Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 24/12 với mức 25.435 VND/USD, giảm 17 đồng so với phiên 23/12 và giảm 20 đồng so với cuối tuần trước.
Như vậy, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã xuống dưới mức giá bán USD can thiệp của Ngan hàng Nhà nước (NHNN) tại 25.450 đồng/VND. Đồng thời, theo các nguồn tin từ thị trường liên ngân hàng, NHNN đã không phải bán thêm USD trong hai phiên đầu tuần này.
Trước đó, tỷ giá liên ngân hàng đã vượt giá bán USD can thiệp và NHNN đã phải bán ra lượng lớn ngoại tệ trong 3 phiên cuối tuần trước để ổn định thị trường. Đây là lần đầu tiên hệ thống ngân hàng cần tới nguồn hỗ trợ ngoại tệ từ Nhà điều hành trong hơn 5 tháng qua.
“Đà tăng của tỷ giá có dấu hiệu chững lại khi NHNN bán USD ra thị trường trong ba ngày liên tiếp, đồng thời chỉ số USD Index đã suy yếu trở lại sau dữ liệu lạm phát của Mỹ” Bộ phận nghiên cứu thị trường Ngân hàng ACB nhận định.
Trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, NHNN đã chuyển sang trạng thái bơm ròng thanh khoản VND cho hệ thống ngân hàng, sau khi hút ròng mạnh vào tuần trước.
Cụ thể, trong phiên 23/12, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố giấy tờ có (OMO), kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, toàn bộ khối lượng này trúng thầu và có 1.000 tỷ đồng đáo hạn. NHNN cũng chào thầu tín phiếu ở kỳ hạn 07 ngày và có 2.800 tỷ đồng trúng thầu, 6.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tính chung, NHNN bơm ròng 22.200 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở trong phiên 23/12.
Đến phiên 24/12, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO), kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, có 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu và có 999,93 tỷ đồng đáo hạn. NHNN cũng tiếp tục chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 07 ngày và có 3.650 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,0%, trong khi có 1.150 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tính chung, NHNN bơm ròng 11.500 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở trong phiên 24/12.
Như vậy, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 33.700 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng kể từ đầu tuần này. Đảo ngược lại phần nào mức hút ròng gần 71.500 tỷ đồng trong tuần trước.
Động thái bơm ròng của NHNN được cho là nhằm hỗ nhu cầu thanh khoản thị trường trong giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, đây là xu hướng thường thấy tại thời điểm này trong các năm trước. Tuy vậy, áp lực tỷ giá được đánh giá sẽ là yếu tố khiến NHNN phải cân nhắc để sử dụng nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng vừa đủ nhằm duy trì trạng thái thanh khoản ở mức hợp lý để có sự cân bằng giữa lãi suất VND và USD.
Thực tế, dù đã hạ nhiệt nhưng USD Index – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh – hiện vẫn duy trì ở vùng cao nhất trong hơn 2 năm qua. Trong nước, tỷ giá liên ngân hàng vẫn dao động quanh vùng giá bán can thiệp của NHNN, còn tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng vẫn tiếp tục được đưa lên kịch trần cho phép. Những yếu tố này sẽ khiến Nhà điều hành khó có thể mạnh tay bơm ròng thanh khoản VNĐ cho hệ thống ngân hàng.
Khác với các năm trước, đến cuối năm nay, NHNN vẫn đang phải duy trì kênh phát hành tín phiếu để giữ lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng không giảm quá sâu. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ, ở mức 4%/năm.
Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN vẫn sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ.
Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kìm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.