Đó là TP Ngã Bảy, trực thuộc tỉnh Hậu Giang.
TP Ngã Bảy là một thành phố nằm ở phía tây sông Hậu, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với diện tích hơn 78 km2, Ngã Bảy được coi là trung tâm kinh tế ở phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang. TP Ngã Bảy cách TP Sóc Trăng khoảng 30 km, cách TP Vị Thanh, trung tâm hành chính của tỉnh Hậu Giang khoảng 60 km (đường Quốc lộ).
Thành phố trẻ này có vị trí địa lý rất đặc biệt khi là nơi gặp nhau của 7 dòng kênh lớn, bao gồm Cái Côn, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong và Xẻo Môn. Bảy dòng kênh này tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy quan trọng, từ đó kết nối các tỉnh thành trong khu vực.
7 dòng kênh lớn của TP Ngã Bảy
Về thời điểm đào các kênh, theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng và nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam, để khai phá cánh đồng lau sậy rộng lớn ở Ngã Bảy, Phụng Hiệp, công cuộc đào kênh đã được người Pháp tiến hành từ những năm cuối thế kỷ 19. Quá trình này diễn ra trong vòng hơn 30 năm, giúp hình thành nên 7 ngã kênh đào, với tổng chiều dài khoảng 350 km.
Đầu tiên là kênh Mương Lộ, nối từ Ngã Bảy tới TP Sóc Trăng, dài khoảng 25 km. Kênh đào này được đào từ năm 1901 đến năm 1905. Sở dĩ được gọi là Mương Lộ vì khi đào dòng kênh này, người xưa dùng đất đắp quốc lộ (hiện nay là Quốc lộ 1 đoạn Ngã Bảy – Sóc Trăng).
Thứ hai là kênh Mang Cá, nối Ngã Bảy với chợ Kế Sách, dài khoảng 18 km. Dòng kênh này được đặt theo mang cá của cầu Phụng Hiệp. Mang cá có nghĩa là đường dốc ở hai bên bờ sông, nối vào hai đầu cầu.
Thứ ba là kênh Cái Côn, dài khoảng 15 km. Dòng kênh này xẻ thẳng từ sông Hậu vào nội đồng, từ đó giúp đưa nước vào những cánh đồng và rửa phèn vào mùa mưa. Đây cũng chính là con kênh rộng nhất trong 7 kênh, với chiều rộng trung bình hiện nay là khoảng 120 m.
Thứ tư là kênh Xẻo Dong, hướng về Cần Thơ. Dòng kênh này được đào để đắp cho đường quốc lộ, đoạn Ngã Bảy – Cần Thơ. Tuy nhiên, người ta gọi là kênh Xẻo Dong vì có nhiều cây Dong mọc dại. Kênh Xẻo Dong được đào vào năm 1908.
Thứ năm là kênh Xẻo Môn dài 12 km. Con kênh này được mở rộng từ một con rạch nhỏ thông sâu vào nội đồng, với điểm cuối là chợ Hòa Mỹ ở huyện Phụng Hiệp ngày nay.
Thứ sáu là kênh Lái Hiếu dài 25 km, kết nối Ngã Bảy với Cây Dương, Long Mỹ và nối vào một nhánh của sông Cái Lớn. Con sông này lại ăn thông ra vịnh Thái Lan. Kênh Lái Hiếu có thể được đào vào năm 1906 và được đặt theo tên của một người lái buôn mà người trong vùng gọi là Hiếu.
Thứ bảy là kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, giúp kết nối Ngã Bảy – Phụng Hiệp với TP Cà Mau. Đây cũng chính là con kênh dài nhất và quy mô nhất trong 7 kênh, với chiều dài 140 km. Con kênh này đi qua 4 tỉnh là Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Trong số 7 dòng kênh, kênh Cái Côn, kênh Lái Hiếu và kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp là quan trọng nhất.
Theo các chuyên gia, khi cụm kênh Ngã Bảy cơ bản hoàn thành vào khoảng năm 1915, tuyến đường thủy thông thương. Theo đó, ghe tàu từ các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá, Vĩnh Long… qua lại ngày càng nhiều. Người dân chở nông, thủy sản, rau, củ, trái cây… tụ lại ở vùng này để trao đổi và buôn bán. Kể từ đó, chợ nổi Ngã Bảy được hình thành.
Vào năm 1992, ông Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng đã nhận xét về chợ nổi Ngã Bảy – Phụng Hiệp: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy“.
Ngoài ra, TP Ngã Bảy còn nằm giữa các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, đường tỉnh 927, đường Quản Lộ – Phụng Hiệp… nên tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho địa phương.
Ngã Bảy là thành phố có vai trò quan trọng ở tỉnh Hậu Giang
Đến năm 2020, thị xã Ngã Bảy được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Trên thực tế, TP Ngã Bảy hiện nay chỉ có 4 phường, 2 xã. Hầu hết các nhánh sông cũng là ranh giới giữa các phường. Trong đó, trung tâm của TP Ngã Bảy chính là phường cùng tên, với ranh giới là kênh Mang cá và kênh Xẻo Dong.
Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, Ngã Bảy được kỳ vọng trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh Hậu Giang. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi có khả năng kết nối giao thông và giao thương trên cả đường thủy và đường bộ, nên TP Ngã Bảy được coi là điểm kết nối quan trọng của tiểu vùng Tây sông Hậu.
Theo kế hoạch phát triển về hạ tầng giao thông của ĐBSCL, TP Ngã Bảy sẽ là một trong những địa phương được hưởng lợi lớn nhất khi nằm ở gần 3 tuyến cao tốc là Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Sóc Trăng và Hà Tiên – Bạc Liêu.
Trong những năm qua, tình hình kinh tế – xã hội của TP Ngã Bảy ngày càng phát triển. Kết cấu hạ tầng của thành phố được đầu tư đồng bộ và diện mạo đô thị ngày càng trở nên khang trang và hiện đại. Trong đó, thương mại và dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố.
Với vai trò là cầu nối giao thương giữa các tỉnh, thành ở trong vùng, hạ tầng giao thông của thành phố này được coi là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế vùng ĐBSCL.
Dựa theo báo cáo quy hoạch về sử dụng đất từ năm 2021 – 2030 của TP Ngã Bảy, hiện nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm khoảng 20%. Ngoài lúa, múa, TP Ngã Bảy còn có các vườn cây ăn trái nổi tiếng như chôm chôm, cam sành…
Bên cạnh đó, TP Ngã Bảy còn nổi tiếng với sự phát triển của chợ nổi. Đó là các làng nghề chuyên phục vụ cho việc mua bán trên sông. Thành phố cũng có một số cụm công nghiệp ở phường Hiệp Thành, nơi có một vài công ty sản xuất về phân bón, mía đường, chế biến thủy sản…
Đặc biệt, ngành thương mại, dịch vụ chiếm khoảng 43% và đang có sự chuyển dịch tốt ở Ngã Bảy.
Chính quyền thành phố cũng đã triển khai nhiều dự án nâng cấp, mở rộng cũng như cải tạo các tuyến đường giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa cũng như kết nối giữa các tỉnh, thành ở trong khu vực.
Để phát huy lợi thế về kinh tế sông, trong thời gian qua, TP Ngã Bảy đã hướng tới phát triển du lịch sinh thái gắn với hoạt động sông nước.
Theo đó, để tạo được điểm nhấn, thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Ngã Bảy. Trong đó, thành phố vận động, hỗ trợ những chủ sơ sở tiến hành hoàn thiện và chỉnh trang những sản phẩm du lịch hiện có, chẳng hạn như: Du lịch homestay, du lịch văn hóa (đờn ca tài tử, ẩm thực,…); du lịch sinh thái nhà vườn (bao gồm vườn trái cây Chín Hùng, Bảy Liễu, vườn dâu Thiên Ân, vườn dâu Út Ngân, vườn dâu Phương Nghi, vườn dâu, sầu riêng Kim Ngân); xây hàng rào, lót vỉa hè khu di tích lịch sử như khu Liên hiệp đình chiến Nam bộ)…
Ngoài ra, TP Ngã Bảy còn có điểm du lịch hấp dẫn như chợ nổi Ngã Bảy, nơi 7 nhánh sông hội tụ giống như hình ngôi sao, nơi cho ra đời bài vọng cổ nổi tiếng là “Tình anh bán chiếu“.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP Ngã Bảy đã ghi nhận được 27.219 lượt khách tham quan, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu về du lịch của thành phố đạt 14.153 tỷ đồng, tăng tới 438% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 1959, NSND Viễn Châu đã sáng tác bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”. Cũng vì bài vọng cổ này mà Ngã Bảy trở nên nổi tiếng khắp Nam Bộ.
Bài tham khảo nhiều nguồn