Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

VSIP đang xin báo cáo ĐTM cho khu công nghiệp hơn 4.900 tỷ đồng tại Thái Bình

VSIP hiện là “ông lớn” đầu ngành trong mảng phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang lấy ý kiến, chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP).

Khu công nghiệp VSIP Thái Bình có diện tích hơn 344 ha, thuộc hợp phần khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Tân Trường (quy mô 434 ha). Dự án có tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD (tương đương hơn 4.930 tỷ đồng).

Khu công nghiệp VSIP Thái Bình nằm tại hai xã An Tân và Thụy Trường, huyện Thái Thụy. Trong đó, phần đất tại xã An Tân chiếm gần 78,5%. Khu này cách cảng Diêm Điền khoảng 10 km và cảng Đình Vũ Hải Phòng 40 km.

Mục tiêu của VISP Thái Bình là thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch. Chủ đầu tư dự kiến cùng cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp, để đảm bảo không chuyển giao công nghệ lạc hậu, cũ gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp này.

Nhà đầu tư dự kiến từ nay đến hết năm là thời gian thẩm định ĐTM và thiết kế. Tuy nhiên, VSIP chưa nêu thêm thông tin chi tiết về tiến độ triển khai, thời gian vận hành khu công nghiệp này trong báo cáo ĐTM.

Hiện, VSIP có hơn 10 dự án khu công nghiệp vận hành trên toàn quốc, tính từ 1996 đến nay. Bên cạnh Thái Bình, năm ngoái, chủ đầu tư này cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm khu công nghiệp ở Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bình Thuận.

Tỉnh Thái Bình hiện có 10 khu công nghiệp, trong đó 4 dự án thuộc khu kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp ở 8 huyện, thành phố với tổng quy mô gần 3.000 ha. Theo quy hoạch tới 2030 được Chính phủ duyệt, tỉnh này là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng.

“Sức khỏe” tài chính của VSIP

Về bức tranh tài chính, mới đây, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và người sở hữu trái phiếu.

Theo báo cáo, VSIP ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm qua, lợi nhuận sau thuế đạt 1.703 tỷ đồng, giảm 24,6% so với năm trước (2.258 tỷ đồng).

Tính đến thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của VSIP là 14.357 tỷ đồng, giảm 2,1% so với đầu năm (14.664 tỷ đồng).

Đáng chú ý, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của “ông lớn” bất động sản khu công nghiệp này tăng mạnh từ 0,67 lần (tương ứng 9.825 tỷ đồng) hồi đầu năm, lên 1,45 lần (tương ứng 20.817 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023. Như vậy, trong năm qua nợ phải trả của VSIP đã tăng gần 11.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 0,07 lần (tương ứng 1.000 tỷ đồng) hồi đầu năm, lên 0,21 lần (tương ứng 3.000 tỷ đồng) vào thời điểm cuối năm 2023. Tương ứng, năm qua dư nợ trái phiếu của VSIP đã tăng thêm 2.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh sụt giảm, khiến tỷ suất lượi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2023 của VSIP là 11,74%, giảm đáng kể so với con số này đạt được ở năm 2022 là 16,73%.

Được biết, VSIP là liên doanh lớn nhất của Becamex IDC hợp tác cùng Tập đoàn Sembcorp, thành lập 1996. Đến nay, đã có 12 VSIP trên khắp cả nước, thu hút tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 17 tỷ USD và đã tạo ra hơn 300.000 việc làm tại Việt Nam.

Trong các công ty liên doanh, VSIP là liên doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM). Lãnh đạo Becamex IDC cho biết liên doanh này sẽ được IPO trong tương lai để nâng tầm phát triển.

Một số KCN được VSIP đầu tư được biết đến rộng rãi như: VSIP I Bình Dương, VSIP II Bình Dương, VSIP III Bình Dương, VSIP Bắc Ninh, VSIP Hải Phòng, VSIP Quảng Ngãi, VSIP Hải Dương, VSIP Nghệ An và Becamex VSIP Bình Định, …

Nguồn

Exit mobile version