Nga mất trắng lô hàng 6000 tỷ

Lệnh tịch thu chặt đứt mối quan hệ 50 năm

Hãng tin Reuters ngày 25/11 đưa tin, tập đoàn OMV (Áo) đã chấm dứt mối quan hệ gắn bó hơn 50 năm với tập đoàn cung cấp khí đốt Gazprom (Nga) sau khi tịch thu khí đốt của Nga như một khoản thanh toán để bù đắp giá trị phán quyết của trọng tài.

Chính phủ Áo hiện sở hữu 31,5% cổ phần của OMV, trong khi chính phủ Nga nắm giữ khoảng 50% cổ phần của Gazprom. Do đó, các vấn đề xảy ra không chỉ đơn thuần là tranh chấp giữa hai tập đoàn. Theo hãng tin Anh, động thái của OMV có thể xem là đòn giáng của Áo nhằm vào Nga.

OMV là một trong số ít những khách hàng còn lại ở châu Âu mua khí đốt Nga. Gazprom đã mất gần hết khách hàng ở châu lục này sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ năm 2022.

Trước đó, hôm 13/11, OMV cho biết đã được trọng tài phán quyết thắng kiện tại Đức trong vụ kiện chống lại Gazprom vì không cung cấp khí đốt đúng quy định cho đơn vị của OMV ở Đức năm 2022. Khoản bồi thường mà Gazprom phải trả lên tới 230 triệu euro (gần 6.000 tỷ đồng tiền Việt). OMV tuyên bố sẽ thực hiện các bước ngay lập tức để thi hành phán quyết này.

OMV đã bất ngờ tịch thu khí đốt từ Gazprom, xem như một khoản thanh toán để bù đắp giá trị phán quyết của trọng tài. Ảnh: Reuters

Theo 3 nguồn tin thân cận với Gazprom và OMV, tập đoàn Áo đã tịch thu lượng khí đốt trị giá 230 triệu euro từ Gazprom trong tháng 10. Đây là lần đầu tiên, một khách hàng trong Liên minh châu Âu (EU) không trả tiền mua khí đốt cho Gazprom.

Một nguồn tin thân cận với OMV nói rằng, tập đoàn này coi việc tịch thu khí đốt của Gazprom vào tháng 10 thay cho phán quyết của trọng tài là cơ hội cuối cùng để thực hiện điều đó, phòng trừ trường hợp Ukraine – nước đang có kế hoạch chấm dứt thỏa thuận cho phép khí đốt Nga quá cảnh lãnh thổ vào năm 2025 – quyết định chặn khí đốt Nga ngay trong tháng 1 tới.

Trong khi đó, nguồn tin thân cận với Gazprom nói tập đoàn này nhìn nhận việc OMV tịch thu khí đốt là hành vi “bùng tiền hàng”. Do đó, Gazprom quyết định dừng cung cấp khí đốt cho OMV.

Đáng lưu ý, theo Reuters, việc OMV tịch thu khí đốt của Nga, dẫn tới hành động “không thanh toán tiền” cho tập đoàn Gazprom trong tháng 10 là “thông tin chưa từng được báo cáo trước đây”. Do vậy, vụ việc đang gây tranh cãi lớn.

OMV đã mua khí đốt của Liên Xô, và sau này là Nga, từ năm 1968. Các sự kiện diễn ra gần đây cho thấy công ty Áo đang tìm cách thoát hoàn toàn khỏi việc mua khí đốt Nga, mặc dù hợp đồng của họ với Gazprom có hiệu lực đến năm 2040.

Việc chấm dứt mối quan hệ đột ngột giữa Gazprom và OMV đã khiến nhiều phía trong ngành khí đốt bất ngờ và là đòn giáng tác động tới tầm ảnh hưởng lâu đời về mặt kinh tế và chính trị của Gazprom ở Đông Âu.

Ngoài vụ kiện ở Đức, OMV đã khởi xướng nhiều vụ kiện khác chống lại Gazprom. Đặc biệt, sau khi Moscow tịch thu các cổ phần của tập đoàn này tại mỏ khí đốt Yuzhno Russkoye ở Siberia, OMV đã ghi giảm giá trị khoản đầu tư trị giá 2,46 tỷ euro của Nga.

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" ra tay bất ngờ vì kế hoạch của Kiev: Nga mất trắng lô hàng 6000 tỷ- Ảnh 2.

Gazprom và OMV vốn duy trì quan hệ tốt trong 50 năm qua. Ảnh: Gazprom

Đòn giáng của Áo vào Nga

Theo Reuters, Áo là quốc gia có lập trường trung lập về chính trị nhưng ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Thủ tướng Karl Nehammer là nhà lãnh đạo phương tây đầu tiên đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Năm ngoái, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg tuyên bố, “việc tách hoàn toàn khỏi Nga là điều viển vông”.

