Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Tỷ giá vẫn ‘căng’ dù NHNN đã bán can thiệp 3 tỷ USD

Ảnh minh họa

Hôm nay (23/5), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.258 VND/USD, tăng 4 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Đây là phiên điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thứ tư liên tiếp của NHNN với tổng mức tăng là 19 đồng. Trong khi đó, giá bán USD can thiệp tiếp tục được NHNN giữ ở mức 25.450 VND/USD.

Với biên độ áp dụng biên 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch dao động trong khoảng 23.045 – 25.471 VND/USD.

Trên thị trường ngân hàng, giá bán USD tại các nhà băng trong sáng nay tiếp tục được điều chỉnh tăng theo biến động của tỷ giá trung tâm, lên sát trần cho phép.

Theo đó, tất cả ngân hàng được khảo sát đều tăng giá bán USD lên mức 25.470 VND/USD, chỉ kém trần cho phép 1 đồng. Chênh lệch 1 đồng mang tính hình thức này cho thấy áp lực tăng tỷ giá vẫn còn lớn, đồng thời với việc giá bán USD của các ngân hàng liên tục cao hơn giá bán can thiệp phản ánh sức ép đối với dự trữ ngoại hối.

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng lúc 10h ngày 23/5

Tình trạng giá USD tại các ngân hàng kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép đã diễn ra trong suốt gần 1 tháng qua, dù NHNN đã liên tục thực hiện bán ngoại tệ can thiệp. Theo các nguồn thạo tin trên thị trường, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến hết ngày hôm qua đã chạm mốc 3 tỷ USD.

Giá bán chạm trần, một số ngân hàng đã chuyển hướng sang điều chỉnh tăng mạnh giá mua trong những phiên gần đây. Hiện nay, chênh lệch giá mua – giá bán tại các ngân hàng đã giảm về còn khoảng 200 – 230 đồng/USD, thấp hơn nhiều so với 330 – 370 đồng/USD cách đây 1 tháng.

Thông thường khi biến động tỷ giá tăng, chênh lệch giá mua – bán cũng tăng để bù cho rủi ro biến động lên xuống. Chênh lệch này giảm khiến các ngân hàng chịu nhiều rủi ro hơn và khó đưa ra quyết định mua bán, vì vậy có xu hướng làm giảm thanh khoản giao dịch ngoại hối trên thị trường. Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua – bán giảm cũng cho thấy áp lực tỷ giá vẫn còn khá căng thẳng.

Trong bối cảnh tỷ giá vẫn nóng, NHNN đã tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu phiên 22/5. Theo đó, lãi suất cho vay trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm trong phiên trước đó lên 4,5%/năm. Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng tăng từ 3,9%/năm lên 4%/năm.

Giới phân tích cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng cao hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá . Đồng thời việc điều chỉnh này cũng giúp giảm lực bán ngoại tệ can thiệp, tránh hao tổn dự trữ nhanh như hồi năm 2022.

Nhìn lại diễn biến trong đầu quý 2/2022, NHNN đã thực hiện bán kỳ hạn lượng lớn USD nhằm ổn định thị trường ngoại tệ sau khi Fed liên tục tăng lãi suất, gây sức ép mất giá cho đồng VNĐ. Tuy nhiên, trước áp lực tỷ giá vẫn lớn, đến giữa tháng 7/2022, NHNN đã chuyển từ hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sang hợp đồng giao ngay và tăng giá bán thêm 150 đồng, lên mức 23.400 đồng/USD, dù trước đó đã tăng 200 đồng vào trung tuần tháng 5/2022.

Theo thống kê của giới phân tích, trong 9 tháng đầu năm 2022 với tâm điểm là quý 3/2022, lượng ngoại tệ mà NHNN đưa ra can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2021.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, NHNN cũng đặt vấn đề quản lý tỷ giá và điều hành trong thời gian tới.

“Do độ mở của nền kinh tế nên việc điều hành tỷ giá lúc này rất quan trọng, NHNN sẽ điều hành tỷ giá một cách hợp lý”, Phó Thống đốc nói.

Theo ông Tú, NHNN đã có những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như: điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỷ giá và tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. NHNN đã đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, khi buộc phải bán ngoại tệ.

“Rất mong các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng không nên kỳ vọng, găm giữ, đầu tư ngoại tệ để có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế, để các DN, NHTM cùng thực hiện hiện tốt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế”, ông Tú nói.

Nguồn

Exit mobile version