(KTVN 250) Thiết lập cấu trúc đô thị dựa trên hành lang xanh (HLX) được áp dụng trong đồ án quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011, được tiếp nối trong dự thảo Điều chỉnh QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2024 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Các đồ án đã xác định HLX là “chiến lược” để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và thích ứng với Biến đổi khí hậu (BĐKH). Bài báo nghiên cứu tổng kết cơ sở lý thuyết, kinh nghiệm thiết lập cấu trúc đô thị bền vững, đề xuất mô hình cấu trúc quy hoạch đô thị bền vững dựa trên hệ thống HLX.
Đặt vấn đề
Đồ án QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTG năm 2011 (gọi tắt là QHC 1259). Theo đó, Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng HLX (chiếm khoảng 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
Vừa qua, UBND TP Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện “Điều chỉnh QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065” và “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Các đồ án này hiện vẫn trong giai đoạn thẩm định và trình phê duyệt. Đô thị Hà Nội áp dụng “mô hình đô thị cấu trúc đa trung tâm, đa cực”, trong đó “phát triển nông nghiệp gắn với hình thành HLX bảo vệ môi trường Thủ đô, tạo hành lang kinh tế xanh”.
HLX đã được xác định như một “Chiến lược” để phát triển đô thị bền vững. Mô hình phát triển HLX cũng được áp dụng trong các đồ án điều chỉnh QHC TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng. Tuy nhiên việc thiết lập cấu trúc đô thị trên cơ sở “Chiến lược HLX” vẫn ở giải pháp có tính định hướng, chưa có cơ sở khoa học. Nhiều khái niệm đã được đưa ra như:“HLX sinh thái”, “HLX ven sông”,”HLX công cộng”, “HLX tự nhiên”, “HLX theo mạch nước”, “hệ thống HLX kết nối”, “mạng lưới HLX tuyến tính”, “HLX cách ly”, “HLX dọc trục giao thông”… vẫn cần được nghiên cứu để thống nhất.
Cơ sở lý thuyết thiết lập cấu trúc đô thị hiện đại từ chủ nghĩa công năng đến tư tưởng phát triển bền vững
Le Corbusier là người khởi xướng Chủ nghĩa công năng, đưa ra triết lý “ngôi nhà là cái máy để ở”, với 5 quan điểm về kiến trúc hiện đại, các nghiên cứu và thực hành về đô thị học hay kiến trúc. Ông là nhà lý thuyết và cũng là người thực hành triệt để nhất các tư tưởng của Chủ nghĩa công năng. Chủ nghĩa công năng tiếp tục tồn tại trong các giai đoạn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2,3.
Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 gắn với hệ thống internet, điện thoại thông minh, cơ sở dữ liệu, liên kết và chia sẻ dữ liệu… đã làm biến đổi về cả bề rộng lẫn chiều sâu của hệ thống quản trị và sản xuất, môi trường đô thị. Lý thuyết phát triển đô thị cần có quan điểm phát triển mới, vừa để khắc phục được những vấn đề của chủ nghĩa đô thị hiện đại vừa tiếp cận được sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tư tưởng phát triển bền vững (ESSD) đã được tổ chức liên hợp quốc Brundtland Commission đề cập đầu tiên trong chương trình “Tương lai của chúng ta” (Our Common Future), định nghĩa “Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn nhu cầu con người, không chỉ cho giai đoạn hiện tại mà còn cả trong tương lai, phải đáp ứng yêu cầu kinh tế lẫn bảo vệ môi trường”. Từ đó, trên thế giới hình thành lý thuyết mới như đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thích ứng, thành phố sinh thái kiêm kinh tế (Eco2city), thành phố đáng sống… Trong các mô hình phát triển bền vững đó, các không gian xanh lớn như HLX, vành đai xanh (VĐX), nêm xanh, trái tim xanh… đã trở thành yếu tố quan trọng từ quá trình thiết lập đến hoàn thiện và thúc đẩy phát triển cấu trúc đô thị phát triển bền vững.
