Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Trái phiếu doanh nghiệp ấm lại

Ngân hàng, bất động sản dẫn đầu

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sôi động trở lại với tổng giá trị phát hành mới đạt con số ấn tượng. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8.2024, có 227 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 215.583 tỉ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 8, tổng cộng có gần 49.000 tỉ đồng được huy động thành công thông qua TPDN. Các ngân hàng đang dẫn đầu trong cuộc đua huy động vốn khi có đến 42.000 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành. Đứng ở vị trí “á quân” huy động vốn là nhóm bất động sản với gần 5.000 tỉ đồng, thông qua 7 đợt phát hành. Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, WB nhận định thị trường TPDN có dấu hiệu phục hồi. Lượng phát hành tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.

Trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản luôn dẫn đầu về phát hành

Có thể kể đến như Ngân hàng MB phát hành thành công 10.000 tỉ đồng, Vietinbank phát hành 5.000 tỉ đồng, SHB phát hành 3.000 tỉ đồng, Agribank phát hành 10.000 tỉ đồng… Trái phiếu bất động sản cũng có sự phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái. Như mới đây HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (mã KBC) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3 với giá trị tối đa 1.000 tỉ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo; kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 10,5%/năm.

Công ty cho biết, số tiền huy động sẽ được dùng để cơ cấu lại các khoản nợ của Kinh Bắc và các đơn vị thành viên. Công ty Becamex IDC trong tháng 8 vừa qua cũng có hai đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 500 tỉ đồng. Các ông lớn như Vinhomes, Sun Group, Nam Long, Khang Điền… cũng đã phát hành các lô trái phiếu thành công. MBS Research dự báo, hoạt động phát hành TPDN sẽ sôi nổi hơn trong quý 4 khi thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần và hoạt động mở rộng sản xuất – kinh doanh đang tích cực hơn cùng sự phục hồi của nền kinh tế.

Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) dự báo: Nửa cuối năm 2024, nhóm ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng chính trong tổng giá trị phát hành TPDN mới. Nguyên nhân là các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn (CAR), nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng với mục tiêu tăng 15% toàn ngành trong năm 2024.

Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, trong nửa đầu năm 2024, hoạt động phát hành trái phiếu hồi phục với tốc độ chậm kể từ sau cuộc khủng hoảng về chậm trả gốc, lãi trái phiếu năm 2022. Trong khi nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp ngành này đang ưu tiên kênh tín dụng từ ngân hàng. Dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 13,1%, cao hơn hẳn so với đà tăng tín dụng chung.

Thêm nguồn vốn để triển khai dự án

Không chỉ thị trường TPDN ấm lên, tín hiệu tích cực còn thể hiện ở việc nhiều doanh nghiệp cũng đã đàm phán thành công gia hạn thanh toán. Điều này đã giúp họ có thêm thời gian, thêm nguồn vốn để triển khai dự án.

Chung cư The Manor

Đơn cử, hồi cuối năm 2023, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) công bố thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi trái phiếu đã phát hành trong năm 2021 và 2022. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã AGG) mới đây đã công bố tất toán lô trái phiếu cuối cùng trị giá 300 tỉ đồng trong tháng 5, qua đó đưa dư nợ trái phiếu về 0. Tương tự, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) cũng chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng từ cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt, trải qua khủng hoảng mới thấy dòng tiền là máu. Do đó, trong giai đoạn sắp tới, Phát Đạt sẽ tập trung nhiều thứ nhưng dòng tiền phải được ưu tiên. Đặc biệt là tập trung bán hàng, pháp lý, xây dựng để biến nội lực thành dòng tiền, không cho phép bất cứ khủng hoảng nào có thể tiếp tục xảy ra. Thuận lợi hiện nay là việc thị trường bất động sản trong nước đang ấm lên, các kênh dẫn vốn như TPDN cũng tăng trưởng tốt, giúp doanh nghiệp huy động được vốn để đầu tư dự án, có sản phẩm tung ra thị trường, từ đó có dòng tiền.

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao tại VIS Rating, cho rằng việc tiếp cận vốn (bao gồm cả tín dụng ngân hàng lẫn huy động trái phiếu) của doanh nghiệp bất động sản sẽ dễ thở hơn trong nửa cuối năm. Nhất là khi 3 luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 sẽ giúp các chủ đầu tư giải quyết các vấn đề về xác định giá đất và quyền sử dụng đất, từ đó tiếp cận được nguồn tài chính cho việc phát triển dự án mới. Huy động vốn trái phiếu phục hồi, tín dụng bất động sản kinh doanh ước tăng 16 – 18% trong năm 2024. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết công bố kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong năm nay, dự kiến có khoảng 26.000 tỉ đồng vốn chủ sở hữu mới sẽ được huy động cho phát triển dự án hoặc để trả nợ đáo hạn. Tất cả yếu tố đó sẽ giúp các chủ đầu tư giảm bớt khó khăn về thanh khoản do áp lực nợ đáo hạn lớn trong năm 2024 và 2025.

Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Maybank Investment Bank, thành viên sáng lập Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam Phan Dũng Khánh nhận xét: Thời kỳ trầm lắng nhất của thị trường TPDN đã qua và hiện nay giá trị phát hành đã tăng lên, thanh khoản đã có. Hiện các DN chậm trả lãi đã giảm dần, ngày một ít hơn. Một hiện tượng nữa là trước đây lãi suất huy động trái phiếu của các DN bất động sản thường ở tốp cao nhất, nhưng hiện nay đang có xu hướng giảm. Điều này chứng tỏ nguồn vốn đã bớt căng thẳng hơn. “Nếu trước đây lãi suất trái phiếu của tài chính ngân hàng và bất động sản chênh lệch khủng khiếp thì nay đã xích lại gần nhau hơn. Hiện nay các doanh nghiệp cũng đã đàm phán được với các trái chủ để gia hạn trái phiếu. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để thu xếp nguồn tài chính hoặc tái cấu trúc nợ. Thay vì tuyên bố mất khả năng thanh toán, họ có thể thỏa thuận với nhà đầu tư về việc gia hạn để tiếp tục trả nợ trong tương lai”, ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Các chuyên gia có chung quan điểm rằng, tín hiệu ấm lên của thị trường TPDN, nhất là lĩnh vực bất động sản xuất phát từ một số yếu tố tích cực đã giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời giúp doanh nghiệp tái cấu trúc nợ và tiếp tục phát triển dự án, từ đó cải thiện khả năng trả nợ cho trái chủ. Một số DN bất động sản lớn cũng đã có cơ hội tiến hành tái cấu trúc hoạt động, thu gọn bộ máy hoặc đẩy mạnh hoàn thiện các dự án đã và đang triển khai, nhằm cải thiện dòng tiền và tăng khả năng thanh toán trái phiếu. Nhu cầu về bất động sản, đặc biệt là nhà ở, vẫn tăng ở một số khu vực sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có cơ hội thu hồi vốn từ các dự án, từ đó cải thiện sức khỏe tài chính, đưa thị trường vào giai đoạn phát triển bền vững hơn.

Theo số liệu của VIS Rating, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,2 triệu tỉ đồng theo mệnh giá, tương đương gần 11% GDP danh nghĩa của năm 2023. Theo định hướng của Chính phủ tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 25% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Ước tính để có thể đạt được mục tiêu này, mỗi năm, lượng phát hành mới phải đạt từ 800.000 – 900.000 tỉ đồng. Thông điệp từ Chính phủ cho thấy, mặc dù trải qua những trục trặc gần đây nhưng trái phiếu doanh nghiệp vẫn được cơ quan quản lý định hướng là một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.


Nguồn

Exit mobile version