Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Vì sao xe điện bùng nổ?

Doanh số xe điện toàn cầu tăng hơn 30% trong tháng 9

Xe xăng dần nhường chỗ cho xe điện

Thị trường ô tô Việt Nam tháng 9 chứng kiến cột mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên hãng xe điện Việt Nam đã vượt qua tất cả thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường. Số xe bán ra trong 1 tháng của hãng xe Việt gấp 1,5 lần Toyota ở vị trí thứ 2, thậm chí gấp 2 – 3 lần so với những hãng như KIA, Honda, Ford… Nối tiếp đà thành công tháng 9, VinFast tiếp tục bàn giao số lượng lớn ô tô điện cho khách hàng trong tháng 10 với hơn 11.000 chiếc, nâng tổng số lũy kế lên hơn 51.000 chiếc, giữ vững vị trí thương hiệu ô tô bán chạy số 1 thị trường Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.

Sự kiện VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam là dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, VinFast không chỉ khẳng định vị thế vững chắc mà còn chính thức vượt qua các hãng xe nước ngoài để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đáng chú ý, cột mốc đáng nhớ này của VinFast được ghi nhận chỉ sau hơn 2 năm kể từ khi chính thức chuyển hướng sang thuần điện. Đây là điều chưa hãng xe nào trên thế giới có thể làm được.

Cuộc bứt tốc của VinFast phản ánh xu hướng dịch chuyển thói quen di chuyển rõ rệt của người Việt, không nằm ngoài xu hướng của người dùng trên khắp thế giới. Theo dữ liệu được công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion công bố ngày 15.10, doanh số xe điện toàn cầu, bao gồm xe thuần điện (BEV) và xe hybrid sạc điện (PHEV), đã đạt 1,69 triệu xe trong tháng 9. Trong đó, doanh số xe điện tại Trung Quốc tăng 47,9% và đạt 1,12 triệu chiếc, trong khi thị trường Mỹ và Canada ghi nhận doanh số tăng 4,3% lên 150.000 chiếc.

Tại châu Âu, doanh số xe điện tăng 4,2% lên 300.000 chiếc, nhờ mức tăng trưởng 24% của thị trường Vương quốc Anh cùng với tăng trưởng doanh số tại Ý, Đức và Đan Mạch. Bộ phận nghiên cứu ô tô tại Rho Motion dự đoán doanh số bán xe điện tại châu Âu sẽ đạt 3,78 triệu chiếc vào năm 2025 và 9,78 triệu chiếc vào năm 2030, lần lượt thấp hơn 24% và 19% so với ước tính trước đó.

Tương tự, thị trường xe điện tại Mỹ vẫn đang trên đà lập kỷ lục với cả xe mới và xe cũ. Theo báo cáo từ Cox Automotive, tính đến hết tháng 10, hơn 1 triệu xe điện mới đã được bán ra tại Mỹ, ghi nhận mức tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 10 chứng kiến 106.155 xe điện mới được bán ra, tăng 2,3% so với tháng 9. Hiện tại, xe điện chiếm 7,9% thị phần xe mới tại Mỹ, bất chấp sự sụt giảm chung của ngành ô tô.

Trên khắp thế giới, xe điện đang liên tiếp xác lập kỷ lục, tiến tới “cuộc xâm lăng xanh” giành vị trí từ những phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

Tỷ lệ trung thành với xe điện cao phần nào được lý giải bởi các yếu tố vượt trội như chi phí vận hành thấp hơn, thân thiện với môi trường, và cảm giác lái tốt hơn

Chọn xe điện, không chỉ vì môi trường

Trong tất cả những bài viết phân tích về sự trỗi dậy của xe điện đến từ giới chuyên gia toàn cầu, yếu tố đầu tiên được nhắc tới đó là ý thức chuyển đổi vì một môi trường xanh, bền vững.

Thực tế người dân đang phải hàng ngày đối mặt với những tác động trực tiếp từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường. Khái niệm “mùa ô nhiễm” đang ngày càng trở nên quen thuộc đối với các đô thị lớn tại Việt Nam, khi mà nhiệt độ hạ thấp, ít gió, độ ẩm cao, tạo môi trường cho các chất ô nhiễm lơ lửng trong không khí, lớp bụi mịn dày đặc khó khuếch tán. Lớp bụi mịn và ô nhiễm không khí trầm trọng đến từ các phương tiện giao thông (nguồn đường), các nhà máy sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh (nguồn địa phương).

Nghiên cứu của PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí (thuộc Viện Môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM) cùng các cộng sự chỉ ra rằng: Tại Hà Nội, các phương tiện giao thông chiếm lượng phát thải lớn nhất với hầu hết các khí độc có trong không khí: ôxit ni tơ (NOx) 87%, carbon monoxide (CO) 92%, điôxit sulfur (SO2) 57%, hợp chất hữu cơ dạng khí không chứa mê tan (NMVOC) 86%, khí mê tan (CH4) 96%, bụi mịn PM2.5 74%. Trong số các phương tiện giao thông, thủ phạm hàng đầu thải 2 loại khí độc NOx và CO ở Hà Nội là xe máy. Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự, các khí độc phát thải chủ yếu từ nguồn giao thông.

