Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Từ cảnh “không mối quan hệ, đường Sài Gòn còn không biết” đến “những công ty cho vay 400 tỷ đồng tín chấp”

Ngày 15/1, Diễn đàn Shark Tank Forum 2025 với chủ đề “Tăng trưởng bền vững – đón sóng đầu tư trong kỷ nguyên xanh” do TVHub, Nhà sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam và VTV Digital thực hiện, đã diễn ra tại TP.HCM.

Một trong những diễn giả tại sự kiện là ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group – công ty đã nhận hàng chục triệu USD đầu tư từ các quỹ phát triển bền vững lớn của châu Âu.

Tôi đến từ Hải Phòng, học Đại học Ngoại thương ở Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn hồi năm 2000. Năm 2001, tôi thành lập Phúc Sinh và bắt đầu hành trình startup. Trong vòng 3 năm, chúng tôi xuất khẩu rất nhiều nông sản. Nhưng điều quan trọng là ngành nông sản cần rất nhiều tiền.

Vậy làm thế nào tôi có thể vay được tiền? Tôi là người nhập cư, đường Sài Gòn còn không biết, gần như không có mối quan hệ. Vì vậy, tôi nghĩ một trong những nơi có thể vay là ngân hàng ”, ông Thông kể về thuở đầu khởi sự với Phúc Sinh.

Để huy động được vốn, yếu tố chủ chốt mà ông Thông chỉ ra là phải minh bạch tài chính. Ông nhấn mạnh gần 20 năm qua, Phúc Sinh đã dùng dịch vụ của Big 4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới) để kiểm toán cho tất cả các nhà máy và công ty trong hệ sinh thái.

Điều này rất hiệu quả trong việc vay tín dụng. Thực tế là chúng tôi đã vay được khá nhiều tiền. Một công ty tư nhân lúc đó làm gì có nhiều tài sản. Nhưng đến bây giờ, có những công ty cho chúng tôi vay 400 tỷ đồng tín chấp. Hiện tại, tín dụng của chúng tôi khoảng hơn 3.000 tỷ, nhưng chỉ khoảng 17% là mortgage (khoản vay có tài sản thế chấp) ”, Chủ tịch Phúc Sinh tiết lộ.

Yếu tố thứ hai mà các doanh nghiệp cần quan tâm là số hóa. Theo ông Thông, Phúc Sinh bắt tay vào làm ERP (hệ thống quản lý thông tin, tự động hóa quy trình) từ năm 2005, đến năm 2006 cho chạy thử. 18 năm qua, công ty vẫn liên tục đầu tư vào công nghệ thông tin.

Tới nay, Phúc Sinh đã xuất khẩu nông sản đến 102 quốc gia trên toàn thế giới, được coi là “vua tiêu” khi chiếm đến 8% thị phần xuất khẩu toàn cầu từ năm 2007, doanh số xuất khẩu mỗi năm khoảng 300 triệu USD. Tuy nhiên, ông Thông thừa nhận hành trình phát triển của Phúc Sinh cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn 2010 – 2012.

Thời điểm đó, nếu công ty không có chứng nhận, chúng tôi sẽ bị loại bỏ và các đối tác sẽ tìm đến những lựa chọn khác ”, Chủ tịch Phúc Sinh nói. Chính vì vậy, công ty đã đầu tư vào công nghệ, đổi mới quy trình và chú trọng nhiều hơn vào yếu tố ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Ông Thông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các quỹ phát triển bền vững trong quá trình tăng trưởng của Phúc Sinh. Công ty đã nhận được đầu tư từ 3 quỹ phát triển bền vững lớn của Hà Lan, bao gồm 25 triệu USD từ Quỹ &Green, 470.000 USD từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD), và 15 triệu USD từ một quỹ khác.

Cách đây 3 năm, chúng tôi quyết định gọi thêm vốn bởi quy mô đã phát triển hơn. Với quỹ đầu tiên làm việc cùng là &Green, sau 26 tháng chúng tôi nhận được toàn bộ khoản tiền đầu tư, thay vì nhận trong 7 năm ”, ông Thông chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo của Phúc Sinh, 3 yếu tố quan trọng để một doanh nghiệp có thể thu hút được các quỹ đầu tư phát triển bền vững bao gồm:

– Quản trị công ty tốt: Một hệ thống quản lý tài chính và tổ chức rõ ràng là yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin.

– Môi trường minh bạch: Đảm bảo doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, sử dụng các công ty kiểm toán uy tín.

– Kỷ luật trong đầu tư : Doanh nghiệp cần đầu tư vào những dự án có chiều sâu, tránh đầu tư dàn trải, chú trọng phát triển bền vững.

Nguồn

Exit mobile version