Khái niệm Hành lang xanh
Trong các nghiên cứu liên quan đến khái niệm này, phần lớn các nhà khoa học trên thế giới đã thống nhất định nghĩa HLX là “hành lang tuyến tính được thiết lập để kết nối các không gian xanh trong thành phố và với mục tiêu duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động giải trí và bảo tồn giá trị lịch sử – văn hóa địa phương”. Qua các nghiên cứu, dự án phát triển đô thị lớn trên thế giới, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều thuật ngữ để chỉ ý tưởng về HLX như: Công viên tuyến tính, hành lang sông, đường xanh, hành lang sinh thái, trục xanh, hạ tầng xanh…
Trong một số trường hợp cụ thể, khái niệm HLX có sự tương đồng với vai trò của VĐX. Khi đó, HLX không dừng lại ở vai trò bảo vệ môi trường sinh thái mà còn có vai trò ngăn cản sự phát triển đô thị lan toả và bảo vệ quỹ đất nông nghiệp.
Qua đánh giá trên hệ thống bản đồ, tác giả có thể khảng định HLX trong QHC 1259 có cấu trúc không theo hình thái tuyến tính như trong khái niệm HLX phổ biến trên thế giới, mà có hình thái dạng VĐX toàn bộ khu vực ngoại thành (tương tự mô hình VĐX trong quy hoạch vùng đại London năm 1935).
HLX đô thị tại Việt Nam có các mục tiêu phát triển như: (i) Tạo lập môi trường, thiên nhiên tốt, thích ứng BĐKH; (ii) Tạo lập không gian xanh có cảnh quan đẹp, góp phần tạo bản sắc đô thị; (iii) Góp phần hạn chế phát triển lan tỏa thiếu kiểm soát của đô thị; (iv) Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề truyền thống; (v) Tạo lập điểm dân cư nông thôn bền vững; (vi) Tạo lập không gian hoạt động kinh tế xanh; (vii) Tăng hiệu quả kinh tế trong khai thác sử dụng đất nông nghiệp.
Kinh nghiệm thiết lập cấu trúc đô thị bền vững dựa trên VĐX
Anh
Cấu trúc đô thị London năm 1935, vùng đại London được thiết lập cấu trúc đô thị dựa trên mô hình “Thành phố Vườn”, bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được phân tách và giới hạn phát triển bởi VĐX. Vành đai xanh London là toàn bộ vùng ngoại thành tương tự HLX trong QHC 1259. Các chức năng chính bao gồm đất rừng, đất nông nghiệp, mặt nước, đất công trình đất khác (công viên, quảng trường…). VĐX vùng đại London có mục tiêu: Kiểm soát sự mở rộng giới hạn của đô thị lớn, ngăn chặn các thị trấn lân cận sáp nhập vào nhau, hỗ trợ trong việc bảo vệ các vùng nông thôn tránh bị xâm lấn, bảo vệ cấu trúc và giá trị văn hóa lịch sử, hỗ trợ trong việc tái tạo đô thị bằng cách khuyến khích việc sử dụng đất hoang và các loại đất đô thị khác.
Hàn Quốc
Cấu trúc đô thị Seoul năm 1971, vùng thủ đô Seoul được thiết lập dựa trên cấu trúc thành phố vườn, gắn với VĐX tương tự cấu trúc vùng đại London. VĐX toàn bộ khu vực ngoại thành, có chiều rộng lớn nhất đến 40km, là những không gian mở bao bọc bên ngoài đô thị trung tâm. Vùng Thủ đô Seoul của Hàn Quốc được phát triển trong đó hạ tầng giao thông được xem là điểm mấu chốt để phát huy vai trò dẫn đầu cũng như tăng tính kết nối giữa Seoul và các đô thị vệ tinh thuộc vùng Thủ đô.
Australia
Cấu trúc đô thị Adelaide, VĐX được thiết lập trên cơ sở sông Torrens cắt qua kết hợp với 29 công viên bao bọc và giới hạn sự phát triển của đô thị. Diện tích các công viên này khoảng 7,6 km2. Hệ thống công viên này vừa là lá phổi xanh đô thị vừa là nơi cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí, ngắm cảnh của người dân đô thị.
