Chưa cao so với hơn mặt bằng xung quanh?
Sáng 20.8, ông Nguyễn Chí Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Hoài Đức, đã trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc người dân thức xuyên đêm để đấu giá 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc (xã Tiền Yên, H.Hoài Đức, Hà Nội).
Theo ông Hiệu, dự án ở thôn Lòng Khúc là một trong những dự án tốt nhất trên địa bàn thuộc diện được rà soát. Tại đây, gần như lô đất nào cũng có 2 mặt tiền, mặt trước là đường giao thông, mặt sau là đường nội bộ.
Xuyên đêm đấu giá đất ngoại thành Hà Nội, gấp 18 lần giá khởi điểm
Cạnh đó, theo quy hoạch phân khu, xung quanh khu đất này có nhiều dự án, gồm: Vành đai 4 – Vùng thủ đô, trường học, cây xanh thể thao và đê tả sông Đáy đã được nâng cấp.
Về băn khoăn khi có lô đất trúng đấu giá hơn 133 triệu đồng/m2, ông Hiệu cho biết, qua tìm hiểu thì so với mặt bằng giá đất ở các xã xung quanh như An Thượng, An Khánh, Vân Canh thì giá trúng tại phiên đấu giá 19 lô đất là “chưa cao hơn”.
Đối với H.Hoài Đức, khi thực hiện đấu giá đã đưa ra tiêu chí dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo nguồn thu theo đúng giá trị. Việc phê duyệt giá khởi điểm được thực hiện theo Nghị định 12 của Chính phủ về giá đất. Ngoài ra, phương án đấu giá là 6 vòng bắt buộc sau đó mới xét kết quả trúng đấu giá…
“Theo luật Đấu giá tài sản thì có nhiều hình thức đấu giá và số vòng tối đa khi tiến hành đấu giá do đơn vị có tài sản và đơn vị tư vấn xây dựng nhằm đảm bảo không có tiêu cực xảy ra”, ông Hiệu khẳng định.
Lý giải về việc phiên đấu giá 19 lô đất kéo dài đến 4 giờ 30 ngày hôm sau mới kết thúc, ông Hiệu cho rằng, do phiên đấu giá có hơn 500 khách hàng tham dự với khoảng 1.500 hồ sơ. Cùng với đó là “độ nóng” từ các phiên đấu giá đất ở các huyện Đan Phượng và Thanh Oai trong thời gian vừa qua đã khiến khách hàng tham gia tương đối đông vì vừa với tiềm lực kinh tế của mình.
Môi giới hét giá sang tay 300 – 600 triệu đồng/lô
Theo ghi nhận vào sáng cùng ngày, tại dự án khu đấu giá thôn Lòng Khúc đã xuất hiện nhiều nhà môi giới. Điều này càng làm tăng thêm “sức nóng” của phiên đấu giá xuyên đêm vừa diễn ra ở H.Hoài Đức.
Một môi giới cho biết, các lô đất cũng được rao bán chênh ở mức 300 – 500 triệu đồng tùy diện tích, vị trí. Mức này có thể giảm dần so sau đó hoặc tăng lên tùy theo độ “nhiệt” của thị trường và độ “mặn mà” của các nhà đầu tư.
“Giá lô LK03-12 (lô góc 3 mặt tiền) có diện tích hơn 113 m2 trúng giá 133,3 triệu đồng/m2 được khách trúng đấu giá ký gửi giá sang tay là 300 triệu đồng. Riêng 2 lô trúng giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2 thì được ký gửi giá sang tay là 600 triệu đồng/lô, tương đương gần 98 triệu đồng/m2 sau khi bán thành công. Giá này vẫn rất hấp dẫn so với việc mua các lô đất khác”, một môi giới cho hay.
Như Thanh Niên đã đưa tin, phiên đấu giá 19 thửa đất tại thôn Lòng Khúc diễn ra ngày 19.8 đã kéo dài hơn 19 tiếng, đến 4 giờ 30 sáng hôm sau mới kết thúc.
Theo thông tin được đấu giá viên công bố, ở vòng đấu giá thứ 9, lô LK03-12 được trả giá cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2 (tương đương giá trị mảnh đất này là hơn 15 tỉ đồng). So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần. 16 lô còn lại có giá trúng từ 97,3 – 127,3 triệu đồng/m2. 2 lô trúng thấp nhất ở mức giá 91,3 triệu đồng/m2.
Để sở hữu lô đất, nhà đầu tư phải trải qua 6 vòng trả giá, với mỗi bước giá tối thiểu 6 triệu đồng/m2.
Các lô đất có diện tích từ 74 – 118 m2, với giá khởi điểm từ 7,3 triệu đồng/m2. Như vậy, mức đặt cọc của nhà đầu tư trong khoảng 109 – 173 triệu đồng/lô (tương đương 20% giá khởi điểm).