Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển vùng di sản Tràng An, Ninh Bình theo hướng bền vững

(KTVN 251) – Ninh Bình có rất nhiều lợi thế mang tính đặc thù, nổi trội, riêng có và duy nhất về giá trị thương hiệu bản sắc như: vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; có hệ thống quần thể di tích đồ sộ trải rộng trên nhiều địa bàn, đơn vị hành chính; nơi có sự giao thoa giữa 2 tôn giáo lớn của dân tộc là Phật giáo và Công giáo; đặc biệt có Tràng An là di sản kép Thiên nhiên văn hoá Thế giới duy nhất của Việt Nam và cũng là di sản hiếm hoi của Đông Nam Á đạt danh hiệu đó. Vì vậy, cần phải nhận diện, định dạng rất cụ thể các giá trị bản sắc mang tính đặc thù, nổi trội, riêng có và là lợi thế tuyệt đối của vùng Tràng An, Ninh Bình để có thể xem như là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; trên cơ sở đó đề xuất một số nhóm chính sách mang tính vượt trội, nhằm hoán chuyển các nguồn lực di sản trở thành nguồn lực để phát triển tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới. 

NHỮNG LỢI THẾ ĐỘC ĐÁO, DUY NHẤT VÀ RIÊNG CÓ CỦA QUẦN THỂ DANH THẮNG TRÀNG AN

Giá trị độc đáo về tự nhiên và tài nguyên vị thế, địa chính trị

Khu Di sản Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ mang giá trị đặc trưng bởi yếu tố hỗn hợp giữa thiên nhiên, văn hóa, mà nó còn được đánh giá dưới góc độ địa chính trị với điều kiện chiến lược có thế mạnh về phòng thủ quân sự được tạo bởi các dãy tường thành thiên tạo và nhân tạo. Đây là Khu di sản có quy mô rộng lớn bao trùm trong đó là quỹ di tích, các công trình lịch sử – văn hóa ghi dấu ấn qua các triều đại; các nhà ở truyền thống trong các làng, làng nghề còn lưu giữ lại thói quen sinh kế lâu đời của người dân. Khu di sản có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa to lớn, phong phú là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhân văn của tỉnh Ninh Bình. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tại Việt Nam, Khu danh thắng Tràng An cũng được xác định là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Đi thuyền khám phá hang động – một trong những hoạt động thu hút du khách tại Quần thể danh thắng Tràng An

Giá trị độc đáo về lịch sử

Nhìn lại lịch sử vùng đất Tràng An cổ, có thể thấy tầm nhìn về chiều sâu của lịch sử, chiều rộng không gian xứng tầm vùng đất có vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam (968-1010) với 6 vị vua thuộc 3 triều đại Đình, Tiền Lê, Tiền Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự, với các dấu ấn lịch sử. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó Nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến Nguyên Mông. Hiện nay, nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần. Với đặc thù địa hình như vậy, kinh đô Hoa Lư được ví như Kinh đô đá với đặc điểm: núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện và nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng. Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam); riêng trong phạm vi di sản đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và danh thắng Tràng An – Tam Cốc, Bích Động.

Giá trị bản sắc văn hóa độc đáo

Quần thể danh thắng Tràng An có một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng, bao gồm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, Đền Thánh Nguyễn, Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, chùa và Non nước và một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội đền Thái Vy, Lễ hội chùa Địch Lộng, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, Lễ hội Tràng An,…

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Giá trị bản sắc duy nhất, riêng có

Đây là khu danh lam thắng cảnh kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của các hang động, núi non với kiến trúc độc đáo của các di tích lịch sử, văn hoá. Là khu vực có giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa và di tích khảo cổ có giá trị nghiên cứu, khảo cứu khoa học, tham quan du lịch. Nơi đây chứa đựng tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc và có giá trị nhất của tỉnh Ninh Bình, bao gồm ba khu vực: danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Cố đô Hoa Lư và khu rừng đặc dụng Hoa Lư, với 50 di tích lịch sử, văn hóa và nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, hang Múa, động Thiên Hà, thung Nắng, đền Thái Vi, chùa Bích Động, động Am Tiên…

Vì vậy, Tràng An hiện đang là điểm nhấn thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Ninh Bình với trung bình 25% tổng số khách đến Ninh Bình (năm 2021 đón khoảng 255.000 lượt, năm 2022 đón khoảng 928.000 lượt khách).