Qua đánh giá một số đô thị trên thế giới, tác giả có thể khẳng định việc thiết lập đô thị theo cấu trúc đa cực gắn với VĐX có hiệu quả trong việc giới hạn và kiểm soát phát triển đô thị, thúc đẩy đô thị phát triển bền vững. VĐX trở thành không gian xanh ngoài đô thị trung tâm gắn liền với sự phát triển của đô thị. VĐX là những công viên sinh thái, điểm vui chơi giải trí, thể thao hấp dẫn kiến tạo đặc trưng của đô thị.
Tương tự các đô thị lớn trên thế giới, các đô thị lớn tại Việt Nam cũng có xu hướng phát triển đô thị đa cực, bám vào trục giao thông vành đai và hướng tâm, dựa vào các HLX. HLX vừa là không gian xanh, cảnh quan vừa là trục động lực phát triển và trục liên kết cấu trúc đô thị. HLX được hình thành dựa trên khung tự nhiên của mỗi đô thị như hành lang ven biển, ven sông, vùng tự nhiên rừng núi…
Thiết lập cấu trúc đô thị bền vững tại Việt Nam trên cơ sở hệ thống HLX
Quan điểm
Lối tư duy “chinh phục tự nhiên” phải được thay thế bởi tư duy “thích ứng và cân bằng với thiên nhiên” gắn với ứng xử “thuận thiên”. Tư duy phân lô “bám đường” phải được thay thế bởi tư duy phát triển “bám thiên nhiên”. Mô hình “Thành phố Vườn” phải được thay thế bới mô hình “Thành phố Sông” – “Thành phố Biển”.
Mô hình chùm đô thị gắn với VĐX, HLX phải được thay thế bởi mô hình mạng lưới đô thị linh hoạt gắn với hệ thống HLX. Hệ thống HLX vừa là không gian Sinh thái – Văn hóa và vừa là tài nguyên cho phát triển kinh tế, làm nền tảng cho phát triển đô thị theo hướng Xanh – Hiện đại – Bản sắc.
Mô hình cấu trúc
Mô hình mạng lưới đô thị đa trung tâm và đa cực, bao gồm cực phát triển đô thị trung tâm và các cực phát triển linh hoạt ở ngoại thành, được phân tách và liên kết bởi hệ thống HLX. Hệ thống HLX được hình thành trên cơ sở “khung thiên nhiên”, tùy vào mục tiêu phát triển mà có thể xác định loại hình HLX khác nhau như: HLX phát triển, HLX kiểm soát, HLX kết nối và HLX sinh thái.
HLX phát triển
HLX này bám theo hành lang sông xuyên cắt qua trung tâm đô thị, nơi ứng dụng phát triển mô hình kinh tế Xanh – Sáng tạo, khẳng định tầm nhìn và vị thế của đô thị.
HLX kiểm soát
HLX này có vai trò tương đồng khái niệm VĐX đã được quốc tế công nhận. HLX này bao gồm 2 lớp. Lớp HLX thứ nhất giới hạn đô thị lịch sử với đô thị mở rộng. Lớp HLX thứ 2 giới hạn đô thị mở rộng với đô thị vệ tinh và khu vực ngoại thành. Tùy vào khu vực tự nhiên, thực trạng phát triển mà mỗi đô thị có thể có đủ 2 lớp HLX và mức độ khép kín của các lớp HLX.
HLX kết nối
HLX này có vai trò tương đồng với khái niệm nêm xanh, đường xanh, hạ tầng xanh đã được quốc tế công nhận. HLX kết nối theo hành lang sông, công viên vườn hoa, đường giao thông xuyên cắt qua đô thị kết nối đô thị lịch sử với đô thị mở rộng, đô thị trung tâm với ngoại thành và đô thị khác trong vùng.