Theo tờ The Economist, Áo từng là “người bạn tốt nhất” của Nga ở phương Tây và được coi là “pháo đài Alpine thực sự của Tổng thống Putin”. Ngay cả trong lúc cuộc xung đột Ukraine thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Đức tăng cường lực lượng vũ trang thì Áo “vẫn bám chặt vào ý tưởng trung lập”.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây. Ngoài vụ việc giữa tập đoàn OMV và Gazprom, ngân hàng phương Tây lớn nhất tại Nga là Raiffeisen của Áo đã bị tòa án Nga phán quyết đóng băng chi nhánh ở nước này. Hiện Raiffeisen đang có khoảng 5 tỷ euro mắc kẹt tại Nga.

Vào ngày Gazprom tuyết bố cắt nguồn cung cấp khí đốt cho OMV, Thủ tướng Nehammer đã cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng như một loại “vũ khí tối thượng” để tấn công châu Âu.

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" ra tay bất ngờ vì kế hoạch của Kiev: Nga mất trắng lô hàng 6000 tỷ- Ảnh 3.

Các quan chức Áo chào đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Vienna vào năm 2014, vài tuần sau khi Nga sáp nhập Crimea. Ảnh: EPA

Mặc dù Đảng Tự do (FPO) thân Nga đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Áo vào tháng 9 năm nay, nhưng Thủ tướng Nehammer vẫn nắm quyền điều hành chính phủ lâm thời của Áo cho tới thời điểm hiện tại.

Với khoảng 29% số phiếu bầu, FPO vẫn cần một đối tác liên minh để nắm quyền kiểm soát đa số trong quốc hội và thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, do không có đối tác liên minh tiềm năng nào xuất hiện, ông Nehammer đã được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ thay thế và đang đàm phán với các đảng khác để thành lập một liên minh mới loại trừ FPO.

Bộ trưởng năng lượng Áo Leonore Gewessler cho biết, OMV sẽ quyết định có nên chấm dứt hợp đồng với Gazprom hay không.

“Nhiệm vụ của tôi và của chính phủ liên bang là tạo ra các điều kiện khung để có thể thực hiện việc chấm dứt hợp đồng” – Bà Gewessler nói.

Hiện tại, theo Reuters, mặc dù Gazprom đã cắt nguồn cung cho OMV, nhưng Áo vẫn tiếp tục nhận khí đốt của Nga qua tập đoàn SPP của Slovakia. Cụ thể, sau khi nhận khí đốt từ Gazprom, SPP sẽ bán lại cho Áo.

Hoạt động bán lại giữa Slovakia và Áo cũng là thông tin khá bất ngờ, chưa từng được ghi nhận trước đây.

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" ra tay bất ngờ vì kế hoạch của Kiev: Nga mất trắng lô hàng 6000 tỷ- Ảnh 4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters

Nga cảnh cáo nóng Áo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, hành vi của tập đoàn OMV khi không thanh toán tiền khí đốt cho Gazprom là không đẹp và không công bằng, vì vậy phản ứng tiêu cực của Nga đối với diễn tiến này là hợp lý.

Bà Zakharova cho biết, việc Gazprom giảm bơm khí đốt cho chi nhánh của OMV ở Đức vào tháng 9/2022 là vì những lý do khách quan, như vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream và những vướng mắc trong việc quá cảnh ở Ba Lan, thông qua đường ống dẫn khí Yamal-Europe.

“Tuy nhiên, 2 yếu tố quan trọng này đã bị các trọng tài viên bỏ qua” – nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

“Việc cho OMV thực hiện phán quyết của tòa án bằng cách khấu trừ từ các khoản thanh toán khác sẽ dẫn tới việc tập đoàn này không thực hiện các khoản thanh toán tiếp theo (cho Gazprom), và như vậy khí đốt của Nga sẽ bị lấy đi một cách miễn phí. Đây là hành vi không công bằng của tập đoàn Áo. Phản ứng tiêu cực của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý” – Bà Zakharova nói.

“Chúng tôi không có ý định làm từ thiện trong trường hợp này” – Đại diện Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng phản ứng gay gắt về phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg.

Cụ thể, trong ngày 20/11, khi phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Andriy Sybiha tại Vienna, ông Schallenberg nói rằng những người có mặt tại đây đang tụ họp vào “một ngày rất buồn”, như thể “ngày hôm qua đã đánh dấu 1.000 năm từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine”.

“Luôn là những lời nói dối, chúng ta đã quá quen với điều đó” – Bà Zakharova nhấn mạnh.

Nguồn

Next Post

Chủ nghĩa tối giản của Scandinavia và Nhật Bản: Loại nào phù hợp với bạn?

Wed Nov 27 , 2024
Chủ nghĩa tối giản không chỉ là một xu hướng thiết kế; đó là một cách sống. Hai trong số những phong cách có ảnh hưởng nhất trong thế giới tối giản là chủ nghĩa tối giản của Scandinavia và Nhật Bản. Cả hai đều nhấn mạnh vào sự đơn […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU