Để đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội không “nằm trên giấy”

Cần nới tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về thị trường bất động sản. Trong đó, đề nghị ban hành đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, cả năm 2022, TP.HCM chỉ có 1 trên tổng số 10 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng. Quy mô của dự án duy nhất “thành hình hài” là 260 căn ở TP.Thủ Đức. Nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội tại TP.HCM ngày càng đi vào bế tắc vì không có dự án mới nào được cấp phép.

Thời gian qua, TP.HCM vắng bóng dự án nhà ở xã hội (Ảnh: Duy Phương)

Về chính sách chung của TP.HCM, ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP cho biết: UBND TP sẽ có văn bản kiến nghị Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 54/2017 về một số chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có kiến nghị về các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhà ở xã hội.

“Kiến nghị Quốc hội cho TP.HCM được chấp thuận chủ trương đầu tư. Có thể được thực hiện các bước song song với nhau. Cũng kiến nghị Quốc hội cho phép UBND TP được chủ động quyết định việc thực hiện nghĩa vụ 20% quỹ đất. Có thể thực hiện bằng tiền hoặc đổi vị trí đất khác”, ông Mai Thanh Tùng nêu ý kiến.

Cho đến nay, các dự án nhà ở xã hội hầu như đều dựa vào doanh nghiệp tư nhân. Con số thống kê khiêm tốn trên cũng phần nào cho thấy các doanh nghiệp không mặn mà với loại hình này.

Để đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội không nằm trên giấy - Ảnh 2.

Mặc dù có quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội nhưng có rất ít doanh nghiệp thực hiện (Ảnh: Duy Phương)

Tập đoàn Hoàng Quân là đơn vị có nhiều dự án nhà ở xã hội rải khắp TP.HCM, với số lượng 4.000 căn hoàn thành. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất công tại TP.HCM không còn nhiều. Ông Tuấn đề nghị cơ chế chính sách lĩnh vực nhà ở xã hội sớm được tháo gỡ, ban hành và đưa vào thực tiễn. Về phía các doanh nghiệp, ông Tuấn cũng đề nghị phải hạn chế thiếu sót: “Với doanh nghiệp thì có nguồn vốn, có cơ chế thì sẽ làm tốt thôi. Rút kinh nghiệm trước đây chúng ta quản lý còn việc này, việc kia thiếu sót thì giờ tập trung quản lý lại. Bản thân doanh nghiệp phải tự quản lý sao cho tốt”.

Phải chỉ rõ vị trí nào làm nhà ở xã hội

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thắng Lợi đề xuất, với quỹ đất mà doanh nghiệp bỏ tiền mua, khi làm dự án nhà ở xã hội thì nhà nước tính toán đưa vào chi phí thực tế của doanh nghiệp, chứ không thể áp dụng theo bảng giá của nhà nước. Nếu vẫn giữ tỷ suất sinh lời 10% thì nhà nước cần có chính sách thưởng cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội sau khi dự án được hoàn thành, ví dụ như thêm 5% lợi nhuận.

Một khó khăn khác cũng được ông Thành đề cập là việc xác định tiêu chí người mua nhà ở xã hội. Theo ông Thành, có nhiều trường hợp lúc đăng ký mua thì thuộc diện theo quy định nhưng khi dự án hoàn thành đến giai đoạn cấp sổ hồng thì người mua lại không nằm trong diện quy định.

Để đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội không nằm trên giấy - Ảnh 3.

Cần có chính sách đặc thù cho loại hình nhà ở xã hội để thực hiện thống nhất, đồng bộ (Ảnh: Duy Phương)

Ông Thành đề xuất quy định cụ thể về các trường hợp mua nhà ở xã hội và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để xem xét, rút ngắn thời gian phải xin xác nhận: “Đối tượng thu nhập thấp cứ tra ngay trên thuế, dễ dàng nhất là những người không phải đóng thuế thu nhập cá nhân để lọc những đối tượng đó ra ngay từ đầu. Và làm sao cơ chế phối hợp tra cứu thế nào nhanh nhất, giải quyết thủ tục nhanh gọn hơn với người mua nhà ở xã hội”.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vấn đề quan trọng và là khởi đầu của nhà ở xã hội, đó là các tỉnh, thành phố trong quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở cần định danh khu vực, vị trí cụ thể dành cho phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay mới chỉ ghi nhà ở chung chung, đây cũng là nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, ông Khôi cho rằng, các địa phương cần đẩy nhanh hoàn thiện các hạ tầng kết nối, từ đó mới thúc đẩy bất động sản, bao gồm nhà ở xã hội phát triển.

“Hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào của dự án phải được đồng bộ. Từ đó tạo nguồn kết nối với hạ tầng bên trong. Không ai khác chính là chính quyền địa phương, trước mắt những vấn đề thuộc địa phương có thể quyết định được thì quyết định sớm”, ông Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh.

Nhà ở xã hội là một phân khúc nhà ở đặc biệt, mang nhiều yếu tố nhân văn, vì cộng đồng. Để đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội có tính khả thi, ngoài ưu đãi về vốn, đất đai, rất cần có chính sách đặc thù cho loại hình này đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia./.

Nguồn

Next Post

Nga bắt đầu bao vây 3.000 binh sĩ Ukraine ở Seversk

Thu Oct 10 , 2024
Andrey Marochko – một nhà phân tích quân sự – cho biết: “Tôi vừa nhận được thông tin, rằng chúng tôi đã phá vỡ tuyến phòng thủ, tiếp cận Serebryanka và Grigorovka. Vì vậy có thể nói rằng cuộc chiến giành các khu định cư này đã bắt đầu. Về […]

You May Like

DOANH NGHIỆP & THƯƠNG HIỆU