HLX sinh thái
HLX này gắn với vùng sinh thái tự nhiên lớn như biển, rừng, núi. HLX sinh thái kết nối khu vực sinh thái tự nhiên lớn để hình thành các rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu vự dự trữ sinh quyển, di sản tự nhiên. HLX này có hình thái dạng vành đai khép kín hoặc bán phần tùy vào quỹ khu vực tự nhiên của đô thị. HLX này góp phần quan trọng trong việc thiết lập cấu trúc đô thị cấp vùng, liên vùng và quốc gia.
Thiết lập tính chất
Hệ thống HLX được thiết lập dựa trên khung thiên nhiên, di sản văn hoá, làng nghề truyền thống, khu du lịch và vui chơi giải trí tạo thành những yếu tố đặc thù, thế mạnh, động lực hình thành các nhân tố tạo thị chủ đạo có vai trò định hướng phát triển của đô thị. Ví dụ: HLX được thiết lập dựa trên tài nguyên thiên nhiên định hình đô thị du lịch nghỉ dưỡng (HLX ven biển – Hải Phòng và Đà Nẵng), HLX được thiết lập dựa trên hệ thống di sản văn hoá kiến tạo tính chất đô thị di sản (HLX sông Hồng – Hà Nội), HLX được thiết lập dựa trên phát triển khoa học công nghệ định hình tính chất đô thị sáng tạo (HLX sông Sài Gòn – TPHCM).
Thiết lập chức năng
Trung tâm đô thị
HLX phát triển có vai trò trọng tâm, định hướng phát triển trung tâm đô thị lớn. Sông Hàn đã trở thành trục phát triển, định vị cấu trúc toàn đô thị Đà Nẵng cần được phát huy tại các đô thị lớn tại Việt Nam.
Đô thị lịch sử
Tái cấu trúc phát triển đô thị lịch sử gắn với các HLX kết nối. Các đô thị lịch sử của các đô thị lớn có mật độ cao, tỉ lệ không gian xanh thấp. Chính vì vậy các HLX kết nối gắn với tuyến giao thông xanh, các tuyến sông nội đô cần được phát huy tối đa để tái cấu trúc lại đô thị, bảo vệ không gian xanh hiện có, khôi phục lại không gian tự nhiên, tạo ra những không gian vui chơi giải trí mới và hỗ trợ đô thị thích ứng với BĐKH. Trường hợp thành công của TPHCM trong việc cải tạo sông Thị Nghè, cần phải nhân rộng cho các sông khác tại các đô thị lớn của Việt Nam.
Đô thị mở rộng
Phát triển quỹ đất phát triển đô thị mới song song với các lớp HLX kiểm soát. Bố trí các chức năng công cộng, dịch vụ thương mại bám vào HLX. Ví dụ các phân khu đô thị mở rộng S1, S2, S3, S4 phía Nam Hà Nội, phát triển bám theo HLX sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Đáy. Các chức năng công cộng dịch vụ thương mại dịch chuyển từ bám đường xuyên tâm sang bám HLX.
Cực phát triển
Đồng bộ, xây dựng chiến lược phát triển gắn với HLX kết nối. Tùy vào vị trí, tiềm năng định hướng quy mô, tính chất, cấu trúc của các cực phát triển. Ví dụ trường hợp đô thị Phú Xuyên gắn với HLX phát triển sông Hồng, các HLX kết nối theo các tuyên cao tốc, quốc lộ 1A theo hướng Bắc Nam, vành đai 4 theo hướng Đông Tây, quỹ đất phát triển lớn và đặc biệt là cửa ngõ của Hà Nội từ phía Nam định hướng thành cực phát triển lớn nhất trong cấu trúc đô thị.
Khu vực ngoại thành
Việc hình thành HLX tại khu vực ngoại thành phức tạp và có hiệu quả thấp hơn trong khu vực nội thành, nên khó khăn trong việc duy trì nó như trường hợp HLX trong QHC 1259, VĐX phía Bắc trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng năm 2009. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì HLX kiểm soát khu vực ngoại thành nhằm bảo vệ và phát huy những khu vực tự nhiên, di sản văn hoá, thúc đẩy các hoạt động kinh tế dịch vụ du lịch, nông nghiệp, làng nghề truyền thống mô hình kinh tế xanh.