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, QUY HOẠCH QUẢN LÝ, BẢO TỒN, KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DANH THẮNG TRÀNG AN

Hiện trạng cơ chế, chính sách, quy hoạch

Các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Ninh Bình có giá trị đặc sắc đã được xếp hạng, ghi danh cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, trong đó có các danh hiệu UNESCO. Để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá, giữ gìn bản sắc văn hóa, phục vụ phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản như: Thực hiện các quy định của Luật Di sản văn hóa, Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 4/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình; Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về quy định quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới.

Tỉnh Ninh Bình cũng đang khẩn trương cho triển khai 2 dự án quy hoạch bảo tồn quan trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, tỉnh Ninh Bình.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã ban hành và đang thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển văn hóa: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.

Hiện nay, Ninh Bình đang tổ chức triển khai một số dự án trọng điểm như: Dự án Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn 2050; Dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Song song công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.

Hàng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp di tích bằng nguồn ngân sách nhà nước cho hàng chục di tích. Ngoài nguồn tu bổ chống xuống cấp của tỉnh, việc trùng tu, tôn tạo di tích còn có các nguồn đầu tư khác: kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp; vốn do Chính phủ đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có từ 20-25 di tích thực hiện tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa.

Một số hạn chế trong thực thi chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác và bảo tồn di sản

Tiến độ triển khai các công trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư nhìn chung còn rất chậm, không đáp ứng được các mục tiêu đã được đề ra.

Quần thể di tích quá đa dạng, trải dài trên diện rộng, ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện có nhiều công trình đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề do biến đổi khí hậu và thời gian, đặc biệt một số công trình có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, hình thức kiến trúc như khu vực Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, gồm: Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, đình Yên Trạch, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, đền thờ Thục Tiết công chúa, bia cửa Đông, lăng vua Đỉnh, lãng vua Lê và núi Mã Yên, hang Muối và hang Quân. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm di tích vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Do tính đặc thù của công tác trùng tu di tích cần nhiều thời gian cho giai đoạn thám sát, khảo cổ, sưu tầm tư liệu, lập dự án, thẩm định khoa học và thực hiện trùng tu tôn tạo; năng lực tư vấn, thi công còn hạn chế chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra; nguyên liệu, vật tư đặc chủng như gỗ tứ thiết, sơn ta, gạch, ngói men, vàng quý, nghệ nhân càng ngày càng khan hiếm.

Nhu cầu vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo Di sản hiện nay là rất lớn, song khả năng cân đối ngân sách hàng năm của Trung ương còn quá thấp, địa phương không bảo đảm đủ nguồn vốn để trùng tu, bảo tồn kịp thời các công trình xuống cấp bức thiết.

Công tác bảo tồn, tu bổ di tích chịu sự chi phối của nhiều Luật, Nghị định nên thời gian thực hiện thủ tục kéo dài. Đặc biệt, theo Nghị định số 70/2012/NĐ- CP, ngày 18/9/2012, của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và nay thay thế bằng Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, ngày 25/12/2018, việc lập hồ sơ tu bổ cho các công trình, hạng mục trong Quần thể di tích Cố Đô phải qua nhiều cấp chính quyền từ huyện, đến tỉnh, đến Trung ương.

Khu di sản hỗn hợp nằm trong khu vực giáp ranh giữa đô thị và nông thôn, chịu ảnh hưởng quá trình đô thị hóa đã tạo nên sức ép về hạ tầng kỹ thuật, công tác quản lý… dẫn đến những bất cập về trong cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Rừng đặc dụng nguyên sinh Hoa Lư

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, VƯỢT TRỘI NHẰM PHÁT TRIỂN VÙNG DI SẢN TRÀNG AN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Chính phủ, thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung

Cụ thể, đối với các trường hợp chấp thuận chủ trương điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ trong khu vực Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (vùng lõi và vùng đệm của khu Di sản thế giới) theo Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc điều chỉnh chủ trương không làm thay đổi quy mô dự án đã được chấp thuận, không phá vỡ môi trường cảnh quan và ảnh hưởng xấu đến di sản và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, góp ý kiến ở bước chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ban đầu… đề nghị Trung ương ủy quyền cho UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương điều chình các dự án đầu từ mà không phải xin ý kiến chấp thuận lại của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với các nội dung điều chỉnh.

Bởi lẽ, hiện nay, các dự án đầu tư trong khu vực Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án, cơ sở dịch vụ phát sinh những nội dung cần điều chỉnh nhưng không làm thay đổi quy mô dự án đã được chấp thuận, không phá vỡ môi trường cảnh quan, không ảnh hưởng xấu tới di sản. Tuy nhiên, những nội dung điều chỉnh này theo quy định hiện hành thì tiếp tục phải xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm chậm tiến độ của dự án, giảm tỉnh chủ động của địa phương trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, để tăng cường trách nhiệm và tỉnh chủ động của địa phương, rút ngắn thời gian thẩm định, chấp thuận, cấp phép điều chình dự án, đề nghị Trung ương ủy quyền cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh các dự án trên mà không xin ý kiến chấp thuận lại của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Định hướng cơ chế, chính sách về xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ

Đề nghị cho phép tỉnh nghiên cứu các nội dung, điều kiện để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỳ trình Trung ương phê duyệt; trong đó tập trung một số nội dung:

Thứ nhất, đề nghị Trung ương cho phép tỉnh Ninh Bình áp dụng chỉ tiêu đất dân dụng bình quân đô thị và chỉ tiêu đất đơn vị ở bình quân toàn đô thị trong quy hoạch chung đô thị Ninh Bình theo loại đô thị cho đô thị có tỉnh đặc thù.

Thứ hai, đề nghị Trung ương có cơ chế chính sách (nguồn vốn, chương trình, dự án mục tiêu,…) cho tỉnh Ninh Bình thực hiện các dự án động lực phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ (gồm các dự án, lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin đồng bộ hiện đại,…; các dự án này có thể thực hiện bằng nguồn vốn trung ương, các dự án mục tiêu của Trung ương thực hiện trên địa bàn hoặc chính sách huy động các nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia huy động đầu tư,…).

Thứ ba, có cơ chế đặc thù phục dựng Cố đô Hoa Lư, trong đó cho phép dành quỹ đất (ngoài khu di sản) để thực hành nghiên cứu, thử nghiệm tái tạo từ mô hình 2D, 3D và mô hình thực tế từ chi tiết tới toàn bộ tỷ lệ 1/1 trước khi quyết định phục dựng trên thực địa.

Thứ tư, đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét thành lập Quỹ bảo tồn Di sản tỉnh Ninh Bình (là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Ninh Bình trực tiếp quản lý) dùng để đầu tư phục vụ cho mục đích phục dựng, trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị của Cố đô Hoa Lư, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và các di sản văn hóa – lịch sử trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; đồng thời, đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Quỹ bảo tồn di sản Ninh Bình được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Ninh Bình để hỗ trợ Quỹ.

Thứ năm, cần có cơ chế đặc thù cho tỉnh Ninh Bình về hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch (khu phát triển thương mại, văn hóa).

Cổng chùa Bích Động

Giải pháp bảo tồn phát huy giá trị Cô đô Hoa Lư

Biến quần thể Cố đô Hoa Lư thành điểm đến tích hợp (integrated destination) về văn hóa và du lịch

Gần đây, người ta hay nói tới một khái niệm mới trong du lịch, đó là “Điểm đến tích hợp” (Integrated Destination). Đây là các quần thể phức hợp, hội tụ mọi hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí cao cấp. Những yếu tố này được coi là chìa khóa mở cánh cửa bước vào kỷ nguyên mới của du lịch thế giới.

Khi xem điểm đến du lịch như một sản phẩm hay một thương hiệu, một điểm đến du lịch là sự tổng hợp của 6 điều kiện hay các yếu tố cấu thành, hay tiêu chí, nhằm thu hút khách du lịch: (1) Các điểm thu hút khách; (2) Dịch vụ, tiện nghi; (3) Khả năng tiếp cận; (4) Nguồn nhân lực; (5) Hình ảnh và nét đặc trưng của điểm đến du lịch; (6) Giá cả. Có thể thấy quần thể Cố đô Hoa Lư hội đủ các điều kiện để trở thành một điểm đến đến tích hợp, với các tiêu chí (1) và (5) được đánh giá ở mức chất lượng hàng đầu trên phạm vi cả nước. Các tiêu chí còn lại chính là các mục tiêu cần đạt đến của công tác quy hoạch tổng thể trước mắt cho khu vực này.

Các giải pháp thích hợp cho quần thể Cố đô Hoa Lư: Bảo tồn, Tôn tạo, Tái phát triển

Trước hết cần phải nói rằng, đứng trước một khu vực hay công trình có các yếu tố di sản cần bảo vệ và phát huy, ta có ba cấp độ xử lý, tùy theo mức độ quan trọng và tình huống đô thị: Bảo tồn lịch sử, Tôn tạo di sản và Tải phát triển. Quần thể Di sản thế giới Tràng An, trong đó có di tích cố đô Hoa Lư, nằm trên một địa bàn giáp ranh giới 3 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Việc đưa ra một bản danh sách các di sản, phù hợp với các cấp độ xử lý nói trên, là một việc hết sức cần thiết và cấp bách.

(i) Bảo tồn lịch sử: Trên thế giới, cấp độ thứ nhất áp dụng cho các công trình di sản đặc biệt khi cần giữ nguyên hiện trạng lịch sử, giữ đến từng chi tiết như màu sơn và vật liệu khởi thủy. Tại cố đô Hoa Lư, cấp độ bảo tồn lịch sử bao gồm một loạt các hiện vật lịch sử được lưu giữ nguyên trạng, đặc biệt là thông qua các hoạt động khảo cổ gần đây.

(ii) Tôn tạo di sản: Các nghiên cứu gần đây trên thế giới, đặc biệt của các thành viên tích cực thuộc ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế) đã chỉ ra rằng cấp độ hai hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Tôn tạo di sản cho phép chúng ta tận dụng mọi nguồn lực để nhanh chóng phát triển Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó có cố đô Hoa Lư, mà không phải máy móc giữ ở trạng thái bất biến tất cả các thành tố vật thể ở đây.

(iii) Tái phát triển: Với một diện tích hơn 13km2 của toàn bộ Khu Di sản Thế giới Tràng An, các hoạt động phát triển đô thị (hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhà ở, tiện nghi công cộng) chắc chắn sẽ diễn ra một cách bình thường như ở các đô thị khác để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao về kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư cũng như của một số lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên các hoạt động phát triển tại khu vực này cần được đặt dưới một sự chỉ đạo nghiêm ngặt của chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa nhằm phù hợp với các yêu cầu của Khu Di sản Thế giới. Các tiện nghi đô thị và các công trình kiến trúc, ngoài việc thỏa mãn công năng thông thường, cần phải phản ánh được, ở mức độ có thể, bản sắc văn hóa – lịch sử đặc biệt của khu vực này.

Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, nhân sinh quyền

Tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao bù trừ tín chỉ carbon, nhân sinh quyển đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách tỉnh được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trình tự, thủ tục và quyết định việc lựa chọn nhà đầu tư. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon, nhân sinh quyền là nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon, nhân sinh quyền cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Xây dựng Chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về đô thị di sản Thiên niên kỳ Ninh Bình

Từ góc độ chính sách, những nhân tố quan trọng nhất đối với đô thị di sản Thiên niên kỷ Ninh Bình bao gồm: khai thác ưu thế của vị trí, giá trị độc đáo, kết nối với thị trường trong và ngoài nước, đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, chính quyền hiệu quả và hiệu lực, trở thành một đô thị di sản thiên niên kỷ đáng sống và hấp dẫn. Với mục tiêu và định hướng của phát triển trong thời gian tới, Ninh Bình cần một vị thế mới, một hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình sắp tới để tăng tốc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển. Ninh Bình với vị thế và tầm nhìn hiện nay, cần thiết phải thoát ra khỏi hình ảnh đô thị “bảo tồn di sản”, để hướng tới một đô thị độc lập, hiện đại, phát triển bền vững, là động lực kinh tế của Vùng và cả nước, một thành phố đáng sống với người dân mọi miền đất nước, toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, Ninh Binh cần có một chiến lược marketing (tiếp thị) địa phương bài bản, khoa học, song song với việc đảm bảo thực thi chiến lược một cách hiệu quả.

