bán lẻ xăng dầu phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON92 không quá 19.864 đồng/lít ; xăng RON 95-III không quá 20.563 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.382 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.817 đồng/lít; dầu mazut không quá 16.125 đồng/kg.