Vùng sinh thái tự nhiên
Việc hình thành HLX sinh thái gắn với khu vực sinh thái tự nhiên là thuận lợi và hiệu quả nhất. HLX này hình thành khu vực có giới hạn, được quy định tổng thể để bảo vệ và phát huy các khu vưc sinh thái tự nhiên như biển, rừng núi, đầm, phá hay các di sản tự nhiên đã được cộng nhận.
Thiết lập liên kết
Liên kết môi trường cảnh quan
Hệ thống HLX có vai trò liên kết sinh thái cảnh quan đô thị gắn với khung thiên nhiên để hình thành các HLX sinh thái cho đô thị. Ví dụ: Liên kết khu vực rừng núi Hương Sơn, Quan Sơn, Ba Vì hình thành HLX sinh thái cho đô thị Hà Nội.
Liên kết hạ tầng kỹ thuật
HLX kết nối gắn với hệ thống cây xanh bám theo các đường bộ, đường sắt, tuyến tàu điện trên cao hình thành tuyến giao thông xanh kết nối nội thành và ngoại thành, đô thị với các đô thị khác trong vùng. Tuyến giao thông xanh là những dải cây xanh hai bên đường, hỗ trợ cho việc giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi và làm mát đô thị. HLX trong khu vực nội đô cũng là hành lang thoát lũ, hạn chế ngập lụt và hỗ trợ đô thị thích ứng BĐKH. HLX sinh thái là vành đai cây xanh cách ly các khu vực sản xuất công nghiệp, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Liên kết văn hóa
Hệ thống HLX có vai trò bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làng nghề truyền thống hướng tới hình thành các hành lang di sản. Ví dụ: Định hướng hình thành HLX di sản văn hóa sông Hồng của Hà Nội và vùng ĐBSH.
Liên kết kinh tế
Hệ thống HLX có vai trò thúc đẩy hình thành các vành đai, hành lang phát triển kinh tế gắn với các mô hình kinh tế carbon thấp, công nghệ cao và sáng tạo. Ví dụ: HLX kinh tế Cảng biển – Logistics ven biển Đà Nẵng, Hải Phòng và TPHCM; HLX động lực phát triển kinh tế gắn với sông Hồng (Hà Nội), sông Sài Gòn (TPHCM).
Kết luận
Nếu như thiết lập cấu trúc đô thị lớn trên thế giới phần lớn gắn với hình thái giao thông, thì việc thiết lập cấu trúc đô thị lớn tại Việt Nam cần dựa vào “khung thiên nhiên”, theo tư duy “thích ứng và cân bằng với thiên nhiên” và ứng xử “thuận thiên”. Cấu trúc đô thị bền vững theo mô hình mạng lưới đô thị linh hoạt dựa trên hệ thống HLX. Hệ thống HLX đô thị có 04 loại hình chính: HLX phát triển, HLX kiểm soát, HLX kết nối và HLX sinh thái. Trong khi HLX kiểm soát có vai trò như công cụ pháp lý để kiểm soát phát triển đô thị, HLX sinh thái để bảo vệ di sản tự nhiên thì HLX phát triển lại là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và HLX kết nối lại tăng cường liên kết cấu trúc đô thị. Hệ thống HLX trở thành nhân tố tạo thị chủ đạo của đô thị. Hệ thống HLX đóng góp tích cực trong việc thiết lập và liên kết các chức năng trong cấu trúc đô thị bên vững. Qua bài báo này, tác giả hi vọng các nhà quản lý đô thị, nhà quy hoạch, nhà nghiên cứu có thể vận dụng kết quả nghiên cứu trong việc lập quy hoạch đô thị lớn tại Việt Nam theo hướng Xanh – Hiện đại – Bản sắc./.