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đáng sống

Doanh nghiệp, người giỏi và các hộ gia đình khá giả là ba đối tượng cần thu hút và giữ chân đối với Ninh Bình. Ba đối tượng này có đặc điểm là họ có khả năng và biết chọn những nơi có thể tạo ra giá trị tốt nhất cho mình (doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, người giỏi muốn thi thố tài năng và khẳng định mình, người khá giả muốn có cuộc sống tốt hơn). Đặc biệt với doanh nghiệp và người có khả năng, cạnh tranh theo nguyên tắc “người thổi sáo hay nhất nên được trao cây sáo tốt nhất” là cách thức tốt nhất để bản thân mỗi cá nhân (doanh nghiệp và con người) tốt lên và cả xã hội cũng tốt lên. Do vậy, chính sách để có thể thu hút doanh nghiệp và người có khả năng đến Ninh Bình tổ chức kinh doanh và lập nghiệp đó chính là sân chơi bình đẳng cạnh tranh một cách sòng phẳng. Đây là điều mà Ninh Bình cần hướng tới.

Xây dựng chính quyền hiệu quả và hiệu lực

Xây dựng chính quyền điện tử gắn với hạ tầng số: đổi mới tư duy về quản trị nhà nước trong kỷ nguyên số để hướng đến quản trị công trong môi trường mở; Xây dựng hình ảnh, thương hiệu của địa phương trên không gian mạng thông qua nền tảng số; Xây dựng chính quyền điện tử gắn với thành phố thông minh; Phát triển chính quyền điện tử trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm.

Xây dựng Đô thị di sản Thiên niên kỷ gắn với đô thị 4.0

Ninh Bình có thể xem xét xây dựng một khu trung tâm mới với các sáng kiến gồm: (i) Trung tâm du lịch kết nối với thế giới; (ii) Bảo tồn gần với khai thác các giá trị di sản văn hoá – thiên nhiên; (iii) khu đô thị gắn với kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh; (iv) Mô hình quản lý (chính quyền đô thị) hiện đại; và (v) Khai thác giá trị từ đất cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, và áp dụng các chính sách về thuế và phí liên quan đến bất động sản để có đủ nguồn thu cho việc vận hành và bảo dưỡng đô thị.

KẾT LUẬN

Sự phát triển của Ninh Bình trong hiện tại và tương lai, đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì tỉnh Ninh Bình sẽ đảo ngược tình thế để bứt phá phát triển rất nhanh. Do đó, mô hình phát triển của tỉnh Ninh Bình trong những thập niên tới cần hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được bất lợi thế hiện nay thành những lợi thế với một chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá, vươn lên, cùng với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo; giữa chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi hóa của Trung ương được thể chế hoá, tích hợp và hội tụ với cách làm linh hoạt và sự vận dụng sáng tạo của địa phương, nhằm hóa giải bài toán giữa phát triển kinh kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của Cố đô Hoa Lư, vùng di sản Tràng An. Cùng với cách tiếp cận đa chiều, toàn diện và bền vững rất cần có các giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội nhằm chuyển hóa việc bảo tồn, phát huy di sản thành động lực cho phát triển các ngành kinh tế phù hợp, đặc biệt cho ngành du lịch; huy động nguồn lực trong việc bảo tồn và khai thác di sản; quy hoạch đô thị gắn với đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách bảo vệ di sản, môi trường di sản./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UBND tỉnh Ninh Bình, Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  2. UBND tỉnh Ninh Bình (2023), Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  3. Sở Du lịch, Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
  4. Bùi Văn Mạnh (2020), Xây dựng thương hiệu di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số tháng 11/2020.
  5. Hữu Phê, H., & Wakely, P. (2000). Hiện trạng, chất lượng và những sự đánh đổi khác: Hướng tới một lý thuyết mới về vị trí dân cư đô thị. Nghiên cứu đô thị, 37(1), 7- 35.
  6. Maitland, R. (Ed.). (2014): Du lịch ở thủ đô các quốc gia và sự thay đổi toàn cầu. Routledge.
  7. A., González-Rodríguez, M. R., & Patuleia, M. (2023): Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch sáng tạo: Một mô hình và chương trình tích hợp cho nghiên cứu trong tương lai. Tạp chí Công nghiệp Sáng tạo, 16(2), 180-203

TS Hà Huy Ngọc; PGS.TS Bùi Quang Tuấn – Viện Kinh tế Việt Nam



Nguồn

Exit mobile version