Đi cùng với “mùa ô nhiễm” là tới “mùa bệnh”. Ô nhiễm không khí, khói bụi… khiến môi trường ngột ngạt, khó thở. Bụi mịn còn được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” gây nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm.

Chạy xe công nghệ từ sáng đến tối, chú T.M (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) ám ảnh khi mỗi tối về tới nhà thì áo khoác, mũ, găng tay, trán (phần hở ra khi đeo khẩu trang) đều phủ đen đầy bụi. Tái phát viêm xoang, viêm mũi dị ứng, vợ con chú T.M cũng lần lượt cảm cúm, ho, sốt kéo dài cả tuần. “Từ giờ, trên mỗi cuốc xe còn phải tính thêm cả tiền mua khẩu trang nữa. Phải mua loại khẩu trang dày, chống bụi mịn mới đỡ được với cái thời tiết này. Đường sá ngày càng kẹt xe, bụi bặm, ô nhiễm. Không đi làm thì không được, mà đi thì bệnh còn tốn tiền thuốc thang hơn” – người đàn ông tuổi ngoài 60 cám cảnh.

Ô nhiễm không khí đang đe dọa tới cuộc sống, sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của con người

TS Nguyễn Sơn, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là người trẻ tuổi với thu nhập trung bình và cao, đã bắt đầu coi bảo vệ môi trường là một trong những động lực quan trọng khi tìm hiểu mua xe. Điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới giao thông bền vững và cũng là thành quả của truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố đầu tiên hình thành nên sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về xe điện nói chung.

Thế nhưng, sức hấp dẫn của xe điện không chỉ xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, mà còn đến từ chính những tính năng ưu việt khiến người dùng loại phương tiện xanh này không muốn trở lại với xe xăng.

“Nhà tôi từng có xe xăng, nhưng khi đó tôi ít lái vì e ngại, không tự tin làm chủ khi đi trong đô thị đông đúc. Tuy nhiên, khi cầm lái VF 8, mọi thứ thay đổi hoàn toàn, những tính năng thông minh, hỗ trợ người lái giúp tôi tự tin điều khiển xe cả ngày. Khi chồng tôi ấp ủ kế hoạch mua VF 8, tôi cũng khá băn khoăn, tuy nhiên sau thời gian cầm lái, VF 8 lại là bạn đồng hành thân thiết. Chiếc xe giúp những chị em phụ nữ như mình không còn e ngại bất kỳ cung đường nào”, chị Đặng Huyền, một chủ xe VF 8, chia sẻ về quá trình sử dụng chiếc D-SUV điện của VinFast.

Đặc biệt, với những trợ thủ công nghệ đắc lực tích hợp trên xe, cùng hệ thống trạm sạc rộng khắp cả nước, những chiếc xe điện VinFast đã đồng hành cùng không ít tài xế thực hiện hàng loạt chuyến đi dài, những hành trình xuyên Việt trong suốt thời gian qua. Nhiều chủ xe điện thừa nhận, việc chuyển sang sử dụng xe điện là chính xác bởi những chi phí cực kỳ tiết kiệm. “Nếu bạn đi trung bình 1.000 km/tháng, chi phí sạc điện chỉ khoảng 400.000 đồng, tương đương 400 đồng/km”, anh Trần Minh Kiên, một chủ xe VF 5 Plus tại Hà Nội, cho biết.

Kết quả khảo sát hơn 23.000 người dùng ô tô điện tại 18 quốc gia, do Liên minh Xe điện Toàn cầu (GEVA) thực hiện chỉ ra rằng: Chỉ 1% người được hỏi cho biết chắc chắn sẽ quay lại sử dụng xe động cơ đốt trong. Trong số 7% còn lại, 4% nghiêng về lựa chọn xe hybrid cắm sạc (PHEV) và số còn lại chưa đưa ra quyết định. Tỷ lệ trung thành với xe điện cao phần nào được lý giải bởi các yếu tố vượt trội như: chi phí vận hành thấp (chiếm 45% số phiếu khảo sát); thân thiện với môi trường toàn cầu (40%), bảo vệ môi trường địa phương (32%), cảm giác lái chắc chắn (21%), và chi phí bảo dưỡng thấp (18%).

Dù còn nhiều hạn chế, khảo sát của GEVA cho thấy xu hướng rõ ràng: phần lớn người dùng xe điện hài lòng với sự lựa chọn của mình và không có ý định quay lại với xe động cơ xăng hoặc diesel. Điều này phản ánh một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi sang phương tiện giao thông bền vững và thân thiện với môi trường.


Nguồn

Exit mobile version