Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), trên địa bàn chỉ có 16 nhà lưu trú công nhân , đáp ứng khoảng 15% so với nhu cầu. Cụ thể, giai đoạn 2006 – 2014 có 11 công trình nhà lưu trú công nhân với 2.096 phòng, đáp ứng 13.812 chỗ ở cho công nhân; giai đoạn từ 2014 đến nay chỉ có 5 công trình nhà lưu trú công nhân với 1.647 phòng, đáp ứng 7.605 chỗ ở cho công nhân.
Theo Hepza, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân còn rất nhiều bất cập. Nguyên nhân lớn nhất là không còn quỹ đất để điều chỉnh quy hoạch thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động ngay trong ranh khu chế xuất, khu công nghiệp.
Việc điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án nhà lưu trú công nhân, công trình phục vụ tiện ích người lao động mất rất nhiều thời gian, công sức của nhà đầu tư do quy trình thủ tục phức tạp. Nhiều trường hợp phải rà soát lại các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tại các phân khu quy hoạch khác.
Một khu nhà lưu trú công nhân ở gần Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM.
Hepza cũng cho biết, theo quy định, đất xây dựng nhà lưu trú công nhân được miễn tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp xây dựng nhà lưu trú công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều phải thuê đất và trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Do đó, Hepza kiến nghị cần phải có hướng dẫn cụ thể để cho doanh nghiệp được hỗ trợ trả lại tiền hoặc trừ vào nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. Chủ đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ đầu tư của TPHCM nhưng hiện nay chính sách ưu đãi cho vay vốn đều cho người mua nhà, còn chủ đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân chưa được hưởng thụ chính sách này.
Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết hiện đang quản lý hơn 1,5 triệu lao động. Kết quả “Khảo sát đời sống công nhân tại khu nhà trọ, khu lưu trú trên địa bàn TPHCM” cho thấy, công nhân lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện phải sống trong các khu nhà trọ chất lượng thấp, không đạt tiêu chuẩn về diện tích ở tối thiểu, phải đối mặt với các vấn đề về sinh hoạt và dịch vụ công cộng, dịch vụ y tế và giáo dục còn nhiều hạn chế.
Các công nhân nếu chưa lập gia đình thường có xu hướng ở ghép để cùng nhau chia sẻ chi phí thuê trọ và các loại chi phí khác như điện, nước… Thông thường, tỷ lệ chi tiêu dành cho nhà ở của công nhân khoảng 10-15% so với tổng thu nhập. Số lượng công nhân tiếp cận với nhà ở xã hội hầu như bằng không do thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, không có khả năng tài chính do tiền lương, thu nhập thấp, không có tích luỹ.
Do đó, Liên đoàn Lao động TPHCM kiến nghị UBND TPHCM tạo điều kiện về quỹ đất để xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động; có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn , lãi vay, thủ tục hành chính để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, các khu nhà lưu trú cho công nhân; khi quy hoạch các khu chế xuất, khu công nghiệp cần phải có phần diện tích đất để nhà ở xã hội, nhà lưu trú phục vụ người lao động; thí điểm thực hiện chương trình “1.000 nhà ở xã hội cho công nhân”.