Site icon DOANH NGHIỆP & THỊ TRƯỜNG

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 5,5

Sáng nay 17/5, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định”.

Đánh giá tình hình kinh tế thế giới Quý I và 4 tháng đầu năm 2024, báo cáo của VEPR cho thấy, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại so với năm 2023.

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong khoảng cận dưới mục tiêu là 6%

Về kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho biết, nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp, với kim ngạch xuất khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, nền kinh tế duy trì xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 4 tháng qua.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những tháng đầu năm khá tích cực. Tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng qua đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 4 tháng ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu trong 5 năm qua. Số liệu trên có thể thấy, thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế 4 tháng đầu năm, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024”, TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết.

Bên cạnh đó, công nghiệp xây dựng cũng có nhiều dấu hiệu cải thiện, khi tăng trưởng 6,28%, đóng góp 41,68% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế trong quý I/2024.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vẫn còn những yếu tố khiến sự phục hồi kinh tế năm 2024 của Việt Nam chưa thực sự bền vững. Cụ thể: Quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quý IV/2023 lại trên đà giảm dù đây là khoảng thời gian tháng tết âm lịch.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đang có xu hướng nhỏ lại.

“Không chỉ những khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ cũng doanh nghiệp cũng giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn và nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài sẽ nguy cơ suy thoái”, TS. Nguyễn Quốc Việt lo ngại.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp, GS, TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng được hay không là nhìn vào khu vực doanh nghiệp, nhưng tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm cho thấy những điều bất thường so với nhiều năm.

“Giá tiền, lãi suất thấp nhưng nhiều doanh nghiệp không thể đủ điều kiện tiếp cận vốn vay mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu, giãn hoãn nợ, đây là thách thức để doanh nghiệp có thể phục hồi”, GS, TS. Hoàng Văn Cường chỉ rõ.

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô như áp lực tỷ giá và giá vàng liên tục đạt đỉnh đầu năm 2024. Mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới. Ngoài các yếu tố bong bóng tài sản và tỷ giá có thể dẫn đến thay đổi mặt bằng lãi suất thì lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm trong giai đoạn nửa cuối 2024”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Đối chiếu giữa dự báo hàng năm của các tổ chức quốc tế cùng với tình hình kinh tế trong nước, VEPR thận trọng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 trong khoảng 5,5 – 6%.

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

Chuyên gia của VERP cũng dự báo, năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức như: trì hoãn cắt giảm lãi suất của FED làm giảm xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của Việt; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn; biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao và tài chính tiền tệ ở Việt Nam được nới lỏng. Bên cạnh đó, chi phí ở một số lĩnh vực hàng nhập khẩu và dịch vụ công có xu hướng tăng.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, VEPR cho rằng, cần tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, để tạo ra một nền tảng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

“Ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2024 cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng và nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số”, chuyên gia của VEPR khuyến nghị.


Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn

Exit mobile version